Bàn tay "nở hoa"

08/10/2014 16:22

(Baonghean) - Họ không may mắn có được đôi bàn tay lành lặn, đôi mắt sáng… nhưng trên chính những đôi tay tưởng chừng như vụng về ấy lại “nở ra” muôn màu HOA… Ẩn chứa sau đó là thông điệp về tình yêu đời, nghị lực sống mãnh liệt và quyết tâm vượt lên chính mình của những người kém may mắn...

Ngắm những bình hoa lụa được đặt trang trọng trên bục của Hội trường xã Hưng Chính (Thành phố Vinh), thật ngạc nhiên bởi đó là tác phẩm nghệ thuật của những người khuyết tật. Tò mò xen lẫn khâm phục, tôi lần tìm nguồn gốc những bông hoa lụa đẹp dịu dàng ấy… Ngôi nhà nhỏ của em Phan Thị Huyền (xóm 2) ngập tràn sắc hoa. Những bình hoa lan, hoa ly, hoa hồng… bằng lụa uốn, tỉa công phu bởi bàn tay khéo léo của cô bé khuyết tật, khiến ai cũng phải trầm trồ. Huyền là con thứ 2 trong gia đình có 2 anh em. Em không may mắn bị khuyết tật vận động, sức khoẻ yếu, đi lại khó khăn. Bởi vậy, ước mơ được đến trường của em đành gác lại. Cách đây hai năm, lớp dạy nghề làm hoa lụa được mở tại xã, đã trao cho em cơ hội được làm việc phù hợp với sức khoẻ. Hạnh phúc hơn, những bông hoa nhỏ xinh ấy đã mang đến cho Huyền một thế giới mới, lung linh sắc màu. Từ khi biết đến nghề làm hoa lụa, mỗi ngày với Huyền là một niềm vui mới. Ngày ngày em chăm chút cắt, tỉa những cánh hoa… tự do thể hiện ý tưởng sáng tạo, phối màu cho những bình hoa. Mỗi bình hoa nhỏ xinh là một tác phẩm nghệ thuật được dệt nên bởi niềm say mê và tình yêu nghề.

Lần đầu tiên Huyền hoàn thành được bình hoa lụa, em đã oà khóc khi nhìn thấy chính sản phẩm của mình. Đó là lần đầu tiên cô bé cảm nhận sâu sắc ý nghĩa của hai từ “lao động”. Và cũng với công việc đó, em có cơ hội được tiếp xúc nhiều hơn với mọi người; kiếm được một khoản tiền nho nhỏ đỡ đần bố mẹ, để thấy mình không phải là “người thừa”, là “gáng nặng”. “Từ khi biết kết hoa lụa, em cảm thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn. Trước đây, vì sức khoẻ yếu nên em không giúp đỡ được gì cho bố mẹ, thì nay em đã góp được chút công sức lao động nhỏ bé của mình làm nên những sản phẩm để bán”. Cô bé khuyết tật đã tự tin và vui sống hơn với công việc làm hoa lụa và ngày ngày gửi ước mơ qua mỗi cánh hoa…

Bị nhiễm chất độc da cam nên từ khi sinh ra, chị Phan Thị Yến (xóm 2) đã bị những vết sẹo làm biến dạng khuôn mặt, mắt kém và sức khoẻ yếu nên không làm được việc nặng. Chị lập gia đình với người chồng cùng cảnh ngộ. Trong ngôi nhà nhỏ của gia đình anh chị mới được xây năm trước từ nguồn kinh phí do Nhà nước hỗ trợ, hai vợ chồng chị nương tựa vào nhau, chăm sóc cho nhau và cùng vun vén cho tổ ấm của mình. Điều kỳ diệu nhất của gia đình anh chị là con trai không bị di chứng của chất độc da cam, cháu vẫn khoẻ mạnh bình thường và chăm ngoan. Nhưng cả gia đình anh chị chỉ biết dựa vào nguồn trợ cấp hàng tháng hơn 1.000.000 đồng của Nhà nước, làm sao lo cho con cuộc sống đủ đầy và ngày ngày đến lớp bằng bạn, bằng bè; đó là nỗi trăn trở lớn của người mẹ tật nguyền.

Nhờ được học nghề làm hoa lụa giành cho người khuyết tật, chị tự mày mò lựa chọn nguyên liệu từ chợ Vinh, miệt mài làm. Với những người khuyết tật như chị Yến, đôi mắt và bàn tay không được linh hoạt và nhanh nhẹn như người thường. Bởi vậy để làm ra sản phẩm họ phải nỗ lực rất nhiều. Để hoàn thành một bình hoa cần nhiều công đoạn, dù không đòi hỏi nhiều sức lực, nhưng cần sự tỷ mẩn và khéo léo. Có nhiều hôm tâm đắc với những ý tưởng, chị miệt mài làm suốt cả ngày để hoàn thành bình hoa lụa. Để làm xong một bình hoa cũng phải mất hơn 2 ngày, tiền mua nguyên liệu cũng khá đắt. Lời lãi không nhiều, nên chị mong có nhiều khách mua hàng, để chị có cơ hội làm ra được nhiều sản phẩm, tăng thu nhập cho gia đình. Thế nhưng, sản phẩm của người khuyết tật vẫn chưa được nhiều người biết đến. Mỗi tháng chị cũng chỉ bán được vài bình hoa lụa (mỗi bình từ 100.000 đồng – 500.000 đồng).

Chị Phan Thị Yến (xóm 2, Hưng Chính) làm hoa lụa.
Chị Phan Thị Yến (xóm 2, Hưng Chính) làm hoa lụa.

Tổ làm hoa lụa của người khuyết tật ở xã Hưng Chính được hình thành từ đầu năm 2013, là nơi quy tụ của 10 người kém may mắn, mỗi người một hoàn cảnh. Sau khi được học nghề ngắn hạn, tổ làm hoa lụa đã có được tay nghề thành thạo và phát huy nghề tốt. Hiện nay sản phẩm của tổ được đặt trang trí tại các bàn làm việc của Đảng ủy, UBND xã, các nhà văn hoá xóm và nhiều hộ dân trong xã. Niềm vui khi những người khuyết tật có được một nghề để tự chủ hơn trong cuộc sống nhưng vẫn còn đó những trăn trở. “Mặc dù hội phụ nữ cũng nỗ lực phối hợp với các tổ chức để tìm đầu ra cho sản phẩm, nhưng khó khăn bởi sản phẩm bán ra khá đắt; chỉ phù hợp với khách hàng có thu nhập khá trở lên nên ở quê khách hàng cũng không nhiều và thường xuyên. Chúng tôi mong muốn có được đầu ra cho những sản phẩm này, tạo điều kiện việc làm ổn định cho người khuyết tật” - chị Nguyễn Thị Thu - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hưng Chính chia sẻ.

Những bông hoa đủ sắc màu được kết tinh từ nghị lực sống mãnh liệt, nỗ lực vươn lên của những người khuyết tật, không khỏi khiến chúng ta phải suy ngẫm. Bởi những người khuyết tật sống ở vùng nông thôn điều kiện sống thiếu thốn, họ gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại và giao tiếp với cộng đồng. Bởi vậy, rất cần sự sẻ chia nhiều hơn của cộng đồng xã hội để tạo thêm nhiều cơ hội cho họ được làm việc và hoà nhập.

Đinh Nguyệt