Mẹo bảo quản và sắp xếp thực phẩm hợp lý trong tủ lạnh
Tủ lạnh là một phương tiện bảo quản thức ăn chứ không có tác dụng diệt khuẩn, chính vì vậy các bà nội trợ cần cân nhắc khi bảo quản và sắp xếp đồ ăn sao cho hợp lý.
Sắp xếp đồ ăn trong tủ lạnh đúng cách và khoa học sẽ giúp bạn bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và dễ dàng đem ra chế biến. Dưới đây là ba bước đơn giản giúp các bà nội trợ trở nên thông thái khi sử dụng tủ lạnh hàng ngày.
1. Dọn dẹp lại tủ lạnh
Dọn dẹp lại tủ lạnh giúp bạn dễ hình dung những thứ còn thừa hay thiếu trong tủ lạnh. Ảnh: onegoodthing. |
Trước khi sắp xếp lại thực phẩm trong tủ lạnh, điều đầu tiên bạn cần làm là lau dọn tủ một cách cẩn thận. Tốt nhất, hãy làm lần lượt từ trên xuống dưới những điều sau:
- Bỏ hết những đồ ăn đã quá hạn sử dụng.
- Chọn lọc và giữ lại các loại gia vị mới sử dụng một lần như tương cà chua, tương ớt, xốt mayonnaise..., loại bỏ những chai lọ đã hết hạn để tránh gây nhầm lẫn.
- Nếu tủ lạnh quá nhỏ, bạn có thể bỏ bớt ra ngoài một số loại thực phẩm như: cà chua, hành, khoai tây, bánh mì, hạt ngũ cốc, chuối… vì những thực phẩm này có thể bảo quản dễ dàng ở nhiệt độ phòng.
2. Sắp xếp thực phẩm
Tủ lạnh cũng có nguyên lý của nó và bạn cần hiểu rõ nguyên lý ấy để sử dụng vật dụng này một cách hiệu quả. Hiện nay, tủ lạnh thường gồm hai ngăn, ngăn đông có nhiệt độ âm và ngăn lạnh có nhiệt độ dương. Về mùa đông, nếu đặt ở số 1 (ít lạnh nhất) nhiệt độ trong ngăn lạnh sẽ khoảng từ 2 đến 5 độ C, nhiệt độ ngăn bảo quản rau quả khoảng từ 7 đến 10 độ C là phù hợp để bảo quản thức ăn ngắn hạn. Nhưng về mùa hè, muốn duy trì nhiệt độ này phải điều chỉnh lên số 4, số 5. Bạn có thể tham khảo cách sắp xếp dưới đây.
- Ngăn phụ dưới cùng thường được thiết kế ở độ ẩm cụ thể thích hợp chứa các loại hoa quả tươi và rau củ. Không nên để trái cây quá sát nhau trong tủ lạnh để tránh một quả chín làm cho các quả còn lại chín theo.
-Ngoại trừ ngăn đông đá thì phần lạnh nhất trong tủ lạnh lại không phải là mặt kính sát với ngăn rau củ. Do đó đây là ngăn tốt nhất chứa các loại thực phẩm tươi sống. Bạn nên mua nhiều hộp nhựa để bảo quản và phân loại những loại đồ ăn này, tránh gây ô nhiễm.
- Ngăn trên cùng thích hợp để đồ ăn còn thừa sau mỗi bữa ăn, đồ uống, đồ ăn sẵn.
- Ngăn giữa là nơi phù hợp cho các đồ cần bảo quản mát như cà phê, sữa chua, bánh ngọt...
- Trứng, đồ gia vị có thể được đặt ở cánh cửa tủ lạnh.
- Ở ngăn đông đá, khi sử dụng, bạn cần lưu ý:
Thực phẩm đã lấy ra khỏi ngăn đông đá thì phải chế biến ngay bởi khi đã rã đông rồi lại cho vào ngăn đá sẽ gây ra nhiễm độc thực phẩm.
Thực phẩm mới cho vào ngăn đá nên để ở phía trong, thực phẩm mua trước đó nên xếp ra ngoài để dùng trước. Nên gắn nhãn ngày trên thực phẩm đông đá để tránh trường hợp dùng nhầm đồ để lâu. Việc gắn nhãn ngày mua, ngày mở hộp hoặc ngày hết hạn sản phẩm đông lạnh, đồ hộp nên áp dụng cả ở ngăn mát.
3. Thói quen khoa học cần biết khi sử dụng tủ lạnh
Sắp xếp thực phẩm hợp lý chính là bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình bạn. Ảnh: theglamoroushousewife. |
Trong tủ lạnh vi khuẩn không chết mà chỉ phát triển chậm lại hoặc ngừng phát triển, độc tố của chúng cũng không bị phá huỷ. Chúng chỉ tạm thời “ngủ yên”, đợi khi ra khỏi tủ lạnh gặp điều kiện nhiệt độ thường trong nhà hoặc nhiệt độ của cơ thể con người chúng sẽ trở lại hoạt động bình thường. Để phòng tránh bệnh tật, giữ gìn vệ sinh thực phẩm thật tốt khi sử dụng tủ lạnh, cần thực hiện những khuyến cáo sau:
- Nước dùng làm kem, làm đá phải là nước đã đun sôi.
- Thức ăn chín muốn để dành phải đưa ngay vào tủ lạnh chậm chất là 4 giờ sau khi xào nấu xong. Khi cần lấy ra khỏi tủ lạnh phải ăn ngay không để lâu quá 4 giờ ở nhiệt độ trong nhà.
- Những thức ăn sống như thịt, cá… muốn để dành phải cất vào tủ lạnh ngay sau khi giết thịt, không được để chậm quá 4 giờ. Khi lấy ra khỏi tủ lạnh phải chế biến ngay.
- Đối với những thực phẩm sống hoặc chín không biết chắc chắn chế biến từ bao giờ, rất có thể đã bị nhiễm khuẩn hoặc nhiễm độc tố của vi khuẩn, cần phải chế biến ngay hoặc đun nấu lại cẩn thận trước khi cho vào tủ lạnh.
- Tuân thủ nguyên tắc: Ưu tiên đặt những thực phẩm chín, đã chế biến ở ngăn trên cùng.
- Dù là trong tủ lạnh, thực phẩm vẫn cần được bảo quản trong hộp riêng đậy kín.
- Lau dọn tủ lạnh một tuần một lần, tốt nhất là hãy vệ sinh tủ lạnh trước khi bạn có ý định tới siêu thị.
Cần nhớ tủ lạnh là một phương tiện bảo quản thức ăn chứ không có tác dụng diệt khuẩn. Vì vậy, những thức ăn đưa vào tủ lạnh phải là những thức ăn tươi, sạch, không bị nhiễm khuẩn hoặc độc tố của vi khuẩn mới đảm bảo an toàn được.
Theo ngoisao.net