Y học thế giới vẫn "bó tay" với tình trạng kháng thuốc kháng sinh
Tình trạng kháng thuốc kháng sinh hiện nay đặt chúng ta vào tình cảnh chữa bệnh như 80 năm về trước.
Năm 2014, giới nghiên cứu và các bác sĩ đã gặt hái nhiều thành công trong việc điều trị, phòng chống dịch Ebola và các loại virus chết người khác nhưng cuộc chiến chống các bệnh khác do vi khuẩn gặp nhiều thất bại do tình trạng kháng thuốc kháng sinh.
Nhiều loại thuốc kháng sinh đã không còn tác dụng kháng bệnh (ảnh minh họa, nguồn Internet) |
Năm qua, các nhà khoa học đã cố gắng tìm ra phương thuốc điều trị cũng như vaccine chống Ebola. Một số loại vaccine đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng và kì vọng sẽ lưu hành trên thị trường vào đầu năm 2015.
Trong khi đó cuộc chiến chống sốt rét đạt nhiều thành công trong năm 2014 với số ca mắc mới giảm 47% so với năm 2000. Công tác nghiên cứu bào chế vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết cũng có nhiều kết quả. Tháng 7 năm 2014, công ty dược phẩm Sanofi Pasteur của Pháp thông báo các cuộc thử nghiệm lâm sàng đang tiến hành tại châu Á sẽ là khâu cuối cùng trước khi vaccine được tung ra thị trường trong thời gian tới.
Thế nhưng, việc điều trị bằng kháng sinh đối với một số bệnh gặp rất nhiều khó khăn. Tháng 4 năm 2014, Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo, thế giới đang bước vào “giai đoạn hậu kháng sinh”, tức là những bệnh do vi khuẩn gây ra đang trở nên khó điều trị hơn. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC), riêng tại Mỹ, có 23 nghìn ca tử vong do kháng sinh trở nên vô hiệu. Tiến sỹ Trish Perl, chuyên gia dịch tễ thuộc Tổ chức Y tế Johns Hopkins Medicine nói: “Đột nhiên chúng ta nhận ra rằng, tình trạng kháng thuốc kháng sinh hiện nay đặt chúng ta vào tình cảnh chữa bệnh như 80 năm về trước khi chưa có thuốc kháng sinh. Nhiều thuốc kháng sinh đã trở nên vô hiệu hóa”.
Tổ chức Y tế thế giới kêu gọi các bác sĩ xây dựng hệ thống dữ liệu, nhằm chỉ rõ những kháng sinh nào có thể diệt vi khuẩn và tránh kê những kháng sinh không còn tác dụng điều trị./.
Theo VOV