Rau sạch Quỳnh Lương gặp khó

09/11/2014 15:35

(Baonghean) - Nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và sức khỏe cho cộng đồng, trong những năm qua, xã Quỳnh Lương, huyện Quỳnh Lưu tập trung phát triển các vùng sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap. Mặc dù vậy, người trồng rau vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm sạch.

Nhiều năm nay, gia đình ông Hồ Đức Nhật ở xóm 1, xã Quỳnh Lương tích cực gieo trồng các loại rau màu theo mô hình sản xuất rau an toàn. Khi sản xuất theo mô hình này, mỗi năm ông được tham gia từ 2 - 3 lớp tập huấn về quy trình của tiêu chuẩn VietGap do UBND xã phối hợp với các ban, ngành chức năng của tỉnh và huyện tổ chức; Đồng thời, ông được hỗ trợ về phân bón, giống, thuốc bảo vệ thực vật. Trong quá trình trồng rau, ông Nhật áp dụng đúng các tiến bộ khoa học đã tiếp thu vào sản xuất. Nhờ vậy cây trồng luôn phát triển tốt, năng suất, chất lượng cao. Sản phẩm của ông và ngoài dân địa phương sản xuất theo quy trình sạch được siêu thị Big C và Metro Hà Nội ký hợp đồng thu mua hàng năm.

Sản xuất rau vụ đông hàng hóa ở Quỳnh Lương, Quỳnh Lưu. Ảnh: V.Đ
Sản xuất rau vụ đông hàng hóa ở Quỳnh Lương, Quỳnh Lưu. Ảnh: V.Đ

Tuy nhiên, trên thực tế, rau sạch của ông Nhật cũng như các hộ dân khác làm ra không được thu mua kịp thời, không đúng với hợp đồng đã quy định. Do chăm bón tốt, sản lượng một số loại rau quả như cải bắp, dưa hấu đạt năng suất cao, nhưng các đơn vị nêu trên lại không thu mua với lý do số lượng quá nhiều, mức tiêu thụ ở siêu thị chậm. Điều này khiến các hộ trồng rau sạch gặp rất nhiều khó khăn. Ông Nhật cho biết: “Chúng tôi làm ra nhiều sản phẩm, đáp ứng đầy đủ quy trình sạch. Nhưng rau, quả giá cả không ổn định, nhiều lúc giá thấp hơn so với rau không an toàn, thậm chí có những vụ họ không thu mua gây thiệt hại không nhỏ cho nông dân. Người dân mong muốn các công ty khi hợp đồng sản xuất rau, quả an toàn thì tiêu thụ theo đúng cam kết, đảm bảo giá theo thị trường, để người dân yên tâm sản xuất…”

Mô hình sản xuất rau an toàn ở xã Quỳnh Lương bắt đầu hình thành từ đầu năm 2000. Lúc đầu đưa vào trồng thử nghiệm chỉ với diện tích 5 ha, có 7 hộ dân tham gia ở HTX Phú Lương. Hàng năm, xã Quỳnh Lương phối hợp với Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, huyện và Viện Khoa học kỹ thuật Bắc Trung bộ tổ chức các lớp tập huấn quy trình sản xuất an toàn cho các hộ dân. Qua 14 năm xây dựng, đến nay mô hình đã phát triển hơn 100 ha, trải đều ở 8 thôn với 700 hộ dân tham gia. Vùng sau sạch của xã chủ yếu trồng các loại hành hoa, cà chua, bắp cải, cải thảo. Bình quân một năm trên địa bàn toàn xã đầu tư vào mô hình hơn 500 triệu đồng cho các hạng mục công trình như: kênh tiêu úng, đường điện, giếng tưới, ống dẫn nước, vòi phun tự động… Từ khi áp dụng phương thức sản xuất theo mô hình rau sạch, đã góp phần tăng năng suất từ 15 - 20 % so với sản xuất theo hình thức truyền thống.

Việc xây dựng mô hình sản xuất rau sạch bước đầu đã đáp ứng được những yêu cầu khắt khe trong kiểm định chất lượng sản phẩm. Theo đó, giảm tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, đem đến người tiêu dùng sản phẩm đạt tiêu chuẩn sạch. Tuy nhiên, đầu ra cho rau an toàn đang còn là sự trăn trở của người dân và chính quyền địa phương xã Quỳnh Lương. Bởi, phía công ty không thu mua hết lượng rau và việc cập nhật giá cả không theo kịp thị trường, chênh lệch lớn nên người trồng chịu thiệt. Thậm chí, có hiện tượng khi thị trường cần thì các đơn vị mới thu mua, còn khi nhu cầu thị trường đi xuống lại không thu mua hoặc không bàn bạc với người dân để thay đổi cây trồng. Thế nên, người dân trồng rau có cảm giác bị bỏ mặc. Điều đó, gây tâm lý lo sợ cho người trồng rau vào mỗi vụ xuống giống.

Trong khi đó, trên thị trường, nhiều người tiêu dùng chưa phân biệt được đâu là rau sản xuất an toàn, đâu là không tuân theo quy tắc an toàn. Chính vì vậy, khi rau sạch ra thị trường vẫn bị xem nhẹ. Ông Nguyễn Văn Tuệ - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lương cho biết thêm: “Hiện nay, những khó khăn đối với sản phẩm rau an toàn được nhận định: Thứ nhất, đó là sản phẩm sạch đưa ra thị trường, người tiêu dùng chưa phân biệt được giữa sản phẩm đạt chất lượng và chưa đạt chất lượng; Thứ hai, về mặt kiểm soát chất lượng, quản lý thị trường cũng khó khăn; Thứ ba, quy trình sản xuất khắt khe hơn, nhưng giá cả bấp bênh cũng là một vấn đề đáng quan tâm. Chúng tôi đang tiếp tục vận động bà con kiên trì tuân thủ các quy trình sản xuất sạch. Địa phương cũng đã định hướng cho bà con nông dân thực hiện công tác công bố rộng rãi về chất lượng các sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGap để làm cơ sở lâu bền trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm...”.

Sản xuất rau quả đã trở thành nghề chính của người dân Quỳnh Lương và nhiều địa phương khác. Để ổn định sản xuất, bà con nông dân ý thức được việc cần thiết phải tuân thủ quy trình sản xuất sạch theo yêu cầu. Nhưng họ cũng mong muốn các doanh nghiệp, cơ quan, ban, ngành liên quan cần có những giải pháp hiệu quả, chung tay tìm đầu ra ổn định cho rau quả sạch, tránh tình trạng rau sạch bị ế ẩm, góp phần ổn định sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.

Hồng Diện

(Đài Quỳnh Lưu)