Thơm trầm Liên Đức

11/12/2014 18:41

(Baonghean) - Cơ sở sản xuất hương của Làng nghề sản xuất hương Liên Đức (Thanh Liên- Thanh Chương) nằm bên con đường nhỏ chạy vào làng. Ấy là khu đất rộng 2.500m2, được UBND tỉnh cấp cho làng nghề sản xuất tập trung, với gần 30 công nhân làm nghề. Dưới cái nắng hiếm hoi sau những ngày thời tiết thâm u, hương được rải đều tăm tắp trên những cái giá phơi đặt trên những khoảnh đất trống, kể cả góc sân nhỏ. Dù chưa phải vào Tết, làng nghề sản xuất hương Liên Đức dịp này đã tất bật...

Lão nông Phan Bá Sương là công nhân làng nghề, vui vẻ trò chuyện: Làm nông nghiệp mỗi năm chỉ bận bịu 3 – 4 tháng mùa màng, thành ra thời gian nông nhàn trước đây thường vào miền Nam hái cà phê, rồi làm thuê khắp nơi. Tiền công không phải thấp, nhưng bù lại tiền tàu xe đi lại, ốm đau, chi tiêu… nên đồng tiền dành dụm không được trọn vẹn, thậm chí có có những lần về không. Năm 2011, lão xin vào làm công nhân ở đây, công việc chính là đảm nhiệm khâu xay nguyên liệu. Trước khi vào làm, ông chủ cho học việc 10 ngày. Nguyên liệu nhập về, nhiệm vụ của lão là cho vào máy băm nhỏ, phơi khô, máy nghiền thành bột. Vì là công việc nặng nhọc nhất, nên lương của lão được ông chủ trả 3 triệu đồng/tháng. Công nhân làm ở đây đều được ông chủ nuôi bữa cơm trưa. Quanh năm dù nắng hay mưa, tháng nào cũng có việc làm thường xuyên. Tiền lương hàng tháng nhận về trọn vẹn, cùng với người vợ ở nhà chăn nuôi, sản xuất, đủ tiền chu cấp cho 2 đứa con gái theo học đại học, cao đẳng.

Đóng gói sản phẩm hương trầm Liên Đức.
Đóng gói sản phẩm hương trầm Liên Đức.

Chị Nguyễn Thị Sen, vóc người mảnh dẻ, đang miệt mài với công việc cuốn búp hương. Với kinh nghiệm trong nghề, chị dàn đều tập giấy in sẵn lô gô sản phẩm lên tấm phản, phết keo dính, sau đó cầm từng nắm hương đúng 12 que đặt lên tờ giấy, cuốn chéo thành búp hương đều đặn. “Cứ thế làm 8 tiếng đồng hồ trong ngày, em cuốn được trên 1 nghìn búp. Đảm nhiệm phần việc nhẹ nhàng, nên lương tháng của em được hưởng 1,8 triệu đồng. Công việc này tuy không vất vả, nặng nhọc, nhưng đòi hỏi phải kiên trì, chịu khó, và nhanh tay mới có năng suất. Mặc dù mức lương không cao nhưng vui, vì có việc làm thường xuyên, lại gần nhà, có điều kiện cho chồng đi làm ăn xa, mình ở nhà chăm sóc con cái và đảm nhiệm đồng áng. Trước đây, không có việc làm ổn định, dù sức khỏe yếu, vẫn phải gắng sức làm công cho người ta, kiếm thêm thu nhập” - chị tâm sự.

Sản phẩm của làng nghề chủ yếu là hương trầm. Nhằm đáp ứng thị trường, hương trầm được phân thành 5 loại, từ loại trung bình đến cao cấp. Nhưng dù sản phẩm nào thì cách làm đều như nhau, cũng phải nghiền bột, trộn đều, pha chế nhuần nhuyễn. Theo ông Phan Bá Bảy – chủ cơ sở sản xuất hương, thì làm hương là nghề không quá vất vả, công phu nhưng đòi hỏi sự khéo léo của người thợ, đặc biệt là thường xuyên phải thay đổi mẫu mã bao bì để cạnh tranh với thị trường. Nguyên liệu chỉ là vỏ quế, rễ hương trầm và các loại phụ gia, cơ bản nhất là đòi hỏi phải hòa trộn tỷ lệ sao cho phù hợp, làm sao hương vừa thơm dịu, vừa dễ cháy và lâu tàn. Bởi thế, trong quá trình sản xuất hương, khó nhất là khâu trộn bột, đòi hỏi người thợ phải đều tay và thực hiện một công thức nhất định. Sau đó cho nước thấm vào từ từ, đến khi bột đạt độ dẻo. Bây giờ làm ra que hương hoàn toàn bằng máy, chứ không làm bằng tay như trước, do vậy bột hương phải có độ dẻo thật chuẩn thì sản phẩm mới đẹp, ít bị lỗi. Anh Bảy đã đầu tư mua 13 máy sản xuất hương, 1 máy nghiền nguyên liệu, đặt tại cơ sở sản xuất.

Hàng ngày số lượng hương được sản xuất bao nhiêu, đem ra phơi nắng đến đó. Như cái nắng hôm nay, chỉ cần phơi 2 ngày là yên tâm đóng gói. Tất cả sản phẩm đều đóng gói cẩn thận, bắt mắt và luôn được thay đổi mẫu mã bao bì. Cách làm đơn giản là vậy, nhưng để làm cho hương cháy hết và xoắn vòng lộc, người làm hương phải lựa chọn nguyên liệu rất kỹ. Đầu tiên là bột phải nghiền thật nhuyễn, đi đôi với đó là tăm hương phải chuẩn. Tăm hương được sử dụng ở đây hoàn toàn nhập từ những cơ sở sản xuất trong tỉnh, đòi hỏi phải đều tăm tắp, làm bằng tre, lùng, ngâm nước, phơi khô. Ông Bảy cho biết, vỏ quế và phụ gia phải nhập từ nơi khác về, còn rễ hương mua ngay tại chỗ, có thể trộn thêm bã mía. Nhiều năm nay, người dân một số xã trong huyện trồng rễ hương trên đất đồi. Người ta đào cả chùm rễ, mang đến nhập tươi cho mình. Rễ hương được rửa sạch, phơi khô mới đưa vào chế biến trộn lẫn với các nguyên liệu khác để sản xuất thành que hương trầm thơm ngát.

Phơi hương ngày nắng.
Phơi hương ngày nắng.

Đây không phải là nghề truyền thống của làng, nghề có ở đây mới hơn 10 năm nay. Ông Phan Bá Bảy cho biết, không phải tự nhiên làng Liên Đức lại có nghề sản xuất hương. Những năm cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21, bản thân ông cất công ra tận Hà Nội làm thuê tại một số cơ sở sản xuất hương trầm. Vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm, năm 2002, ông quyết định mang nghề về quê. Buổi đầu khó khăn về vốn và thị trường tiêu thụ, nhưng ông vẫn mạnh dạn vay mượn đầu tư máy móc, mở cơ sở sản xuất hương tại nhà. Lâu dần, sản phẩm hương trầm của ông có mặt tại các ky ốt từ trong làng, trong xã, rồi mở rộng ra toàn huyện rồi trong và ngoài tỉnh như bây giờ. Như vậy, ông Bảy chính là người đưa nghề về làng. Lúc đầu chỉ có ít hộ cùng làm với ông, dần dần sản phẩm có uy tín trên thị trường, nó trở thành nghề chính của nhiều hộ. Từ đó người dân trong làng nể phục, chính quyền tin tưởng, giao trách nhiệm cho ông là ông chủ của làng nghề.

Đến nay Làng nghề sản xuất hương Liên Đức có khoảng 50 hộ, với 76 lao động tham gia làm nghề. Năm 2010, làng được UBND tỉnh công nhận Làng nghề sản xuất hương Liên Đức, từ đó đến nay nhiều hộ chuyển sang làm nghề hương. Hương trầm mang tên Liên Đức được tiêu thụ rộng rãi trong huyện, tỉnh, mà còn đi xa hơn ngoài tỉnh. Có nghề, đời sống nhân dân trong làng ngày một nâng cao. Làng Liên Đức từ thời xa xưa đời sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, buôn bán nhỏ, vì thế đời sống về vật chất, tinh thần phát triển chậm, nhiều lao động nữ phải đi làm ăn xa, từ khi có nghề về làng, cuộc sống thêm nhộn nhịp. Theo con số thống kê của làng, thu nhập từ nghề sản xuất hương của làng năm 2012 chiếm 58% tổng thu nhập, năm 2013 chiếm 61% và năm 2014 chiếm 62% tổng thu nhập của làng. Thu nhập bình quân của lao động từ nghề năm 2014 đạt 21 triệu đồng/người/năm, trong khi đó thu nhập bình quân của lao động trong làng chỉ đạt 17 triệu đồng/người/năm. Hương trầm Liên Đức đã đứng vững trên thị trường trong và ngoài tỉnh, nên dù dịp Tết hay ngày thường trong năm, đều sản xuất với sản lượng ổn định, người làm nghề vì thế có việc quanh năm.

Ông Phan Bá Ngọc – Chủ tịch UBND xã Thanh Liên, tự hào: Ngoài làng nghề sản xuất hương, hiện nay địa phương đang đề nghị các cấp công nhận thêm 1 làng có nghề bún bánh ở Liên Hương. Đây là nghề mới du nhập, nhưng với sự cần cù chịu khó, hàng chục hộ ở xóm Liên Hương đã học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau để phát triển nghề, mỗi ngày cung cấp hàng tấn bánh bún cho người dân trong vùng. Xác định phát triển làng nghề là thế mạnh của địa phương, mục tiêu là tạo việc làm, tăng thu nhập tại chỗ cho người dân, nên chính quyền địa phương luôn quan tâm, bởi đây là một trong những tiêu chí để xây dựng nông thôn mới.

Mùi hương trầm dịu ngọt, mỗi khi đốt lên trong những ngày lễ tết càng thêm thiêng liêng, ấm cúng. Mùi hương ấy còn thấm sâu vào hồn người, để trở thành niềm thương nỗi nhớ lúc đi xa...

Bài, ảnh: Xuân Hoàng