Đường Việt Nam đủ sức cạnh tranh với Thái Lan?

09/10/2014 14:37

Chỉ có giảm giá thành sản xuất ngang bằng các nước trong khu vực, ngành mía đường VN mới có thể tồn tại trong thời gian tới, đặc biệt khi thuế suất ngành đường trong khối ASEAN không còn vào năm 2015.

Các nhà máy đường có thể giảm giá thành nếu tận dụng bã mía để sản xuất điện và tham gia chuỗi giá trị sau đường - Ảnh: Huỳnh Lời


Đã có những mô hình sản xuất đem lại lợi nhuận cao cho người trồng mía, trong khi việc tận dụng bã mía để sản xuất điện sinh khối, tham gia chuỗi giá trị sau đường cũng giúp một số nhà máy không những tồn tại được mà còn sống tốt trong thời điểm hiện nay.

Hướng mở từ Câu lạc bộ 200 tấn...

Một trong những khó khăn lớn nhất với ngành mía đường VN hiện nay, theo các doanh nghiệp, là giá thành sản xuất còn quá cao do năng suất mía thấp, chỉ khoảng 70 tấn/ha so với 100 tấn/ha của Thái Lan, trong khi chất lượng không cao, đất đai manh mún và công nghệ canh tác, chế biến lạc hậu.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, nguyên trưởng tiểu vùng mía đường khu vực ĐBSCL, thừa nhận do chưa thể cơ giới hóa đại trà trên đồng mía, mà chủ yếu canh tác bằng thủ công từ khâu trồng mía đến đánh lá, đào hộc rồi thu hoạch... khiến chi phí giá thành cây mía và đường tăng cao.

“Chưa kể, hầu hết ruộng mía ở ĐBSCL và một số nơi sản xuất kiểu manh mún, nhỏ lẻ, kênh mương chằng chịt... nên giá thành cao là chuyện hiển nhiên” - ông Sơn nói.

PGS.TS Nguyễn Bảo Vệ, nguyên trưởng khoa nông nghiệp Trường đại học Cần Thơ, cho rằng Thái Lan cũng như các nước khác đã “công nghiệp hóa” đồng mía, bình quân mỗi hộ canh tác từ vài chục tới vài trăm hecta mía nên chi phí sản xuất thấp và chữ đường rất cao.

Trong khi đó, sản xuất mía đường VN từ bao lâu nay vẫn cứ manh mún, nhỏ lẻ, không có điều kiện chăm sóc đầy đủ nên sản lượng thấp và chất lượng (chữ đường) không cao.

“Nếu muốn cải thiện tình trạng này, cần gấp rút quy hoạch lại đồng mía một cách căn cơ gắn vùng nguyên liệu với các nhà máy đường. Đẩy mạnh đầu tư giống mới nhằm tăng năng suất, chất lượng mía và phải làm đồng bộ nhiều giải pháp giúp nông dân sống được từ cây mía”, ông Vệ nói.

Lấy mô hình Câu lạc bộ (CLB) 200 tấn ở Hậu Giang, ông Nguyễn Hoàng Ngoan, phó tổng giám đốc Công ty CP Mía đường Cần Thơ (Casuco), khẳng định hoàn toàn có thể kéo giá thành cây mía và đường xuống nếu đầu tư đúng hướng.

Theo ông Ngoan, nhiều năm nay khoảng 120 thành viên CLB 200 tấn đều đảm bảo lợi nhuận khá cao. Ngay cả hai vụ rồi giá mía thấp nhưng các thành viên CLB này vẫn có lãi 30-50 triệu đồng/ha, những năm được giá lãi hơn 100 triệu đồng/ha là bình thường.

“Đây được xem là mô hình canh tác hiệu quả nhất hiện nay của ngành mía đường do năng suất mía đạt rất cao từ 180-200 tấn/ha, gấp hai lần so với năng suất bình quân hiện nay, cộng với chữ đường cao và được công ty bao tiêu đầu ra ổn định” - ông Ngoan nói.

Ông Trương Văn Hiền, chủ nhiệm CLB 200 tấn, cho biết vùng này trước đây cũng sản xuất kiểu tự phát nên hiệu quả thấp. Nhưng từ sau khi Casuco quy tụ một số nông dân để thành lập CLB 200 tấn, đồng thời hỗ trợ kỹ thuật và giống mới, tổ chức cho nông dân dự nhiều cuộc hội thảo, đi tham quan thực tế để học hỏi cách làm hay... nên nhiều hộ thay đổi được tập quán sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng mía.

“Các nhà máy hiện đang mua mía với giá 800 đồng/kg loại 10 chữ đường tại ruộng, nhưng tôi vừa bán được tới 930 đồng/kg nhờ chữ đường tăng cao, do sản xuất theo CLB 200 tấn với những phương pháp mới rất hiệu quả” - nông dân Lê Văn Chiến (xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp) khoe.

Xuất khẩu đường sang Singapore

Theo Hiệp hội Mía đường VN, do giá thành cao nên lối thoát duy nhất cho đường tồn kho của VN là xuất khẩu dạng tiểu ngạch sang Trung Quốc. Đây là dạng xuất khẩu bằng bao 50kg hoặc container không có thương hiệu.

Tuy nhiên mới đây, TTC đã xuất khẩu thành công đường sang Singapore dưới dạng bao gói tiện dụng cho người tiêu dùng cuối cùng. Sản phẩm đường của TTC được một tập đoàn bán lẻ của Singapore đặt hàng, giữ nguyên nơi sản xuất và đưa vào siêu thị của Singapore để cạnh tranh với đường Thái Lan.

“Mỗi tháng chúng tôi xuất khẩu sang Singapore 2 container (40 tấn) đường từ VN với giá bán cao hơn nhiều so với giá bán trong nước” - ông Đặng Văn Thành cho biết.


Cây mía đâu chỉ làm đường

Thực tế ngành đường hiện nay cho thấy các doanh nghiệp chủ yếu làm ở công đoạn ép mía ra đường trong khi chuỗi giá trị của ngành này còn rất dài với nhiều tiềm năng.

Ngoài đường, bã mía được dùng để sản xuất điện sinh khối, mật rỉ đường dùng để chế tạo cồn công nghiệp (đây là các ngành cạnh đường), các nhà máy đường cũng tham gia khâu chế biến các sản phẩm sau đường như bánh kẹo, nước giải khát...

Ông Đặng Văn Thành, chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công (TTC), cho biết sau khi AFTA có hiệu lực, từ năm 2015 sẽ không còn khái niệm đường lậu nữa, cạnh tranh giữa đường nội và đường ngoại còn ác liệt hơn nhiều so với hiện nay.

Do đó, để cạnh tranh với đường ngoại nhập, trong các năm qua TTC đã tập trung đầu tư hai hướng chính là giảm giá thành đầu vào và tăng nguồn thu từ các sản phẩm cạnh đường và sau đường.

“Chỉ doanh nghiệp nào đưa giá thành sản xuất đường xuống thấp bằng đường ngoại thì mới có khả năng tồn tại” - ông Thành nói.

Theo ông Thành, gốc của ngành đường là cây mía và yếu tố ảnh hưởng nhất đến năng suất mía là cây giống, đây là lĩnh vực mà VN còn rất yếu.

Phần lớn diện tích mía trong cả nước trồng bằng giống mía chất lượng không cao, giống nhập khẩu từ Trung Quốc và nhiều giống bị sâu bệnh. Do đó, TTC đã thành lập trung tâm nghiên cứu mía đường và mời các nhà khoa học hàng đầu của VN cũng như các chuyên gia Ấn Độ về làm việc để tạo ra bộ giống mía chất lượng cao cho VN.

Công ty cũng khuyến khích các nhà máy thành viên liên kết với nông dân và triển khai các mô hình cơ giới hóa theo điều kiện từng địa phương để giảm giá thành sản xuất.

“Đến nay có trên 10% diện tích mía của tập đoàn có năng suất ngang bằng các nước sản xuất tiên tiến trong khu vực. Nhà máy Mía đường Gia Lai của chúng tôi đã sản xuất ra đường với giá thành khoảng 9.000 đồng/kg, bằng với giá thành của Thái Lan” - ông Thành cho biết.

Cùng với việc giảm giá thành sản xuất, theo ông Thành, TTC cũng triển khai hàng loạt dự án nhằm tăng nguồn thu từ các sản phẩm cạnh đường và sau đường.

Bởi theo kinh nghiệm từ các nước có nền công nghiệp mía đường phát triển trên thế giới, cây mía không chỉ làm ra đường mà còn là nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến cồn công nghiệp, từ mật rỉ đường - một phụ phẩm trong chế biến đường, ngành bánh kẹo, nước giải khát, chưa kể bã mía cũng là đầu vào quan trọng cho ngành sản xuất điện sinh khối.

“Riêng Nhà máy điện bã mía Bourbon Tây Ninh đã cung cấp 46% điện tiêu thụ của tỉnh Tây Ninh vào mùa khô” - ông Thành cho biết.

Cũng theo ông Thành, điện bã mía là nguồn bổ sung lý tưởng cho thủy điện vì khi mùa khô đến, thủy điện ít nước cũng là mùa thu hoạch mía bắt đầu.

“Nếu tận dụng hết bã mía từ 42 nhà máy đường trong cả nước thì có thể tạo ra lượng điện tương đương với một nửa công suất của nhà máy điện hạt nhân mà VN có kế hoạch xây dựng ở Ninh Thuận. Vấn đề là Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ giá mua điện bã mía để các nhà máy có động lực đầu tư vào ngành này” - ông Thành nói.

Theo kinh tế nông thôn