Loay hoay bài toán nông sản an toàn

14/11/2014 17:44

Mặc dù nhu cầu về nông sản an toàn ngày càng tăng nhưng thực tế nguồn cung còn rất hạn chế. Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là bất cập trong quá trình thực hiện tiêu chuẩn VietGAP trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời thiếu kênh tiêu thụ riêng cho nông sản sạch với giá cao.

Giá chứng nhận quá cao

VietGAP là quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) xây dựng và ban hành từ ngày 28/1/2008. Sau 6 năm, đến nay, Việt Nam đã chứng nhận VietGAP cho 5 loại nông sản gồm: Cà phê, chè, lúa, quả, và rau.

Sản xuất rau an toàn tại xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Sản xuất rau an toàn tại xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Theo ông Ngô Tùng Thu, Quản đốc dự án “Sinh kế nông thôn bền vững” thực hiện hợp phần rau an toàn được chứng nhận VietGAP tại tỉnh Bình Định, việc áp dụng nghiêm ngặt tiêu chuẩn VietGAP đã đem lại giá trị lớn cho người nông dân. Nhờ áp dụng tiêu chuẩn VietGAP trong trồng rau an toàn đã giúp giảm 70% lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trong trồng rau đồng thời tăng thu nhập của nông dân 20-30% so với rau thường.

“Tỷ lệ diện tích sản xuất áp dụng VietGAP còn thấp là do thiết kế quy trình này chưa phù hợp với mô hình sản xuất nhỏ lẻ, manh mún của nông dân. Vì thế, tiêu chuẩn “GAP cơ bản” do JICA đề xuất là hướng đi phù hợp giúp phần lớn nông hộ có thể áp dụng thực hành trong sản xuất cây trồng an toàn và hướng tới thị trường tiêu thụ trong nước. Thay vì thực hiện cả 65 tiêu chí thì bước đầu nông dân chỉ cần thực hiện tốt 26 tiêu chí cơ bản” (TS Đào Thế Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển hệ thống nông nghiệp).

Tuy nhiên, qua thực tế triển khai, ông Thu cho rằng, việc nhân rộng mô hình còn gặp nhiều khó khăn do có quá nhiều tiêu chí kiểm soát và nông dân phải ghi chép nhật ký chăm sóc rất phức tạp. “Hiện có tới 65 tiêu chí kiểm soát, đảm bảo truy xuất nguồn gốc với sổ tay ghi chép nhật ký sản xuất cho người nông dân thực hiện, trong đó khá nhiều chỉ tiêu, bảng biểu phức tạp. Điều này đã gây rắc rối không nhỏ cho người nông dân vốn quanh năm chỉ biết làm lụng trên ruộng đồng”, ông Ngô Tùng Thu nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm này, ông Đào Xuân Cường, đại diện Quỹ phát triển bền vững của Thụy Sỹ thực hiện dự án giúp đỡ nông dân sản xuất rau an toàn cho rằng, đã xuất hiện tình trạng nông dân “quay lưng” với VietGAP bởi tính phức tạp của tiêu chí này. Bên cạnh đó, giá chứng nhận cho VietGAP quá cao, tới 50- 60 triệu đồng/ha/năm cũng là trở ngại lớn khiến nông dân e ngại. “Người nông dân làm cả năm chưa chắc kiếm được số tiền đó, thử hỏi làm sao họ có thể bỏ chi phí lớn như vậy để thực hiện chứng nhận này”, ông Cường nhấn mạnh.

Theo ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ NN&PTNT), việc chứng nhận sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn VietGAP phải thông qua một số tổ chức chứng nhận chất lượng. “Vì vậy, chỉ một số ít cơ sở sản xuất liên kết với doanh nghiệp và có hợp đồng bao tiêu sản phẩm mới chứng nhận, hoặc các dự án hỗ trợ kinh phí cho cơ sở sản xuất chứng nhận thì họ mới làm. Nhìn chung sản phẩm áp dụng theo tiêu chí VietGAP chủ yếu là hướng tới xuất khẩu, chưa phục vụ được nhu cầu tiêu dùng nội địa,” ông Định phân tích.

Tăng cường kiểm tra, xử phạt

Theo lãnh đạo Cục trồng trọt, hiện chênh lệch “cung - cầu” đối với các sản phẩm an toàn vẫn còn khoảng cách khá xa. Ngoài khâu sản xuất đảm bảo các tiêu chí thì việc quản lý các chứng chỉ cũng còn bộc lộ nhiều hạn chế. Vì vậy, người tiêu dùng vẫn còn nhiều e ngại khi lựa chọn sản phẩm. “Thời gian qua, nhiều vụ việc về sản phẩm nông sản bẩn nhưng lại “đội lốt” an toàn được phanh phui khiến người tiêu dùng chưa thật sự tin tưởng vào sản phẩm đã được dán nhãn chứng nhận. Vì thế, làm sao để nâng cao độ tin cậy của người tiêu dùng đối với các sản phẩm này là vấn đề cấp thiết”, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Trần Xuân Định nhận định.

Trên cơ sở những bất cập này, lãnh đạo Cục trồng trọt khuyến nghị, để các sản phẩm an toàn, sản phẩm VietGAP đến với người tiêu dùng, các đơn vị liên quan cần xây dựng quy trình thẩm định và quản lý thị trường cho các sản phẩm an toàn thông qua việc củng cố quản lý Nhà nước về công tác thanh tra, giám sát, xử phạt đối với những trường hợp kinh doanh và sản xuất thực phẩm không an toàn, không đạt chất lượng.

Còn theo ông Ngô Tiến Dũng, Phó Cục trưởng Cục bảo vệ thực vật, hiện vẫn còn thiếu quy định quản lý kinh doanh đối với sản phẩm nông sản, nhất là tại các chợ. “Các chợ dân sinh không có gian hàng bán rau an toàn mà tổ chức nào muốn bán thì phải thuê mặt bằng với giá rất cao. Trong khi đó, đặc thù của rau là mặt hàng nhanh hỏng, cần trang thiết bị bảo quản tốt nên lợi nhuận không được bao nhiêu. Vì thế, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp từ đó nhân rộng hơn các mô hình sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn”, ông Dũng kiến nghị.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh thì cho rằng, triển khai chương trình quốc gia an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn 2030, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực hoàn thiện hệ thống khung pháp lý, quản lý tiêu chuẩn chất lượng, kỹ thuật canh tác an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo đó, các đơn vị cơ sở cần tăng cường tập huấn nâng cao nhận thức cho cả người sản xuất và người tiêu dùng về an toàn thực phẩm đồng thời tuyên truyền về các sản phẩm nông sản an toàn hướng tới cả thị trường nội địa và xuất khẩu.

Theo Tintuc