Kobani thất thủ: Thổ Nhĩ Kỳ "mừng thầm" hay "khóc mướn"?

11/10/2014 09:47

(Baonghean) - Thứ Năm, ngày 9/10, Nhà nước Hồi giáo IS gần như đã chiếm được Thành phố Kobani. Như vậy là sau gần 1 tháng cầm cự, thành trì lớn thứ 3 Syria của người Kurd có vẻ như sẽ sớm thất thủ, và số người tị nạn có lẽ sẽ lớn hơn rất nhiều con số 300.000 người kể từ giữa tháng 9 đến nay. Sự kiện này đang là chủ đề tranh luận gay gắt giữa phương Tây và Thổ Nhĩ Kỳ - đáng ngạc nhiên là chủ nhà Syria dường như không có ý kiến gì về việc mất thêm 1 phần lãnh thổ vào tay IS.

Xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ trên đồi ở Suruc, phía sau là Thành phố Kobani, ngày 9/10.
Xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ trên đồi ở Suruc, phía sau là Thành phố Kobani, ngày 9/10.

TIN LIÊN QUAN

Hơn ai hết, Thổ Nhĩ Kỳ là nước có lợi thế về địa lý và lý do để can thiệp quân sự, bảo vệ Kobani khỏi cái bóng IS. Theo logic thông thường, không một quốc gia nào lại "ngoảnh mặt làm ngơ" nhìn nước láng giềng "cháy nhà", mà mồi lửa lại bùng lên ngay sát vách "nhà" mình! Từ khi IS rục rịch tiến quân về phía Kobani từ giữa tháng 9 đến nay, đã có hơn 200.000 người Syria dạt sang Thổ Nhĩ Kỳ tị nạn. Con số này chắc chắn sẽ tăng lên nhiều hơn nữa một khi Kobani thực sự rơi vào tay IS. Điều này sẽ ít nhiều tác động đến ổn định xã hội của Thổ Nhĩ Kỳ. Chưa kể, việc IS đóng "thành trì" ngay cạnh biên giới Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là mối nguy tiềm tàng cho quốc gia này. Trên thực tế, ngày 2/10, Nghị viện Thổ Nhĩ Kỳ đã bỏ phiếu thông qua cơ chế cho phép chính phủ nước này can thiệp quân sự tại Iraq và Syria. Tuy nhiên, 10.000 quân được điều động, tập trung tại vùng Suruc gần biên giới và căn cứ quân sự Mỹ Incirlik cách biên giới 200km vẫn án binh bất động trong những ngày qua. Thứ 5, ngày 9/10, Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu nhấn mạnh một lần nữa quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc họp báo chung với Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg, rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không bao giờ chủ động và độc lập trong cuộc chiến chống IS.

Sở dĩ như vậy là bởi tình hình nội chính Thổ Nhĩ Kỳ vốn đã phức tạp, đặc biệt lại là vấn đề liên quan đến người Kurd nên chính quyền Ankara phải dè dặt, tính toán từng động thái nhỏ nhất. Trước tiên, về người Kurd ở Kobani: từ tháng 11 năm 2013, Kobani đã tuyên bố độc lập đối với chính quyền Syria của Bashar al-Assad. Cộng đồng dân cư ở Kobani là một nhóm gồm 30 đến 40 triệu người Kurd sinh sống tại Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Syria và Iran, tạo thành một cộng đồng phi chính phủ. Dân tộc Kurd độc lập được thai nghén từ lâu đang dần dần phát triển, ngày một rõ hình hài. Thế lực kiểm soát cộng đồng này là phong trào vũ trang lấy cảm hứng từ Chủ nghĩa Mác - Lênin, Đảng công nhân Kurdistan (PKK) và nhánh chính trị tại Syria của nó là Đảng liên minh dân chủ. Lực lượng vũ trang của đảng này là các đơn vị bảo vệ nhân dân Kurd (YPG), cũng là lực lượng bảo vệ Kobani.

Từ tháng 7 năm 2012, phong trào này thành lập các thể chế riêng của mình tại Syria, song song với việc chống đối lại chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad. Dựa vào các biện pháp đàn áp cứng rắn, phong trào này tuyên bố nhân danh một dự án xã hội đề cao bình đẳng giới, hòa nhập các cộng đồng tôn giáo thiểu số và một dạng tự trị địa phương. Về phía PKK, thành lập vào năm 1978 tại Thổ Nhĩ Kỳ, Đảng này đã dẫn dắt một cuộc chiến tranh đòi độc lập chống lại quân đội Ankara, khiến 40.000 người thiệt mạng trong vòng 30 năm, trong đó 7.000 người thuộc lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ. Không có gì đáng ngạc nhiên khi ý tưởng về một nhà nước tự trị người Kurd do kẻ thù đáng gờm này chỉ đạo đang lớn mạnh ở bên kia biên giới khiến cho Ankara phải e sợ. Đối với nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ, mối đe dọa đến từ PKK ít nhất cũng ngang ngửa với IS, thậm chí còn hơn thế. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan không ngừng nhắc đi nhắc lại: "IS và PKK, cũng như nhau cả thôi".

Từ tháng 1 năm 2013, Ankara và PKK cam kết thực hiện tiến trình hòa bình lịch sử. Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã ký hiệp ước thỏa thuận với đại diện hợp pháp của phiến quân Kurd - Đảng vì hòa bình và dân chủ (BDP), cụ thể là với nhà lãnh đạo Abdullah Ocalan - người bị kết án tù chung thân trên đảo Imrali sau những cuộc thanh trừng từ năm 1999. Tuy nhiên, khi Thổ Nhĩ Kỳ ký cam kết này thì người Kurd ở Syria đã phát triển hết sức mạnh mẽ. Chính quyền Ankara e ngại sự lớn mạnh tại Syria sẽ khiến PKK đưa ra những yêu sách mới. Thế nên Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu chính quyền Kurd tại Syria mở rộng quan hệ với các phong trào người Kurd khác và tách khỏi PKK. Trong khi đó, Abdullah Ocalan thì đe dọa phá bỏ thỏa thuận hòa bình nếu Thổ Nhĩ Kỳ không can thiệp quân sự, để cho các phần tử jihad sát hại người Kurd ở Kobani. Điều đáng nói, đó lại chính là cái cớ mà PKK mong đợi để phá vỡ tiến trình hòa bình lâu dài với Ankara - viễn cảnh của sự thỏa hiệp này là PKK phải giải giáp và giải tán. Như vậy, chính từ bên trong thỏa hiệp hòa bình này tồn tại những mâu thuẫn đến từ cả 2 phía. Thứ 3, ngày 7/10, biểu tình và sau đó là bạo động nổ ra, khiến 18 người thiệt mạng ở Kurdistan, sau đó là lệnh giới nghiêm và quân đội tăng cường lực lượng trong vùng, là những tín hiệu về cơn khủng hoảng chính trị xã hội đang chớm bùng phát trở lại tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Như vậy, một mặt Ankara không muốn "hà hơi tiếp sức" cho người Kurd tại Syria, e ngại sẽ tiếp thêm sức mạnh cho PKK - mà như thế thì chẳng khác nào nuôi ong tay áo! Cái cớ mà Ankara đưa ra để biện minh cho sự dẫm chân tại chỗ của mình trong cuộc chiến chống IS nói chung và bảo vệ Kobani nói riêng là việc tiêu diệt IS sẽ không làm suy yếu chính quyền của Bashar al-Assad, thậm chí là ngược lại. Có thể thấy, trên bàn cờ bày ra trước mặt chính quyền Ankara, có đến 3 mối đe dọa: Bashar, IS và PKK. Tuyên chiến trực tiếp với Bashar và PKK thì không được, nhưng nếu Ankara ra mặt chiến đấu với IS, chưa biết "mèo nào cắn mỉu nào" nhưng rõ ràng PKK sẽ được lợi khi làm suy yếu được 2 đối thủ đáng gờm mà không mất viên đạn nào. Tính toán như thế nên Ankara khoanh tay chờ thế trận ngã ngũ, mà có thể thấy trước mắt, PKK và lực lượng vũ trang YPG đang thất thế trước IS, điều có thể sẽ khiến PKK bị yếu thế hơn trong tiến trình đàm phán hòa bình chăng?

Tính toán kỹ càng khôn khéo là thế nhưng Thổ Nhĩ Kỳ đang đứng trước nhiều áp lực phải can thiệp vào Syria, trước tình hình IS ngày một bành trướng. Trong tuần này, Mỹ sẽ gửi đến Ankara 1 phái đoàn quân sự nhằm tranh luận với các quan chức quân sự Thổ Nhĩ Kỳ về trách nhiệm mà quốc gia này cần gánh vác trong cuộc chiến chung chống IS. Yêu cầu thành lập vùng đệm tại biên giới Syria và Thổ Nhĩ Kỳ của chính quyền Ankara đã bị Mỹ bác bỏ ngay lập tức, thay vào đó, Mỹ phê phán thái độ vô trách nhiệm và thụ động của chính quyền này. Ngoài ra, Ankara cũng chịu áp lực từ trong nước khi mà kỳ bầu cử hiến pháp sẽ diễn ra vào tháng 6 năm 2015, Tổng thống Erdogan hiểu rõ hơn ai hết, lá phiếu ủng hộ của 20% dân số Thổ Nhĩ Kỳ là người Kurd sẽ có ý nghĩa to lớn đối với sự thắng bại của đảng AKP của ông.

Nấm Linh Chi

(Tổng hợp từ Le monde)