Kinh doanh "quá khứ" ở Xiêm Riệp

09/10/2014 10:26

(Baongehan) - Khi đế chế Khmer trung đại phát triển vào giai đoạn rực rỡ, tại Xiêm Riệp đã tồn tại một kinh đô hưng thịnh với khát vọng hùng cứ lâu dài. Sau bao biến thiên thời cuộc, kinh đô của vương quốc này lần lượt xê dịch và sau đó định hình ở Phnompenh. Nhưng với những công trình kiến trúc vĩ đại và cách làm du lịch độc đáo, cố đô Xiêm Riệp vẫn được xem là kinh đô du lịch không thể thay thế ở Campuchia ngày nay...

Du khách “chinh phục” đỉnh tháp cao nhất của tầng thứ 3 Angkor Wat.
Du khách “chinh phục” đỉnh tháp cao nhất của tầng thứ 3 Angkor Wat.

Dấu ấn quên lãng và đổ nát...

Về công trình lịch sử văn hóa và tự nhiên, Xiêm Riệp nổi bật với quần thể “Angcor” và thắng cảnh thiên nhiên Biển Hồ. Nếu Biển Hồ là nơi đến để cảm nhận vẻ đẹp của thiên nhiên lẫn cuộc mưu sinh vừa kỳ thú vừa có phần hoang dã của những người chọn sông hồ làm nơi ăn đời ở kiếp, thì quần thể Angkor là nơi du khách đến để chiêm ngưỡng kỳ quan vĩ đại con người tạo nên trong quá khứ, ngỡ như lạc vào chốn cách biệt với cuộc sống hiện đại để đi ngược hành trình lịch sử của loài người.

Mặc dù mỗi năm Xiêm Riệp thu hút hàng triệu du khách nhưng việc gìn giữ môi trường và bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, bảo quản và gìn giữ hiện vật gốc ở các di tích rất tốt.

Hướng dẫn viên du lịch Teng SoKim cho chúng tôi biết, công trình được xây dựng trong 37 năm ở thế kỷ XII, nhưng thời gian điêu khắc, chạm trổ và hoàn thiện kéo dài trong thời gian khoảng 200 năm. Ban đầu, công trình này xây dựng để thờ thần Visnu của Ấn Độ giáo. Quá trình hoàn thiện kéo dài diễn ra đồng thời với việc vương triều Khơme chuyển từ Ấn Độ giáo sang lấy Phật giáo làm quốc giáo, Angkor Wat lại trở thành nơi thờ Phật. Vì thế, những tác phẩm nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc của Angkor Wat vừa mang hình ảnh và dấu ấn của Ấn Độ giáo với những thần tích từ sử thi Ấn độ Mahabharata và Ramayana, vừa có tượng thờ và những bức phù điêu tái hiện sống động con đường ngộ đạo của Đức Phật Thích ca Mâu ni và sự hình thành, phát triển của đạo Phật.

Trên nhiều bức tường thành vẫn còn giữ nguyên những nét vẽ, kẻ, những đường viền diềm khởi thảo ban đầu về hình ảnh vũ nữ Apsxara để chuẩn bị cho các bước đục đẽo chạm trổ tiếp theo. Chắc hẳn, những người nghệ sỹ thời trung đại khi khắc tạc vào các phiến đá những nét khởi thảo ban đầu, cũng không ngờ rằng tác phẩm của mình cho đến nhiều thế kỷ sau vẫn trong tình trạng dang dở. Cùng với đó, kinh đô chùa tháp này cũng lưu lại những dấu vết mà thế lực xâm lược, tà giáo, phi nghĩa xâm chiếm, phá hoại.

Tại Angkor Thom (kinh đô vĩ đại), ngay từ con đường dẫn vào tháp Bayon đã hiện ra hàng tượng bị chặt cụt đầu dưới thời Pôn Pốt và Iêng Xari chiếm giữ làm căn cứ chống trả quân đội Campuchia và quân tình nguyện Việt Nam. Bên cạnh 37 ngọn tháp mặt người bốn phía còn lại (trong tổng số ban đầu là 54 tháp) và vô số những tác phẩm tuyệt mỹ, là những bức tượng cụt đầu, cụt gãy chân tay, những vết đạn găm trên các bức phù điêu đá chạm nổi. Ngay cả những dấu tích bị báng bổ cũng được giữ nguyên hiện trạng để tố cáo sự tàn khốc của cuộc chiến giữa người Khơme và người Champa thời trung cổ, lên án tội ác và sự hung hãn của thế lực diệt chủng bạo tàn thời Khơme đỏ.

Ở khu đền Ta Brohm – nơi nhà vua Jayavarman VII xây dựng vào cuối thế kỷ XII đầu thế kỷ XIII để tôn vinh hoàng tộc của mình, những cây tùng, cây đa đại thụ phủ bộ rễ lớn chảy dài và ôm lây các cổ tháp tạo nên những hình thù kỳ dị, độc đáo. Việc giữ nguyên những dấu vết của thời kỳ rơi vào quên lãng, bị cây cối phủ bọc vây kín gợi vẻ hoang tàn đổ nát chính là nét độc đáo có sức thu hút rất lớn.

Với cách làm du lịch độc đáo đó, người Campuchia vừa giữ được hiện trạng các di tích và hiện vật gốc, tạo cảm giác mạnh đối với du khách khi được mục sở thị những công trình kiến trúc có niên đại cách nay hàng 7, 8 thế kỷ. Chính vì vậy, hàng năm có hàng triệu lượt người khắp các châu lục tìm đến với quần thể Angkor. Vào những ngày đầu tháng 10 này, dù ở Campuchia đang là mùa mưa nhưng mỗi ngày có khoảng 2 nghìn lượt khách nước ngoài mua vé tham quan quần thể Angkor. Giá mỗi vé cho du khách ngoại quốc vào tham quan quần thể “Angcor” mỗi ngày là 20 USD, nếu tham quan cả tuần thì chỉ tính tiền 3 ngày...

Tôn trọng nhu cầu vui chơi giải trí

Xiêm Riệp là tỉnh nằm ở phía Tây Bắc Campuchia. Dù ở khá xa Thủ đô Phnompenh - kinh đô hiện thời khoảng 320 km, nhưng “kinh đô du lịch” Xiêm Riệp vẫn là một trung tâm du lịch dịch vụ năng động.

Trước hết, tại Xiêm Riệp có sự tách bạch rất rõ giữa các quần thể di tích với các khu dịch vụ thương mại. Vì thế, nếu các khu di tích chùa tháp giữ được sự tôn nghiêm, uy nghi, hướng đến sự chiêm nghiệm, cảm nhận sâu sắc, thì những khu vui chơi, giải trí, mua sắm, tiêu dùng lại vô cùng sầm uất, sôi động. Tại các nhà hàng, khách sạn đều có lối bài trí, thiết kế đậm bản sắc xứ sở chùa tháp với các mái cong và biểu tượng thần rắn Naga. Phần lớn các nơi ăn uống đều có sân khấu nhỏ biểu diễn dân ca, dân nhạc, dân vũ miễn phí, cách tổ chức và trình diễn đều gọn nhẹ, có dấu ấn. Trong các món ăn đều không thiếu sự điểm tô của các món ăn truyền thống của người Campuchia như món mắm làm từ cá nhỏ (bồ hóc), món nộm đu đủ trộn mắm, thịt lợn nướng, cá kho sả, chuối nướng, chuối rán, bánh nếp dừa gói lá thốt nốt...

Một không gian được khá nhiều du khách ấn tượng với Xiêm Riệp là không gian chợ đêm, phố đêm. Nếu ban ngày du khách có thể vào các siêu thị lớn và nhỏ, thì buổi tối lại bị hút mắt bởi các mặt hàng lưu niệm, hàng tiêu dùng ở khu chợ đêm với hình thức kinh doanh sản phẩm du lịch giàu bản sắc. Mặt hàng chính vẫn là các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp – thế mạnh của Campuchia, trong đó nổi bật là sản phẩm dệt may. Những bộ đồ in biểu tượng chùa tháp, vũ nữ Apsxara, các loại khăn quàng, quần áo mang dấu ấn văn hóa trang phục của các dân tộc Campuchia, chất liệu truyền thống, giá cả phải chăng, được nhiều du khách lựa chọn để mua sắm. Các sản phẩm mỹ nghệ chế tác từ vàng, bạc trắng, bạc, đồng, gỗ như tượng đức Phật, mô hình tháp Bayon, mô hình Angkor Wat, tượng vũ nữ Apsxara, tượng Phật mặt cười bốn phía, các linh vật trong các thần tích, sự tích, các loại trang sức... cũng tạo được độ tin cậy bởi sự rõ ràng về nguồn gốc.

Khu phố đêm (Pub Street) là một điểm nhấn về đêm đáng chú ý ở Xiêm Riệp. Các dãy phố Pub Street ở đây còn được gọi là khu phố tây. Xen kẽ các quầy bar bán bia và rượu tây, âm thanh và ánh sáng sôi động, là những quán hàng bán đồ ăn đồ uống bản địa, những nhóm nhạc dân tộc chơi nhạc đầy ngẫu hứng... Đây là nơi “đặc cách” cho phép hướng đến việc phục vụ lối sống, sinh hoạt tự do thoải mái để du khách có những những giây phút “xõa”, giải stress theo phong cách hiện đại. Cách làm này là sự “ghi điểm” về độ “chịu chơi” của Campuchia trong việc tôn trọng nhu cầu vui chơi giải trí và các sinh hoạt phóng khoáng kiểu tây. Và đương nhiên, khi các “thượng đế” hứng thú chi mạnh tay, thì sự náo nhiệt ồn ã hàng đêm đã đem lại nguồn thu không hề nhỏ chút nào.

Điểm qua vài nét như vậy để thấy Xiêm Riệp được thừa hưởng hệ thống di sản kỳ quan có một không hai của nhân loại, và người dân nơi đây cũng đã kịp thời vươn lên tiếp nhận và sáng tạo ra những cách làm du lịch chuyên nghiệp, hiện đại và giàu bản sắc để làm cho những di sản đó có đóng góp lớn cho ngành “công nghiệp không ống khói” của Campuchia.

Ngô Kiên