"Bóng đen" khủng hoảng tài chính ở Nga

18/12/2014 07:25

(Baonghean) - Đồng ruble của Nga trong mấy ngày qua đã rớt giá xuống mức thấp kỷ lục khi 80 ruble chỉ đổi được 1 USD và 100 ruble đổi được 1 Euro. Bất chấp việc Ngân hàng Trung ương Nga đã phải tăng vọt tỷ lệ lãi suất từ 10,5% lên 17%, thế nhưng, đà lao dốc nhanh nhất và mạnh nhất trong vòng 16 năm qua của đồng ruble cùng các mức thấp kỷ lục của giá dầu đang khiến người ta liên tưởng đến cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998. Lúc đó, đồng ruble sụp đổ và Nga bị vỡ nợ. Liệu kịch bản này sẽ lặp lại?

Đồng ruble của Nga liên tục đà mất giá. Nguồn: Bloomberg
Đồng ruble của Nga liên tục đà mất giá. Nguồn: Bloomberg

TIN LIÊN QUAN

Có thể nói, ngày 15/12 vừa qua là thời điểm lao dốc nhanh nhất của đồng ruble Nga kể từ cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra hồi năm 1998. Theo đó, đồng ruble đã giảm hơn 10% so với đồng USD và euro. Và lần đầu tiên 1 USD đã vượt ngưỡng 64 ruble và 1 euro vượt ngưỡng 78 ruble. Như vậy, đồng ruble đã giảm 20% trong tháng 12 này và hơn 50% kể từ đầu năm nay, bất chấp việc Ngân hàng Trung ương Nga đã phải tung ra hàng chục tỷ USD để can thiệp thị trường. Tính ra từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Trung ương Nga đã chi dự trữ ngoại hối 80 tỷ USD để ổn định đồng ruble. Trong diễn biến mới nhất, quyết định tăng vọt lãi suất từ 10,5% lên 17% của cơ quan này đã khiến dư luận sửng sốt. Nhưng chính diễn biến này đã gây tâm lý bất ổn, hoang mang, khiến cho các nhà đầu tư lo ngại rằng, Chính phủ Nga dường như đang bất lực với diễn biến của thị trường. Cũng từ đây, bóng đen của khủng hoảng tài chính năm 1998 đang dần được tái hiện.

Trở lại thời điểm năm 1998, lúc đó, hệ thống tiền tệ sụp đổ chỉ trong vài ngày đã khiến Nga vỡ nợ và chính thức rơi vào khủng hoảng tiền tệ. Và không chỉ Nga, đây còn là cuộc khủng hoảng của cả khối thị trường mới nổi với giá dầu và tiền tệ đồng loạt lao dốc tự do. Quay trở lại thời điểm hiện nay, nhiều yếu tố tương đồng đã xuất hiện, khi đồng ruble của Nga không thể ngăn đà giảm giá và cơn bão rớt giá của dầu thô tại thị trường Mỹ và thế giới tiếp tục hoành hành. Ngày 15/12 vừa qua không chỉ là mốc đáy của trị giá đồng ruble, mà còn là một ngày “tệ hại nhất” của dầu thô trong vòng 7 năm qua. Cụ thể, kể từ mức giá đỉnh cao 107 USD/thùng đối với dầu thô WTI và 115 USD/thùng đối với dầu thô Brent hồi tháng 6, giá hai loại dầu này tính đến nay đã giảm hơn 50%.

Trong khi đó, theo hãng tin Bloomberg, tỷ giá của 20 đồng tiền được giao dịch nhiều nhất của khối thị trường mới nổi đã xuống mức thấp nhất trong vòng 11 năm qua vào ngày 15/12. Bên cạnh đồng ruble, đồng rupiah của Indonesia mới đây cũng xuống thấp nhất kể từ năm 1998, hay đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ cũng không tránh được đà mất giá. Một yếu tố nữa khiến dư luận phải liên tưởng đến khủng hoảng tài chính 1998 là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đang có kế hoạch cho đợt tăng lãi suất đầu tiên kể từ năm 2006, làm tăng khả năng luồng vốn sẽ bị rút ồ ạt khỏi các nước đang phát triển. Quay trở lại với kinh tế Nga, một bất lợi nữa là Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa tuyên bố sẽ ký thông qua dự luật tiếp tục trừng phạt Nga trong vòng tuần này. Nếu điều này xảy ra, không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo với nền kinh tế Nga hiện nay.

Thế nhưng theo giới phân tích, tình hình chưa đến mức quá bi đát như những năm 1998 khi bối cảnh hiện đã có nhiều thay đổi. Theo giới phân tích, hiện nay các nước đang phát triển trong đó có Nga, đã cho phép tiền tệ tự do biến động chứ không còn tuân theo cơ chế tỷ giá cố định cứng nhắc như hồi năm 1998. Bên cạnh đó, các nước này cũng có dự trữ ngoại hối vượt hẳn so với thời điểm 16 năm trước, đây là điều kiện để có thể vượt qua các biến động bất ngờ trên thị trường tài chính. Một yếu tố khác là thay vì đồng USD, các nước phát triển hiện nay phần lớn huy động vốn bằng nội tệ, cho phép có thể trả nợ mà không phải lo rút cạn nguồn dự trữ ngoại hối của mình. Trong khi đó, nền kinh tế Nga mặc dù đang suy giảm nhưng giới chức Nga vẫn tỏ ra không nao núng và kêu gọi người dân tin tưởng vào đồng nội tệ. Trong phát biểu mới đây, Bộ trưởng Kinh tế Alexei Ulyukayev cho rằng, tỷ giá hối đoái hiện nay không phù hợp với tình hình kinh tế vĩ mô cơ bản của Nga, và việc đồng ruble sụt giá chỉ đơn giản là sự tính toán và kỳ vọng của thị trường.

Xét về nguyên nhân, việc đồng ruble mất giá là do các lệnh trừng phạt từ Mỹ và Liên minh châu Âu. Thế nhưng, ngay EU hiện cũng đang chia rẽ trong các biện pháp trừng phạt Nga, bởi một khi kinh tế Nga thiệt hại thì kinh tế các nước EU cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Vì vậy, việc “chặn mọi ngả đường” của Nga không phải là giải pháp tối ưu đối với EU. Trong khi đó, tuyên bố mới đây của Tổng thống Mỹ về việc sẽ ký thông qua dự luật tiếp tục trừng phạt Nga cũng đang được cho là một “thông điệp khó hiểu” gửi đến các đồng minh châu Âu, khi không hề tham vấn EU về vấn đề này. Như vậy, nhiều lý do để cho thấy rằng, một kịch bản khủng hoảng tài chính sẽ khó tái diễn với Nga nói riêng và các nền kinh tế mới nổi nói chung. Dù dự trữ tiền tệ và hệ thống tài chính công của Nga hiện nay theo giới phân tích đã vững chắc hơn rất nhiều so với thời điểm 1998, tuy nhiên, Nga thực tế đang phải đối diện với quá nhiều khó khăn. Vì thế, nước Nga rất cần tới một chính sách ổn định kinh tế vững chắc, không cho phép sai sót và nhầm lẫn.

Phương Hoa