Dấu ấn Việt Nam tại Hội nghị ASEM 10: Vị thế lớn, trách nhiệm cao!

21/10/2014 08:05

(Baonghean) - Hội nghị cấp cao Á - Âu ASEM 10 diễn ra tại Ý vào các ngày 16, 17/10, được xem đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp, để lại nhiều dấu ấn về vai trò, đóng góp của Việt Nam trong bối cảnh quan hệ 2 châu lục đang nổi lên nhiều vấn đề phức tạp, cơ hội và thách thức đan xen.

TIN LIÊN QUAN

Các Trưởng đoàn dự ASEM 10. Ảnh: TTXVN
Các Trưởng đoàn dự ASEM 10. Ảnh: TTXVN

Những kết quả đạt được của đoàn công tác Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu tại hội nghị này đã thực hiện nhuần nhuyễn và thắng lợi nhiệm vụ của công tác đối ngoại hiện nay là: “Giữ vững môi trường hòa bình, thuận lợi cho đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; nâng cao vị thế của đất nước; góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới” (Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI).

ASEM 10 không né tránh những vấn đề lớn

Trước hết, Hội nghị ASEM 10 có chủ đề chung là “Đối tác trách nhiệm vì tăng trưởng và an ninh bền vững”. Trên cơ sở chủ đề chung đó, trong 2 ngày (16, 17/10) ASEM 10 đã tập trung thảo luận 4 nội dung chính gồm: Các vấn đề kinh tế - tài chính và kết nối Á - Âu; Các vấn đề toàn cầu; Các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm; Định hướng tương lai ASEM. Điểm đặc biệt thu hút sự quan tâm và đánh giá cao của dư luận là toàn bộ các hoạt động của ASEM đã hướng đến việc tìm kiếm những tiến bộ cụ thể về các vấn đề kinh tế - xã hội và hợp tác có giá trị toàn cầu, thông qua từng nội dung, khuôn khổ gặp gỡ. Trong đó, những mối quan hệ lợi ích cần làm sâu sắc hơn, mở rộng hơn và tăng cường hơn như: Trung Quốc – EU; EU - châu Á; Moscow – Bắc kinh... Cùng với đó, là các cuộc gặp gỡ, họp kín song phương và đa phương để giải quyết những vấn đề nhạy cảm, phức tạp như: Các mối đe dọa đối với an ninh toàn cầu của nhóm Nhà nước Hồi giáo cực đoan IS, tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông, biển Hoa Đông, vấn đề liên quan đến Ukraine, biến đổi khí hậu toàn cầu….

Kết quả, tại phiên bế mạc, có 27 sáng kiến mới được đề xuất và ghi nhận; nhất trí thành lập 16 Nhóm hợp tác chuyên ngành xây dựng định hướng hợp tác trong giai đoạn 2014 - 2016. Trong đó, Việt Nam đã đóng góp 3 sáng kiến mới về: “Hội thảo ASEM về quản lý bền vững nguồn nước nhằm bảo đảm an ninh lương thực”, “Tuần lễ thanh niên ASEM chống đói nghèo” và “Hội nghị về kỹ năng xanh hướng tới tăng trưởng toàn diện và bền vững”. Cũng tại hội nghị, ASEM chính thức kết nạp Croatia và Kazakhstan, từ 26 thành viên sáng lập, sau 18 năm ASEM đã phát triển gấp đôi về số lượng với 53 thành viên, đại diện cho khoảng 62% dân số thế giới, 57% GDP và khoảng 68% thương mại toàn cầu.

Dấu ấn vị thế và trách nhiệm của Việt Nam

Điểm đáng chú ý đầu tiên cần đề cập đến là tại diễn đàn về tiến trình hợp tác của hai châu lục Á - Âu lần này, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng là 1 trong 3 nhà lãnh đạo đầu tiên phát biểu đề dẫn tại phiên họp toàn thể về các vấn đề toàn cầu, tiếp tục đóng góp các đề xuất, sáng kiến đang là mối quan tâm chung của hầu hết các quốc gia trên thế giới (Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu đề dẫn với tư cách đại diện cho khối ASEAN). Cũng tại đây, Thủ tướng Việt Nam là 1 trong 3 nhà lãnh đạo cấp cao châu Á được mời gặp gỡ và đối thoại với các doanh nghiệp hàng đầu đến từ 2 châu lục Á - Âu trong khuôn khổ Diễn đàn doanh nghiệp Á - Âu lần thứ 14. Điều này cho thấy các thành viên ASEM đánh giá cao vai trò, vị trí, cũng như khả năng đáp ứng của Việt Nam đối với việc thực hiện những kỳ vọng lớn được đặt ra cho ASEM 10. Đó chính là những minh chứng sinh động về sự thừa nhận của các thành viên trong ASEM về tính thuyết phục và hiệu quả của đường lối đối ngoại Việt Nam, về vị thế của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam trong hoạt động đối ngoại, trong việc bày tỏ quan điểm giải quyết các vấn đề thu hút sự quan tâm của quốc tế.

Tại Hội nghị ASEM 10, Việt Nam không chỉ khẳng định là thành viên có trách nhiệm và phát huy nghĩa vụ được giao ở mức cao nhất, mà thông qua các cuộc gặp gỡ bên lề, còn thúc đẩy các bên cùng đạt được những quyền lợi cao nhất mà định chế ASEM tạo ra. Hàng loạt các cuộc tiếp xúc, gặp gỡ, làm việc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với các nguyên thủ, người đứng đầu Chính phủ của các quốc gia cho thấy Việt Nam đặc biệt tôn trọng và phát huy tốt những lợi thế mà diễn đàn ASEM tạo ra. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn công tác đã tiếp xúc rộng rãi với các lãnh đạo thành viên ASEM, với nhiều đối tác quan trọng của ta như Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Italia, Thái Lan, Myanmar, Malaysia, Philippines, Hà Lan, Ba Lan, Ireland, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Na Uy, Luxembourg, Slovenia...

Trong đó, nhiều nội dung gặp gỡ thực sự có tính chất và tầm vóc lớn hơn nhiều lần so với một cuộc gặp gỡ bên lề thường có tính chất giao đãi, hình thức. Đó là cuộc gặp giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với người đồng cấp phía Trung Quốc là ông Lý Khắc Cường. Trong bối cảnh Việt Nam kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ trước những hành động của Trung Quốc leo thang vi phạm Công ước về Luật Biển 1982, vi phạm các khuôn khổ cam kết chung giữa Việt Nam và Trung Quốc về giải quyết các vấn đề về chủ quyền biển đảo, cuộc gặp gỡ này mở ra tiến trình tìm kiếm cơ hội giải quyết các vấn đề tranh chấp bằng con đường đàm phán hòa bình.

Cùng với các nội dung làm việc hiệu quả tại Hội nghị ASEM 10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng còn thực hiện các chuyến thăm Vương quốc Bỉ, EU, Cộng hòa liên bang Đức và chuyến thăm Vatican với kết quả tốt đẹp. Trong đó, chuyến thăm Vatican và gặp gỡ với Giáo hoàng Francis là một sự kiện có nhiều ý nghĩa trong chuyến đi lần này của Thủ tướng. Giáo hoàng Francis đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và đời sống mọi mặt của người dân ngày càng được cải thiện; hoan nghênh việc thực hiện chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo đạt nhiều kết quả; bày tỏ vui mừng trước các hoạt động ngày càng sôi động của Công giáo Việt Nam. Giáo hoàng Francis nhấn mạnh phải thực hiện tốt hơn nữa đường hướng “sống Phúc âm giữa lòng dân tộc”, “giáo dân tốt phải là công dân tốt”, “người Công giáo Việt Nam phải đồng hành cùng dân tộc Việt Nam xây dựng đất nước ấm no, hạnh phúc”, “người Công giáo Việt Nam phải là người yêu nước".

Với các cuộc tiếp đón trọng thị, các cuộc hội đàm, gặp gỡ, trao đổi trong không khí cởi mở, chân thành, nội dung sâu rộng, thực chất, hoạt động của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn công tác tại Hội nghị ASEM 10 và các quốc gia châu Âu vừa qua thực sự tạo dựng được dấu ấn và vị thế mới, tầm cao mới của Việt Nam trên trường quốc tế!

Chí Linh Sơn