"Bài ca" viết bằng nhiệt huyết

20/11/2014 17:32

(Baonghean) - Đi thuyền, cuốc bộ, lội suối, băng đèo, đến tận nhà, ra tận rẫy để vận động phụ huynh và học sinh, phải chăng đó là chuyện của hàng chục năm về trước, hoặc ở một nơi nào rất xa? Không, vẫn là chuyện của hôm nay, là việc hàng ngày của giáo viên vùng lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ, mà xã Hữu Khuông (Tương Dương) là một điển hình...

Không thể nhớ nổi mình đã bao lần ngược xuôi lòng hồ Bản Vẽ, từ khi dòng Nậm Nơn còn cuộn chảy đến khi thành một vùng lặng ngắt như tờ. Mùa Đông, màn sương bảng lảng phủ khắp mặt hồ càng gợi lên cảm giác xa xăm, cách trở. Con thuyền khởi hành từ bến Thượng Lưu, có 4 hành khách, nét mặt ông lái thuyền không mấy vui, chắc hẳn chuyến này vừa đủ chi phí xăng dầu, chưa tính công sức bỏ ra. Làn gió phả vào thuyền buốt lạnh, ai nấy đều thu mình trong chiếc áo choàng, cảnh vật xung quanh cũng im lìm trong cái giá lạnh vùng cao. Sau hơn 2 tiếng mải miết rẽ nước lòng hồ, bản Con Phen (trung tâm xã Hữu Khuông) hiện ra với những nếp nhà chênh vênh bên sườn núi... Người đầu tiên tôi tìm gặp là thầy Bùi Văn Hảo (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hữu Khuông), người có hơn 10 năm gắn bó với vùng đất này. Thầy chia sẻ: “Lâu nay, có nhiều nhà báo và đoàn công tác đến thăm, tìm hiểu các hoạt động của trường cũng như đời sống của giáo viên và học sinh. Muốn có được thông tin mới hơn, hiểu sâu hơn, trường sẽ cử người dẫn chú về thăm điểm lẻ”. Chỉ kịp uống ngụm nước, tôi vội vàng xách hành lý theo Viêng Văn Quân (cán bộ thư viện - thiết bị) quay lại bến thuyền để đến điểm trường bản Pủng Bón.

Một phòng học tạm bợ tại điểm trường Pủng Bón.
Một phòng học tạm bợ tại điểm trường Pủng Bón.

Chiếc thuyền nhỏ đưa chúng tôi qua bao luồng lạch không tên, cuối cùng rẽ vào một con khe nhỏ, ở đó cũng có một bến thuyền. Từ đây, lại tiếp tục cuốc bộ chừng 1 giờ đồng hồ trên một lối mòn gập ghềnh, nham nhở. Dốc lên, dốc xuống chênh vênh, hoa cả mắt, ù cả tai, tôi vừa thở bằng miệng vừa bám theo người dẫn đường. Đến khi nhận ra những ngôi nhà sàn được dựng theo kiến trúc cổ thấp thoáng trong sương chiều, tôi thở phào như trút được một gánh nặng, vì đích đến không còn xa. Nhìn kiểu kiến trúc nhà sàn, nếp sinh hoạt, tôi biết Pủng Bón là nơi cư trú của đồng bào Thái. Hỏi về ý nghĩa của tên gọi, Viêng Văn Quân giải thích Pủng Bón được hiểu là con suối có nhiều cây môn. Điểm trường Pủng Bón nằm ở cuối bản, phải men theo chiếc cầu ván chênh vênh. Chúng tôi đến cũng vừa lúc tan học, từng tốp các em học sinh ríu rít cất tiếng “chào thầy”. Các thầy cô giáo ở đây cũng không giấu được niềm vui khi có khách viếng thăm bất ngờ.

Ở Pủng Bón vẫn còn tồn tại mô hình lớp ghép.
Ở Pủng Bón vẫn còn tồn tại mô hình lớp ghép.

Tôi tranh thủ dạo một vòng quanh điểm trường. Ở đây, ngoại trừ những tấm ngói pờ-rô xi măng đã ngả màu thời gian, còn lại trường học được làm từ nguyên liệu tranh - tre - nứa - lá. Sân trường vẫn nền đất, bậc tam cấp bước lên được làm từ những cành cây nhỏ. Bên góc sân có cầu bập bênh và xích đu để học sinh thư giãn sau mỗi tiết học. Những thứ ấy được làm từ cây rừng, dây rừng trông cũng không kém phần tạm bợ. Điểm trường Pủng Bón có 4 phòng học, trong đó 3 phòng được làm cách đây gần 20 năm nhờ sự hỗ trợ của Chương trình 135/CP, nay đã xập xệ và xuống cấp nghiêm trọng. Hệ thống cột đã bị mối xông, nằm chênh vênh trên những hòn đá suối được lấy về. Các phòng học được ngăn cách bằng những tấm phên nứa, lớp bên này có thể nghe rất rõ những tiếng động của lớp bên kia. Tấm phên phía trước cửa chỉ cao hơn 1m vì phải trừ khoảng trống để đón ánh sáng mặt trời. Nhưng mùa này, khoảng trống ấy lại là nơi hứng những luồng gió tê buốt. Còn phòng học thứ 4, có lẽ là mới phát sinh, nằm ở phía cuối, sát với bìa rừng, nhỏ bé, xập xệ và hoàn toàn bằng tranh - tre -nứa - lá. Ban ngày vẫn không đủ sáng, phải thắp thêm chiếc bóng điện từ nguồn thủy điện mi ni. Có vẻ như chiếc bóng điện ấy vẫn chưa đủ sáng, cô và trò đều phải căng mắt mới lần ra từng con chữ. Đã đi đến nhiều nơi gian khó của miền Tây Nghệ An, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được tận mắt chứng kiến một lớp học tạm bợ đến thế.

Nhà công vụ của giáo viên cũng hoàn toàn bằng tranh - tre - nứa - lá, được bà con dân bản góp nguyên vật liệu và công sức dựng lên vào mỗi dịp năm học mới bắt đầu. Dãy nhà gồm 3 phòng dành cho 4 giáo viên (3 nữ, 1 nam), riêng phòng của thầy Xồng Bá Pó kiêm luôn cả phòng bếp. Thầy Pó nói vui: “Mùa này nằm gần bếp ấm lắm, chỉ hơi khói một tý thôi. Đến mùa nóng thì tìm cách khác, mà lúc ấy cũng sắp nghỉ hè rồi”. Dãy nhà ấy có thể tránh nắng, nhưng để che mưa thì chưa hẳn, bởi nhìn lên có rất nhiều chỗ thủng. Vì thế, nơi kê giường, cất đặt tài liệu, giáo án, đồ đạc, các thầy cô phải căng thêm một tấm bạt. Tấm bạt vừa để che mưa, vừa ngăn lớp bụi do mối mọt ăn tre nứa liên tục rơi xuống. Dãy nhà ấy cũng luôn thiếu ánh sáng, cũng may là có nguồn thủy điện mi ni nên có thể bật bóng điện thường xuyên, không phải lo khoản chi phí tiền điện.

Trao đổi với cô giáo Vi Thị Thanh (phụ trách điểm trường Pủng Bón), được biết điểm trường có 4 lớp với 28 học sinh và 4 giáo viên, trong đó có 1 lớp ghép thuộc 2 chương trình lớp 4 và 5. Cũng như các bản làng khác ở Hữu Khuông, đời sống người dân Pủng Bón còn nghèo, có những hộ thường xuyên thiếu đói nên chưa có điều kiện quan tâm nhiều đến việc học hành của con cái, có lúc “khoán” luôn cho thầy cô. Để các em nắm vững kiến thức, trau dồi kỹ năng và theo kịp các bản khác, ban đêm thầy cô phải gọi các em đến lớp để tranh thủ vừa soạn bài, vừa kèm cặp thêm. Đó là một cách để giúp đỡ học sinh học tập, cũng là cách để... “giết” thời gian vào ban đêm. Bởi lẽ, ở đây đêm rất dài, với những người sống xa nhà đêm càng dài hơn. Không có ti vi để theo dõi tin tức, không sóng điện thoại để liên lạc, chỉ có tiếng chày gõ nhịp trong đêm khuya vắng, tiếng rả rích của côn trùng, tiếng rì rào của dòng suối, những âm thanh ấy như khoan sâu thêm vào nỗi nhớ gia đình.

Những thầy cô ở điểm trường Pủng Bón đều còn trẻ, thậm chí là rất trẻ. Lớn tuổi nhất là cô Vi Thị Thanh (1979), tiếp đến là Lương Thị Ly (1984) và 2 giáo viên thuộc thế hệ 9X là Xồng Bá Pó (1991), Nguyễn Thị Thùy Trang (1993). Theo lời cô Thanh, đất Hữu Khuông là nơi thử thách bản lĩnh của những người trẻ tuổi, bởi chỉ có sức trẻ và lòng nhiệt huyết mới có thể bám trụ được chốn sơn cùng thủy tận này. Gia đình cô Thanh ở xã Tam Thái (Tương Dương), 2 con nhỏ ở nhà phó mặc cho chồng chăm sóc. Cô Ly cũng vậy, nhà ở xã Chiêu Lưu (Kỳ Sơn), việc chăm sóc và nuôi dạy con cái gần như hoàn toàn phải nhờ đến chồng. Thầy Pó nhà ở xã Lưu Kiền (Tương Dương), đã lập gia đình và có con trai hơn 1 tuổi, công việc chăm con do người vợ trẻ ở nhà đảm đương. Còn cô Trang nhà ở Thị trấn Hòa Bình (Tương Dương), vừa mới ra trường và lên đây nhận công tác chưa đầy 3 tháng. Trang chưa lập gia đình, nghe đâu chưa có người yêu, vì: “Ở đây xa xôi cách trở, không sóng điện thoại, không biết rồi đây có tìm được một tấm chồng?”. Tôi chỉ biết động viên để Trang vững tâm bám trụ chốn thâm sơn cùng cốc này. Rằng cánh sóng nhà mạng đã vươn đến Con Phen, Tủng Hốc, chẳng bao lâu nữa sẽ đến Pủng Bón. Rằng tuyến đường bộ Yên Tĩnh - Hữu Khuông đang thi công, đến lúc việc đi lại dễ dàng và thuận lợi hơn nhiều.

Chiều hôm, nhìn qua bờ suối, những mái nhà sàn được nhuốm bằng vệt khói màu lam, dân bản đang chuẩn bị bữa tối. Những người bố, người mẹ từ rẫy xa trở về, trong bế có mấy quả bí, xâu cá hoặc mấy con chuột vội vã bước lên cầu thang. Những đứa trẻ ríu ran theo sau, rồi ôm lấy chân bố mẹ, chúng đang rất vui vì được đón bố mẹ sau một ngày xa. Đàn bò cũng lục tục kéo nhau về chuồng, lũ gà cũng đã quây quần phía dưới sàn nhà. Nhìn cảnh ấy, tôi biết các thầy cô mắt đang rơm rớm. Ngay cả chính tôi cũng không tránh khỏi cảm giác nao lòng. Nhưng ngày mai, ngày kia tôi đã rời vùng đất này để trở lại với phố phường vô vàn thanh âm náo nhiệt. Còn những thầy cô vẫn ở lại chốn này để đối mặt với nỗi nhớ gia đình, nhớ con thơ bé bỏng... Cô giáo Lương Thị Ly chợt cất lời như để phá tan sự tim lặng: “Có lẽ, trong ngày, đây là thời khắc buồn nhất, gần như không có cách gì để xua tan nỗi buồn”. Cũng là điều dễ hiểu, bởi đó là thời khắc giao thoa giữa ngày và đêm, là thời khắc của sự đoàn tụ gia đình. Với người xa nhà, lại ở một nơi heo hút chân mây, giữa bạt ngàn núi thẳm chắc không ai tránh được nỗi tê tái trong lòng.

Tôi giục Viêng Văn Quân soạn sửa lên đường trở về điểm trường chính ở bản Con Phen, bởi trời đã nhá nhem tối, lại đã trót hẹn thầy Hảo. Nhưng các thầy cô ở đây cứ nài nỉ khách ở lại một đêm, trước tiên để chủ đỡ buồn, sau nữa là để khách hiểu được cái buồn về đêm ở Pủng Bón. Viêng Văn Quân lấy lý do trời đã tối, thuyền không chạy vào ban đêm để giúp chủ giữ chân khách. Đến nước này, tôi cũng không nỡ chối từ. Bữa tối được dọn ra với xôi nếp mới, cá khô và muối lạc - những món đưa từ nhà vào, có thể cất trữ được lâu ngày, rất hợp với những vùng khan hiếm thức ăn. Người dân Pủng Bón vẫn còn giữ nếp sinh hoạt tự túc tự cấp, con lợn, con gà nuôi để làm thịt vào các dịp lễ tết, thức ăn hàng ngày là con cá ở dưới suối, các loại rau ở trên rừng. Thi thoảng, các thầy cô muốn mua con gà, cân thịt để có “chất tươi”, cải thiện bữa ăn cũng không phải là việc dễ dàng. Sau một ngày đi đường mệt mỏi, đêm ấy tôi có được giấc ngủ ngon với tiếng của gió ngàn, suối chảy và tiếng chày thậm thịch canh khuya.

Con gà vừa gáy sáng, tôi đã được đánh thức để rời Pủng Bón, lên đường ra Con Phen. Sáng hôm ấy trường tổ chức thi đồ dùng dạy học tự làm cho giáo viên ở điểm trường chính. Hành trình trở ra không còn sự mệt mỏi của ngày hôm qua, mà có vẻ như mang lại cho tôi sự thoải mái. Ngoài điểm trường Con Phen và Pủng Bón, giáo viên từ các điểm bản Xàn, Tủng Hốc, Huồi Pủng, Huồi Cọ và Chà Lâng cũng về tham dự hội thi. Chứng kiến hội thi, tôi nhận thấy lực lượng giáo viên của Trường Tiểu học Hữu Khuông đa phần đều rất trẻ, ánh mắt họ toát lên sự say mê, niềm nhiệt huyết và lòng yêu nghề, mến trẻ. Họ đang cùng nhau viết nên “bài ca rạo rực lòng người” trên một miền gian khó!

Bài, ảnh: Công Kiên