Arseniy Yatsenyuk "lật kèo": Ukraine bước vào chu kỳ khủng hoảng mới?

31/10/2014 07:58

(Baonghean) - Tuần qua dư luận quốc tế hướng nhiều tới cuộc bầu cử trước thời hạn tại Ukraine, bởi đây có thể là cơ hội để ổn định lại tình hình sau 1 năm có lẻ từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu, người dân Ukraine và nhiều nước liên quan đã quá mệt mỏi với những cuộc bạo động, nổi dậy và súng đạn rền vang. Tuy nhiên, khi mà kết quả bầu cử với phần thắng nghiêng về đảng của Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk và sau đó là tuyên bố không liên minh với khối Tổng thống Petro Poroshenko, dư luận một lần nữa lại bất ngờ với sự “lật kèo” nhanh chóng này…

Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk (phải)  bỏ phiếu tại một điểm bầu cử ở Kiev (Ảnh AFP)
Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk (phải) bỏ phiếu tại một điểm bầu cử ở Kiev (Ảnh AFP)

TIN LIÊN QUAN

Sau khi khi chính phủ dưới thời Tổng thống Viktor Yanukovych sụp đổ do ông quyết định đóng băng quan hệ với Liên minh châu Âu (EU) để hướng về Nga và một quốc hội lâm thời ra đời với thành phần gồm đa số chính giới thân phương Tây. Khi ấy, những người tham gia cuộc biểu tình lật đổ chính quyền, đặc biệt là những người trẻ tuổi hy vọng vào một tương lai tươi sáng và có thể nói là làm "thay đổi lịch sử". Nhưng đổi lại sự kỳ vọng ấy kinh tế suy thoái nặng nề, tình hình lạm phát gia tăng, tỷ lệ người mất việc làm ngày càng lớn, cùng với đó nạn binh đao khói lửa, là sự phân hóa sâu sắc trong người dân, đặc biệt là các tỉnh miền Đông Nam – nơi phần lớn người dân sử dụng tiếng Nga làm ngôn ngữ chính, trong đó phải kể đến sự kiện vùng đất địa chính trị Crimea sáp nhập vào Nga, rồi phong trào ly khai ở vùng Donbass (gồm Donetsk và Lugansk). Vì thế cuộc bầu cử quốc hội lần này được người dân và các bên liên quan kỳ vọng vào một sự thay đổi để đất nước vượt qua cuộc khủng hoảng cả về kinh tế, chính trị.

Ngày 26/10 vừa qua, người dân Ukraine bắt đầu đi bầu cử, cuộc bầu cử này có tới 7.000 ứng cử viên, thuộc 29 chính đảng và phong trào tham gia tranh cử, với 32.000 điểm bỏ phiếu trên toàn lãnh thổ Ukraine và 112 điểm bỏ phiếu ở nước ngoài đã mở cửa để đón 34 triệu cử tri nhằm bầu ra Quốc hội khóa VIII. Theo đó, một nửa trong tổng số 450 ghế của Quốc hội Ukraine được bầu theo danh sách các chính đảng và nửa còn lại được bầu theo các khu vực. Tuy nhiên, trong số 225 đại biểu bầu theo danh sách các khu vực như thông lệ, sẽ có 26 đại biểu chưa được bầu, trong đó 10 đại biểu của Crimea, 2 đại biểu của Sevastopol (bán đảo này đã sáp nhập vào Nga) và 14 đại biểu của vùng Donbass. Các cuộc thăm dò trước bầu cử cho thấy khối của đương kim Tổng thống Petro Porochenko dẫn đầu với khoảng 30% ý kiến ủng hộ, tiếp theo là các đảng phái ủng hộ phương Tây khác như Mặt trận nhân dân của Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk và Đảng Tổ chức của cựu Thủ tướng Ioulia Timochenko… Điều này có thể sự chia rẽ lớn trong cử tri và hứa hẹn một cuộc bầu cử khó dự đoán, tuy nhiên, theo các nhà phân tích thì không có đảng nào giành đa số quá bán để đứng ra tự thành lập chính phủ.

Quả đúng như dự đoán của giới chuyên gia, kết quả cuộc bầu cử đã không có đảng nào chiến thắng một cách tuyệt đối, thông tin về quá trình kiểm phiếu được đăng tải thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng cho thấy mức độ quan tâm lớn đến như thế nào. Khi công việc kiểm phiếu đang tiến hành, 2 đảng phái hàng đầu là khối của Tổng thống Petro Porochenko và đảng Mặt trận nhân dân của Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk thay phiên nhau vượt lên, nhưng với khoảng cách là không lớn. Tuy nhiên, điều mà giới chuyên gia không bao giờ lường trước được là việc "lật kèo" của Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk sau khi kết quả chính thức được công bố. Sở dĩ nói "lật kèo" là bởi trước, trong cuộc bầu cử, vị thủ tướng đương nhiệm không tiếc lời khi nhắc tới mối liên minh chặt chẽ với khối của Tổng thống Petro Porochenko, nhưng khi đảng Mặt trận nhân dân thắng thế, Thủ tướng Yatsenyuk lại đưa ra kế hoạch riêng khi đề nghị liên minh với Đảng Tự lực của Thị trưởng Lvov Andriy Sadovy, Đảng Tổ quốc của cựu Thủ tướng Ukraine Yulia Tymoshenko và Đảng Cấp tiến. Ông đặt tên cho liên minh này là "Ukraine của châu Âu". Có thể thấy rằng, đây hầu hết là những đảng theo trường phái cựu hữu được biết đến như một nhóm vũ trang quá khích chủ yếu hoạt động biểu tình. Điều này làm dấy lên những lo ngại cho tương lai mờ mịt đang chờ đợi của không chỉ lực lượng ly khai đòi độc lập mà cả cộng đồng rộng lớn người nói tiếng Nga ở miền Đông và miền Nam Ukraine. Câu hỏi đặt ra là tại sao lại có sự lật kèo nhanh đến như vậy? Theo giới phân tích, dù Petro Porochenko hoàn toàn có xu hướng ngả theo phương Tây, nhưng dù sao tại thời điểm này, khối chính trị của ông vẫn được đánh giá là có đường hướng hòa bình hơn cả. Ngược lại, đảng Mặt trận nhân không giấu giếm ý định "cứng rắn" và "chiến đấu đến cùng" với phe ly khai ở miền Đông. Bởi Thủ tướng Yatsenyuk đã khẳng định, chính phủ mới phải tiếp tục chiến đấu vì đất nước, tức là duy trì cuộc nội chiến. Ngoài ra, các nguyên nhân cũng không kém phần quan trọng đó là việc Tổng thống Poroshenko muốn một đồng minh thân cận cùng quê Vinnytsia và là một Phó Thủ tướng - ông Volodymyr Groysman thay thế Yatsenyuk làm Thủ tướng Ukraine, rồi còn việc ai sẽ đứng đầu các bộ... Tất cả những lý do ấy là lời giải đáp cho nguyên nhân vì sao ngay khi chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội, Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk lại “lật kèo” nhanh chóng.

Cuộc bầu cử được hy vọng tháo ngòi nổ cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine đã kết thúc, phần thắng đã thuộc về Arseniy Yatsenyuk. Nhưng hy vọng về những biện pháp mang lại hòa bình cho Ukraine gần như đã đi vào ngõ cụt, khi mà đương kim thủ tướng đã lựa chọn liên minh gồm những những đảng phái theo trường phái cực hữu để thành lập chính phủ. Phải chăng đây là một sự lựa chọn có phần thiếu tính toán, bởi chẳng ai có thể khẳng định được rằng, nội bộ liên minh này lúc nào cũng nhìn về một hướng. Và nếu điều ấy xảy ra, có nghĩa là có những quan điểm trái ngược về chính sách cũng như quyền lợi, trong nội bộ liên minh "Ukraine của châu Âu" này chắc chắn sẽ có vấn đề, thậm chí là thù địch bởi họ là những đại diện cho trường phái cực hữu. Hơn nữa, có một điều mà Arseniy Yatsenyuk cũng cần phải lưu ý rằng, một liên minh nghiêng hẳn về phương Tây có thể có một chút lợi ích trước mắt. Chưa nói về chiến lược về dài hạn hay trung hạn, chỉ cần trước mắt đây thôi, khi mùa Đông đang cận kề, khi cái rét thấu xương và bão tuyết đổ xuống toàn lãnh thổ rộng lớn của châu Âu, thiếu nguồn cung khí đốt của Nga khiến giá cả mặt hàng này trở nên khan hiếm. Thì khi ấy ngay cả đồng minh phương Tây cũng khó lòng dang tay cứu giúp, bởi hiện tại ngay cả châu Âu hiện nay cũng chưa thể tìm ra giải pháp nào để bớt phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt của Nga. Và như thế, một chu kỳ khủng hoảng lại có thể bắt đầu ở Ukraine với những căng thẳng và thù địch mới…?.

Cảnh Nam