Cải cách thị trường lao động làm khó Thủ tướng Italy

09/10/2014 14:24

(Baonghean) - Được công bố từ cuối tháng 2 sau khi nhậm chức, gói cải cách thị trường lao động được đánh giá là giải pháp trọng tâm trong chiến lược đưa Italy thoát khỏi khủng hoảng kinh tế của Thủ tướng Matteo Renzi. Mặc dù đã vượt qua 2 lần bỏ phiếu tín nhiệm tại Hạ viện, thế nhưng, kế hoạch này hiện vẫn đang gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của các nghiệp đoàn. Những khó khăn của Italy - nền kinh tế thứ 3 của Eurozone đang ảnh hưởng không nhỏ đến triển vọng phục hồi kinh tế của lục địa già.

Theo các số liệu thống kê mới đây, nền kinh tế Italy tiếp tục bị phủ bóng đen với suy thoái kéo dài, nỗi lo giảm phát và đặc biệt là tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục tăng cao. Cơ quan thống kê nhà nước Italy - ISTAT cho hay, tỷ lệ người thất nghiệp ở Italia trong tháng 8 vẫn ở mức rất cao là 12,6%; trong đó, tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên lên tới 42,9%. Trước đó, các cuộc điều tra trong tháng 7 cũng của ISTAT cho thấy, trung bình mỗi ngày có hơn 1.000 người Italy mất việc, trong khi số thanh niên dưới 25 tuổi đang tìm kiếm việc làm lên đến 705.000 người. Tình trạng này cũng ngày càng đẩy người lao động nước này ra nước ngoài tìm kiếm cơ hội việc làm. Theo số liệu của Fondazione Migrantes, một tổ chức về di cư của Hội đồng giám mục Italy vừa công bố, trong năm 2013 đã có tới hơn 94.100 người Italy rời bỏ đất nước để ra nước ngoài kiếm sống, tăng 16% so với năm trước đó.

Thủ tướng Italy
Thủ tướng Italy

Nhìn thấy thực tế này, cam kết đầu tiên mà Thủ tướng Italy Matteo Renzi đưa ra hồi tháng 2 đầu năm nay sau khi nhậm chức, chính là những chiến lược cải cách toàn diện, trong đó trọng tâm là cải cách thị trường lao động, từ đó kéo nền kinh tế thoát khỏi suy thoái. Theo đó, gói cải cách hướng tới đơn giản hóa hệ thống lao động, xóa bỏ các thủ tục rườm rà liên quan đến hợp đồng lao động cũng như hệ thống phúc lợi của người bị tinh giản biên chế vốn đang tồn tại ở Italia. Kế hoạch này đã được truyền thông trong nước gọi là "Job Act", trong đó tập trung vào 7 khu vực là văn hóa - du lịch - nông nghiệp, đồ hiệu “made in Italy”, công nghệ cao, kinh tế xanh, xây dựng, nghề thủ công và phúc lợi xã hội. Đặc biệt trong đó là những thay đổi liên quan đến hợp đồng giữa người làm công và người thuê lao động. Cụ thể, người lao động sẽ có được chỗ làm ổn định hơn do có những quy định chặt chẽ hơn buộc người thuê lao động phải đảm bảo việc làm cho nhân công. Kế hoạch này được kỳ vọng sẽ đem đến cho Italia ít nhất 1 triệu công việc từ nay cho đến 2015. Tuy nhiên, điều này chắc chắn không hề dễ dàng.

Thực tế cho thấy, gói cải cách này vốn là điểm cộng cho Thủ tướng Renzi trước cựu Thủ tướng Enrico Letta, nhưng đến nay, đây chính là thách thức quá lớn mà Thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử Italy phải vượt qua. Tiền lệ đã có khi cựu Thủ tướng Monti cũng đa đưa ra một loạt cải cách về kinh tế hay lương hưu nhưng đã phải bỏ dở giữa chừng vì do bất ổn chính trị và khủng hoảng kinh tế tiếp diễn. Thủ tướng Renzi tiếp quản một thị trường lao động khủng hoảng cùng luật ngân sách gây tranh cãi khiến cho tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục tăng, thậm chí lên mức kỷ lục 12,9% trong tháng 3. Trong khi đó, việc tìm được một Bộ trưởng Kinh tế giỏi, đồng ý tưởng của Thủ tướng Renzi cũng không gặp nhiều thuận lợi.

Hiện nay, dự án cải cách thị trường lao động của Thủ tướng Renzi mới được thông qua ở cấp ủy ban và phải được Quốc hội gồm Thượng viện và Hạ viện thông qua mới trở thành luật. Nhưng có lẽ lộ trình này sẽ còn dài khi các nghiệp đoàn đến nay vẫn phản đối mạnh mẽ. Trong khi đó, chính một số thành viên đảng Dân chủ (PD) của Thủ tướng Renzi cũng đang chỉ trích nhiều điểm sửa đổi. Cụ thể, Quốc hội Italy vẫn đang bất đồng về điều khoản liên quan đến quy chế bảo vệ người lao động khỏi công việc sa thải bất công. Việc dự luật phải đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm nhiều lần cũng cho thấy một thực tế mà Thủ tướng Matteo Renzi đang phải đối mặt, đó là sự thiếu đồng nhất trong một số đảng nhỏ liên minh với đảng Dân chủ cầm quyền. Trở lại nguyên nhân sâu xa khiến cho tình trạng thất nghiệp ở Italy vẫn chìm trong ảm đạm, có thể thấy, cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng nhất trong hơn 2 thập kỷ qua và tác động tiêu cực từ khủng hoảng nợ công toàn châu Âu đã gây ra thực trạng này. Bởi thế, mọi cải cách đều phải đi từ gốc, trong đó quan trọng nhất là các gói kích thích nền kinh tế quay trở lại quỹ đạo phát triển.

Đây không chỉ là thách thức của chính phủ của tân Thủ tướng Italy Matteo Renzi, đó còn là “hòn đá tảng” mà hàng loạt nước châu Âu như Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha... phải vượt qua. Được đánh giá là đã có khởi sắc, nhưng kinh tế các nước châu Âu năm 2014 này vẫn đang phục hồi chậm chạp. Thậm chí, các cuộc đình công còn có nguy cơ tăng lên khi chính phủ các nước cắt giảm tiền lương, trợ cấp và các chi phí liên quan đến người lao động. Cụ thể, nghiệp đoàn các nhân viên hệ thống tàu điện ngầm ở London, Anh cho hay sẽ tiếp tục đình công trong 2 ngày bắt đầu từ ngày 14/10 tới; nhân viên hệ thống tàu điện ngầm ở Lisbon, Bồ Đào Nha cũng thông báo kế hoạch đình công 24 giờ dự kiến diễn ra vào cuối tháng này; hay phi công hãng hàng không Lufthansa của Đức cho biết cũng sẽ tiến hành đợt đình công thứ 5 kể từ cuối tháng 8, do những bất đồng về chính sách nghỉ hưu. Như thế, đình công và thất nghiệp chắc chắn vẫn sẽ là “ngòi nổ chậm” của lục địa già, nếu như lộ trình cải cách kinh tế chung của khu vực cũng như của riêng từng nước không được triển khai đúng cách, mạnh mẽ và quyết đoán hơn.

Phương Hoa