Tạo niềm tin, động lực mới

13/12/2014 08:06

(Baonghean) - Thẳng thắn, dân chủ, trách nhiệm và đổi mới - kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVI đã thảo luận, quyết định nhiều vấn đề lớn liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân, đến sự ổn định, phát triển của tỉnh nhà. Thành công của kỳ họp được coi là một trong những cơ sở quan trọng tạo động lực mới cho thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà năm 2015…

Trong thời gian 3 ngày, kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh khoá XVI đã xem xét 33 báo cáo và thảo luận, thông qua 17 Nghị quyết; nhiều vấn đề dân sinh được phân tích, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp cụ thể. Khối lượng công việc là khá lớn, nhưng điều quan trọng là vẫn đảm bảo chất lượng của kỳ họp.

Người dân xã Nghĩa Lâm (Nghĩa Đàn) phấn khởi được mùa. Ảnh: Thu Hương
Người dân xã Nghĩa Lâm (Nghĩa Đàn) phấn khởi được mùa. Ảnh: Thu Hương

Trách nhiệm của đại biểu được thể hiện bằng những trăn trở tham gia đóng góp cho kỳ họp. Đã có 68/75 đại biểu có mặt tại kỳ họp tham gia phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận tổ, với hàng trăm vấn đề, 16 đại biểu hơn 50 vấn đề thảo luận tại hội trường, 25 lượt đại biểu, với gần 50 vấn đề được chất vấn tại các phiên chất vấn. Nội dung được nhiều đại biểu đặt lên bàn nghị sự của kỳ họp liên quan sát thực cuộc sống dân sinh. Quan tâm nhất là việc sản xuất của nông dân đang còn khó khăn.

Bên cạnh thời tiết, sâu bệnh diễn biến phức tạp, điều kiện canh tác, hạ tầng thủy lợi thấp kém, thì người nông dân đang phải đối diện với các khó khăn do chất lượng giống không đảm bảo, sản phẩm nông nghiệp không có thị trường đầu ra ổn định; về nhu cầu bức thiết của người dân, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người thiếu đất sản xuất... Bên cạnh đó, kỳ họp quan tâm đặt ra việc tăng cường đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào nông nghiệp, nông thôn, từ đó nâng cao hiệu quả, giá trị sản xuất, đời sống cho người nông dân; vấn đề hoàn trả tiền đầu tư ban đầu hạ tầng lưới điện nông thôn cho người dân sau khi bàn giao về cho công ty điện lực; các vấn đề giải quyết chế độ cho đối tượng chính sách, vấn đề liên quan đến chất lượng giáo dục ở cơ sở cũng được nhiều đại biểu đề cập... Đáng chú ý là vấn đề chất lượng khám, chữa bệnh, trình độ, tinh thần, thái độ phục vụ của y, bác sỹ tại các cơ sở y tế; lo ngại về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân; công tác giảm nghèo; công tác đào tạo nghề; thu hút đầu tư nhiều dự án chưa triển khai.

Thanh tra Sở Y tế kiểm tra một hiệu thuốc  tại TP. Vinh. Ảnh: Từ Thành
Thanh tra Sở Y tế kiểm tra một hiệu thuốc tại TP. Vinh. Ảnh: Từ Thành

Hoạt động chất vấn được tiến hành dân chủ, công khai, trách nhiệm, có tranh luận, đối thoại với tinh thần xây dựng. Thông qua chất vấn đã làm nguyên nhân những tồn tại, hạn chế, vấn đề đang đặt ra, làm rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, từ đó đưa ra giải pháp cụ thể để khắc phục tồn tại. Tại kỳ họp, thông qua đường dây điện thoại trực tuyến và bộ phận tiếp dân của kỳ họp, HĐND tỉnh đã thu nhận được 64 vấn đề được cử tri gửi gắm mong muốn được giải quyết.

Việc tổ chức kỳ họp có nhiều đổi mới. Mỗi Ban chủ động thu thập thông tin, tổ chức giám sát, khảo sát bằng nhiều hình thức để nắm tình hình thực tế về những vấn đề liên quan đến nội dung thẩm tra, chất lượng báo cáo thẩm tra của các Ban được nâng lên rõ rệt. Trong điều hành, chủ tọa kỳ họp bám sát chương trình, vận dụng linh hoạt từng phiên họp nhằm tiết kiệm thời gian, phát huy được tinh thần dân chủ và trí tuệ của đại biểu. Đặc biệt, HĐND tỉnh thông qua dự thảo 17 Nghị quyết quan trọng, sát thực, giải quyết những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở, hướng mạnh đến đời sống an sinh xã hội.

Nhiều ý kiến đánh giá cao việc lấy phiếu tín nhiệm của HĐND tỉnh trong kỳ họp này, đối với 16 chức danh do HĐND tỉnh bầu bảo đảm đánh giá đúng thực chất kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của người được lấy phiếu tín nhiệm. Đại biểu và cử tri mong muốn sau kết quả lấy phiếu tín nhiệm, các đại biểu được lấy phiếu tín nhiệm nhìn nhận rõ hơn những khuyết điểm, hạn chế để có sự phấn đấu, rèn luyện về phẩm chất cũng như năng lực công tác, có sự điều chỉnh trong phương pháp tham mưu lĩnh vực, ngành phụ trách cho UBND tỉnh và cơ sở chỉ đạo thực hiện tốt hơn.

Giờ thực hành của sinh viên Khoa Cơ khí chế tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vinh. Ảnh: N.K
Giờ thực hành của sinh viên Khoa Cơ khí chế tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vinh. Ảnh: N.K

Từ kết quả của một kỳ họp thành công, đã tạo niềm tin cho cử tri đối với hoạt động của cơ quan dân cử. Nhưng bên cạnh đó, một số vấn đề được chất vấn mặc dù các ngành đã cố gắng, song vẫn chưa đáp ứng đúng nguyện vọng cử tri như: vấn đề giáo viên dôi dư, tái định cư Thủy điện Bản Vẽ, đảm bảo an toàn hồ, đập thủy điện; tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường, dự án treo, đầu tư dàn trải…. Một số kiến nghị kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm. Cử tri kỳ vọng sau kỳ họp này, HĐND tỉnh chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương có giải pháp thực hiện tốt hơn nhiệm vụ phát triển KT-XH, nhất là phát huy vai trò người đứng đầu trong việc giải quyết các vấn đề được cử tri kiến nghị trong các kỳ họp, thực hiện lời hứa với cử tri, đảm bảo quyền lợi cho người dân, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các đại biểu dân cử, tiếp tục củng cố, tăng niềm tin trong quần chúng nhân dân.

Trong thời gian diễn ra kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh khóa XVI, đã có 64 lượt ý kiến cử tri phản ánh qua đường dây nóng. Trong đó có 11 ý kiến cử tri liên quan đến ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, với những nội dung như việc giải quyết chế độ thương, bệnh binh, chính sách người có công còn chậm, chế độ huân, huy chương; một số thủ tục về xuất khẩu lao động; việc bình xét hộ nghèo có nơi chưa minh bạch, tìm hiểu một số vấn đề chính sách đối với hộ nghèo…. Có 12 ý kiến liên quan đến lĩnh vực Y tế gồm chế độ chính sách cho cán bộ y tế, chủ trương giải thể các phòng khám đa khoa khu vực, đề nghị công khai việc chuyển tuyến trong điều trị bệnh; việc phân tuyến khám, chữa bệnh y tế chưa rõ ràng, đặc biệt nơi khám chữa bệnh ban đầu là các trạm y tế xã trong khi đội ngũ y, bác sỹ ở đây không đáp ứng được yêu cầu của người dân…

Mai Hoa - Thanh Lê

Nguyện vọng cử tri

  • Ông Nguyễn Đình Nhị (huyện Nghi Lộc): Việc lấy phiếu tín nhiệm là cần thiết; là một kênh thông tin quan trọng để đánh giá, kiểm tra năng lực của đội ngũ lãnh đạo, cán bộ cốt cán do dân cử, HĐND bầu. Từ đó, những vị có nhiều phiếu tín nhiệm cao sẽ tiếp tục phát huy năng lực vì mục tiêu chung của tỉnh; những vị đang còn nhiều phiếu tín nhiệm thấp cần nỗ lực để đáp ứng nguyện vọng của cử tri và yêu cầu khách quan của tỉnh đặt ra.
  • Ông Trần Xuân Tình (huyện Hưng Nguyên): Chất lượng của các kỳ họp HĐND tỉnh đã không ngừng được nâng lên, nhiều nội dung mà cử tri và thực tiễn đặt ra được các cấp, các ngành quan tâm giải quyết. Đặc biệt, thực hiện chức năng giám sát đối với các chức danh do HĐND bầu, các đại biểu đã thể hiện rõ ràng và nhất quán quan điểm của mình trong bỏ phiếu tín nhiệm. Kết quả đã phản ánh khách quan, chính xác. Niềm tin của các cử tri cũng vì thế được nâng lên.
  • Bà Cụt Thị Nguyệt (Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn): Cử tri huyện Kỳ Sơn đặc biệt quan tâm phần trả lời chất của ông Nguyễn Bằng Toàn – Giám đốc Sở LĐ-TB&XH. Ngành LĐ-TB&XH tỉnh đã giải trình xác đáng và phân tích khá thấu đáo những khó khăn, vướng mắc trong công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Biểu hiện thường thấy lâu nay ở khu vực miền núi là thái độ trông chờ, ỷ lại của một bộ phận đồng bào. Mặc dù nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào vùng khó khăn là của Chính phủ, song cũng nên cân nhắc thật kỹ khi áp dụng vào thực tế. Thậm chí nên cắt hoặc giảm một số chính sách để người dân tự vươn lên. Ví dụ về việc hỗ trợ người nghèo ăn Tết hàng năm, Nhà nước hỗ trợ khoảng 100 nghìn đồng cho mỗi hộ ăn Tết. Đối với mỗi hộ, số tiền này không thấm vào đâu, nhưng sẽ là tiền tỷ nếu cộng lại. Nên chăng, thay vì hỗ trợ Tết, số tiền này dùng để đầu tư các công trình dân sinh, như: cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi, thiết chế văn hóa thì sẽ thực tế và hiệu quả hơn.
  • Ông Lô Văn Mùi (bản Na Cày xã Tiền Phong, huyện Quế Phong): HĐND cần đề xuất các cấp chính quyền dành sự quan tâm hơn đối với chính sách hỗ trợ cây, con giống cho đồng bào miền núi. Vì theo lộ trình, sang năm 2015, tỉnh sẽ xóa bỏ chính sách hỗ trợ cây, con giống. Khi không được hỗ trợ giống, người dân dễ bỏ diện tích canh tác, sản xuất.

    Nhóm PV

Trao đổi bên lề kỳ họp

Đại biểu Lê Văn Trí: “Giám sát chặt chẽ tình trạng lạm dụng BHYT”.

Tâm lý của nhiều người dân, nhất là khu vực nông thôn, đặc biệt là các hộ nghèo rất ngại khi đi khám, chữa bệnh BHYT tại các bệnh viện bởi thái độ phục vụ chưa tốt; khám xong phát thuốc ít ỏi, thuốc rẻ tiền. Nhưng một số cơ sở y tế tận dụng Quỹ BHYT để thực hiện một số thủ tục khám lâm sàng, xét nghiệm, chụp X-quang, nội soi… gây phiền toái cho người bệnh.

Để hạn chế tình trạng lạm dụng Quỹ BHYT, cùng với việc tăng cường công tác giám định BHYT tại các cơ sở khám, chữa bệnh, các cơ quan chức năng cần kiểm tra chặt chẽ, kiểm soát “quỹ thực”, đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh cho người dân. Cơ quan BHXH, ngành Y tế và các đơn vị trực tiếp tham gia BHYT cần nêu cao tinh thần tự giác, chấp hành chính sách pháp luật về BHYT, đồng thời cần xử phạt những cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật về BHYT

Thanh Lê (ghi)

Đại biểu Lương Văn Hùng (Quế Phong): Nên có sự xác định, phân hóa đối tượng áp dụng thu phí.

Một bất cập trong công tác triển khai thu phí sử dụng đường bộ ở miền núi là do đặc điểm địa hình đặc thù. Phần lớn người dân sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, nơi hệ thống giao thông còn hạn chế. Điều này dẫn đến 2 tồn tại: Công tác tuyên truyền gặp khó khăn và người dân nhận thức rằng mình không được hưởng lợi ích từ việc thu phí sử dụng đường bộ. Nhận thức của bà con rất trực diện là đường giao thông ở các thôn bản đang là đường đất, do người dân chủ động xây đắp. Vì thế, rất nhiều cử tri kiến nghị nên có sự xác định, phân hóa đối tượng áp dụng thu phí...

Thục Anh (ghi)