Xao xác lá rừng

27/11/2014 17:32

(Baonghean) - Tôi sinh ra trong một gia đình nhà nông, đông chị em, nhưng rặt một lũ vịt trời. Bố tôi buồn hết chỗ nói, còn mẹ thì không như thế. Nhưng được cái cả hai ông bà tằn tiện, lăn lưng trên đồng ruộng quanh năm, suốt tháng không quản da thịt cháy đen như than để nuôi con ăn học. Mỗi lần nhìn vào hai khuôn mặt khắc khổ ấy, lòng tôi thắt lại và nước mắt cứ chực trào ra.

Hôm về quê có việc. Vừa thấy tôi, bố mừng hớn hở như trỗi dậy niềm tự hào về đứa con gái đầu lòng của mình được học hành đến nơi đến chốn và có việc làm ổn định. Rồi với cái giọng khàn khàn của người kéo điếu cày lâu năm, ông rướn cao cổ: “Bớ các con ơi... Ơ, Lũ, Lượt... mô cả rồi, chị Loan về đây nầy...”.

Mấy đứa chạy hớt hải từ nhà hàng xóm về, lao vào tôi, ôm chặt cứng ngang hông. Tôi thấy mủi lòng và lúng túng, đi xa về mà không có chút quà cho các em. Nhưng mấy ai hiểu được sự tình của tôi. Tôi lên tàu ra đến Ga Vinh thì nhẵn túi. May có bà dì chị gái mẹ cho mấy chục đủ bắt xe ra đến huyện Quỳnh. Tôi đang ngập ngừng thì mẹ nói: “Răng trông con gầy gò, xanh xao ra rứa. Có phải đồng lương đầu ngành không đủ ăn phải không con? Mẹ biết, mẹ biết lắm con gái à, sống giữa thành phố như bây giờ, với đồng lương giáo viên mới vào nghề thì có mà ăn cháo!”.

Tranh minh họa: N.P
Tranh minh họa: N.P

Bỗng tôi ứa nước mắt. Bởi đã có lần hết tiền, tôi vét gạo nấu cháo ăn... Ôi! Thế mà đám học trò bắt được quả tang, chúng ồ lên: “Ơ, cô ăn vậy để giữ eo. Chẳng trách cô lúc nào cũng đẹp như người mẫu, trông eo óng dáng con ong. Thích thật đấy!". Chao ôi, nghe đám học trò nói càng thêm nỗi dày vò trong tôi về kiếp nghèo đã vận vào thân từ bao giờ! Tuy nhiên, tôi vẫn thương thương lời nói chân thật của các em. Bởi thời này lắm cô gái, lắm phụ nữ thường ăn kham khổ hoặc nhịn ăn để tạo dáng, giữ eo. Còn tôi đâu phải thế, trời sinh ra vốn vậy rồi! Không thật sắc sảo như thiên hạ, nhưng tôi có duyên có dáng. Duyên nhất là cái răng khểnh bên trái, làm rạng rỡ nụ cười. Còn dáng thì ăn nhờ cái dáng của mẹ san nhường cho. Dù có ăn nhiều hay ít thì dáng người tôi vẫn eo óng. Ngoài ra, tôi còn được trời phú cho đôi chân dài, cổ cao ba ngấn, mũi dọc dừa. Nghe cánh bán dưa lê nói có thể thi hoa hậu được. Thì đó là chuyện lề đường góc phố. Còn hoa hậu như tôi có mà cả làng. Buồn cười, thế mà một đêm, mấy đứa nữ sinh bô bô: “Cô Loan ơi, sắp có cuộc thi hoa hậu do báo tiền phong tổ chức... Cô đăng ký dự thi đi cô”. Nghe mà buồn. Chưa nói chuyện chi, anh nghèo như tôi có mà thi hoa hậu. Thi hoa hậu cũng phải đầu tư chứ, đầu tư tiền bạc, công sức lớn là cái chắc. Còn ngữ tôi, đồng lương giáo viên giữa thành phố chưa đủ trang trải cho ăn uống, quần áo, thuê nhà trọ, điện nước... Lắm lúc nhận lương sáng thì chiều nhẵn túi.

Sáng hôm đó là thứ hai, tôi đi chiếc tay ga loại Vespa nhập thẳng cây từ Italia đến trường. Mọi người nhìn tôi lạ hoắc. Có tiếng xì xồ: “Loại xe đó dễ tiền trăm là cái chắc! Với mình, biết mấy đời cho có...”. Tôi thấy ngường ngượng, nhưng vẫn làm ra vẻ tự nhiên: “Ôi dào, nó là thứ phương tiện đi lại, thay xe đạp, chứ có gì ghê gớm đâu, giờ người ta đến cơ quan bằng camry nữa”.

Biết tôi không mạnh dạn, Thái như động viên: “Thôi, em cứ đi rồi nó quen mà”. Anh đem tôi đi biển Nha Trang vào dịp hè. Lần đầu tiên, tôi nằm bãi biển với tấm lưng trần trên cát mịn, mềm như trải lụa. Anh mê đắm nhìn sâu vào đôi mắt tôi. Và ra vẻ ngưỡng mộ lắm đôi chân thon thả của tôi duỗi dài trên cát. Đôi chân ấy, từng chỉ biết lội trên đồng ruộng, khi gặt hái, khi cấy cày, đỡ đần mẹ cha vào những dịp hè. Nhưng hè này thì anh giữ lại mất rồi! Chắc mẹ tôi buồn và trông từng giờ nên mới điện vào ý trách móc: “Con... răng hè đã lâu rồi mà không thấy về giúp công việc đồng áng cho bố mẹ với. Hay con ở lại kiếm tiền?!”. Kiếm tiền đâu mà kiếm. Tôi làm chi mà kiếm được tiền! Vừa nghỉ hè thì Thái đã giữ lấy rồi. Anh đem tôi đi hết chỗ này đến chỗ khác. Đi mãi trong Đà Lạt, Sài Gòn rồi đến tận Cần Thơ... Anh Thái nói: “Cô giáo dạy địa thì nên tới mọi vùng miền của đất nước để có kiến thức thực tế”. Tôi đê mê trong những chuyến đi... Bỗng thấy rưng rưng thương mẹ cha suốt đời không ra khỏi cánh đồng làng!

Đêm đó, tôi đâu có ngủ được... Hạnh phúc đến với tôi thật chóng vánh. Tôi mừng muốn điện về khoe với mẹ ngay để mẹ vui, không còn trách móc như hôm nào. Thế rồi độ một tuần sau, Thái đem tôi ra mắt hai cụ thân sinh anh. Hai ông bà nhìn tôi vẻ thích lắm. Có lẽ họ thích tôi vẻ mặt phúc hậu của người gốc gác đồng quê. Nhưng lại có mẫu người hiện đại. Tôi mừng lắm. Nhưng ai ngờ sự việc lại trái ngoe. Anh đã quyết định cưới tôi làm vợ và đứng chân một quày vàng bạc. Tôi thấy mình chao đảo, mặt nóng ran. Chao ôi! Vậy hoá ra, tôi mất đi cái nghề cao quý của mình sao? Dẫu đồng lương còm chưa đủ sống, nhưng công tôi ăn học bao năm! Cha mẹ tôi chắt chiu từng hạt thóc trên đất khô cằn và gom từng cọng rau vườn để nuôi tôi ăn học. Tôi đã xác định nghề nghiệp của mình trước khi làm đơn thi đại học. Tuy nhiên, ngày ấy, mấy đứa bạn chê tôi dại: “Nhà đã nghèo lại chui vào sư phạm, chẳng được mấy đồng lương, và như bây giờ xin đi dạy là khó lắm...”.

Tôi trả hết mọi thứ mà Thái đã sắm cho tôi. Tôi biết anh thương yêu tôi thật, nhưng anh cũng cương quyết lắm. Anh không thích tôi làm cô giáo. Vì ban ngày phải lên lớp, phải họp hành. Tối lại phải soạn bài, chấm bài học sinh mãi khuya, mệt lắm. Còn đứng chân cửa hàng vàng bạc thì khỏe re, nhàn óc lại lắm tiền. Giàu có, lắm tiền thì ai mà chả thích. Nhưng trong trường hợp này với tôi thì tôi không thích!

Tôi bâng khuâng giữa chiều. Tiếng vĩ cầm cuối phố ngân giai điệu rộn ràng kéo níu. Nhưng số phận đã đẩy tôi ra khỏi thị thành. Tôi đi về trường nhìn lại lần cuối cái nơi mình đã gắn bó những ngày đầu chập chững bước vào nghề mà nước mắt rưng rưng.

Ngày tôi bỏ thành phố ra đi, Thái buồn không nói hết. Anh khóc. Anh muốn tôi giàu có và sung sướng hơn. Anh nói điều như để mua chuộc và kéo níu tôi lại: “Bố mẹ anh đã ngoài bát tuần cả rồi. Chẳng mấy chốc nữa, ông bà sẽ bàn giao thừa kế. Anh là người con độc nhất... Như vậy xe hơi, nhà lầu, rồi đây sẽ là chủ quyền sở hữu của hai chúng mình. Đời em sẽ giàu sang, sung sướng, chẳng khác nào chuột sa chĩnh gạo, cứ thế mà hưởng cho hết đời!”. Chao ôi! Bỗng trong tôi, lòng tự trọng réo sôi. Nhưng rồi thấy thương anh, người thật thà cũng thường nói điều vụng dại.

Giờ đây, anh có ý định tìm lại tôi để cố thuyết phục một lần nữa, về thành phố sống cùng anh và sẽ tổ chức đại hôn lễ đặc biệt, sang trọng bậc nhất. Anh đi mãi, tìm mãi cuối cùng cũng đến được chỗ tôi dạy học. Bước vào gian nhà tranh lợp, phên cài mà học sinh dựng cho tôi, bỗng Thái ngạc nhiên, hốt hoảng khi nhìn thấy thằng bé ngồi chơi trên giường. Anh định quay đầu, bỏ chạy. Nhưng chưa kịp thì tôi ngăn lại: “Này, hãy xem nó là ai đã? Vội gì, anh Thái!”. Mặt Thái như mào gà chọi. Anh cũng không ngờ chuyện lại như thế... Anh ở lại qua đêm trong mái tranh nghèo cùng mẹ con tôi. Nhưng giờ không thể bỏ nơi gắn bó dưới mái trường dân tộc nội trú, tôi nói: “Em không về thành phố nữa đâu. Em đã quen sống với rừng mất rồi. Em đã nguyện ở đây trọn đời nhà giáo của mình”. Anh hỏi: “Em còn nhớ biển Nha Trang?”. Trời ơi, nhắc lại làm chi cái buổi ban đầu ấy! Tôi đã cố quên, cố chôn vùi nó. Vậy mà giờ đây... Tôi thở dài, ngậm ngùi nuốt nước mắt, nhìn ra ngoài, qua ánh trăng bàng bạc, nghe xao xác lá rừng...

Truyện ngắn của Hồ Dương Điềm

(Thành phố Vinh)