Người giữ hồn cho phách trống

10/01/2015 15:42

(Baonghean) - Qua bao biến thiên của lịch sử, những thanh âm của tiếng trống làng, trống hội như một lớp trầm tích lắng sâu vào tiềm thức của người Việt. Thanh âm ấy đã tạc ghi vào lịch sử dựng nước và giữ nước như một bản anh hùng ca và mặc nhiên trở thành một điểm nhấn sắc nét trong dòng chảy truyền thống văn hóa dân tộc. Và, nghề làm trống từ xưa vẫn được xem là “nghề cao quý” bởi người thợ thật sự là những nghệ sỹ giữ nhịp phách trống…

Anh Nguyễn Duy Linh đang hoàn thiện công đoạn làm tang trống
Anh Nguyễn Duy Linh đang hoàn thiện công đoạn làm tang trống

Theo chân một người bạn, tôi tìm đến gia đình anh Nguyễn Duy Linh (Xóm Kim Mỹ - Xã Nghi Ân - TP. Vinh) khi anh đang cùng những người thợ miệt mài bên những đồ nghề làm trống. Biết khách đến tìm hiểu về nghề, anh Linh thân thiện: “Với mình, nghề làm trống không chỉ để mưu sinh mà nó còn là duyên, là nợ. Là truyền thống gia đình mà mình phải gìn giữ cho thế hệ sau”. Anh bảo, nghề làm trống đã nối truyền trong dòng họ từ 4 đời nay, khởi nguồn từ thời ông cố nội anh là cụ cố Nhung bôn ba khắp xứ Bắc Kỳ tìm đường mưu sinh, trong một cơ duyên, cụ học được nghề làm sơn mài và nghề làm trống. Thế nhưng khi về quê, điều kiện bấy giờ chỉ cho phép cụ duy trì nghề làm trống và truyền lại cho con cháu trong dòng tộc.

Cứ thế, từ đời này sang đời khác, đến đời anh Linh thì những âm thanh ấm áp vang vọng ấy đã ăn sâu vào tâm thức. Anh lớn lên cùng với tiếng trống làng, trống hội, với tiếng trống trường điểm mỗi sáng đi học. Khi rảnh rỗi, anh theo ông, theo cha phụ việc, từ vót đinh, thuộc da… với búa, kìm, đục đẽo… rồi thành nghề lúc nào không hay. Tình yêu với nghề trọn vẹn lên từng ngày, bất chấp cả những thăng trầm, khốn khó. Nhãng ánh mắt ra xa, anh chậm kể, đó là vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn, nghề làm trống cho thu nhập thấp, lại bấp bênh vì phụ thuộc vào mùa vụ nên duy trì nghề rất khó. Một thời gian dài, anh phải xoay nghề sửa xe máy và loa đài, máy móc… cho dân làng, dẫu lửa nghề chưa ngày nào nguội tắt.

Chuyện nghề làm trống, với anh Linh, còn là nỗi niềm đau đáu phục dựng lại nghề cổ của ông cha, đưa tiếng trống trở thành thanh âm quen thuộc, không thể thiếu trong những sự kiện buồn - vui của người dân. Gần 20 năm bươn bả mưu sinh, có chút vốn liếng, anh bàn với vợ phục dựng lại nghề. Đến đầu năm 2014, cơ sở làm trống của anh tái sản xuất với bao bộn bề nhưng ấm cúng bởi sự giúp sức của người anh họ cùng chí hướng. Nghề làm trống tưởng đơn giản vậy nhưng thật công phu, các thao tác đòi hỏi sự chính xác và tính kiên nhẫn rất cao ở người thợ. Anh Nguyễn Duy Linh chia sẻ, gỗ để làm trống tốt nhất phải là loại gỗ mít từ 80 - 100 năm tuổi vì gỗ mít lâu năm mới có thớ, có vân dễ dàng khi xẻ uốn, đảm bảo tính ổn định cho tang trống. Tuy nhiên, gỗ mít cổ thụ như thế thường hiếm, nên nay, cơ sở của anh thường dùng loại gỗ mít độ 30, 40 năm trở lại.

Nguyên liệu cho các bộ phận của chiếc trống kể ra cũng kỳ công, như dùi trống phải được chế tác từ thân cây gỗ mức, vì gỗ mức nhẹ nhưng cứng, thuận tiện cho sử dụng. Đẽo dùi trống là đòi hỏi bàn tay khéo léo và nghệ thuật của người thợ: đầu dùi phải được đẽo tròn to để khi đánh vào, lực dàn trải đều trên mặt trống để mặt trống không bị rách thủng. Da làm mặt trống cũng là sự cầu kỳ, bởi phải tìm da bò cái khoảng 5 năm tuổi trở lên, chọn con gầy, không mỡ, lấy da ở phần vai gáy rồi về bào mỏng mới đảm bảo độ vang vọng, thanh âm ấm áp, truyền cảm mà không chói tai. Anh Nguyễn Duy Linh chỉ tay vào miếng da bò đã thuộc, đoạn bảo: “Sự khác biệt nhất giữa những người thợ làm trống là ở kỹ thuật thuộc da”. Theo đó, quá trình chọn và thuộc da cũng là bí quyết gia truyền của cơ sở trống Duy Linh, thuộc da phải đảm bảo độ bền, độ vang, không mốc mọt, không bốc mùi khó chịu.

Giá của một chiếc trống dao động từ 2.000.000 đồng đến 2.500.000 đồng, cũng có những chiếc làm theo yêu cầu của khách, hay để bán theo tuyến hàng chợ thì giá thay đổi tùy thuộc vào đơn đặt hàng. Vào lúc cao điểm anh sử dụng đến gần 10 nhân công với mức lương 5.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng/người/tháng. Thị trường trống bây giờ cũng mở rộng nhiều đối tượng, không chỉ các trường học, các nhà thờ mà còn có nhà hát dân ca, đoàn ca múa nhạc dân tộc hay tổ chức Đoàn, Đội ở các địa phương cũng tìm đặt. Cũng chính vì vậy mà trên thị trường đã xuất hiện sự trà trộn hàng kém chất lượng, hàng được làm qua loa, chỉ đẹp về vẻ ngoài nhưng sử dụng vài tháng là bốc mùi khó chịu, các vết nứt lộ rõ làm cho âm thanh không được vẹn nguyên.

Với anh Nguyễn Duy Linh, nghề làm trống không chỉ thuần kỹ thuật, mà còn là cả tâm huyết và đam mê. Nhiều kỷ niệm gắn với nghề mà anh không thể quên, như những lần giao trống cho các phường bát âm toàn các cụ cao niên, khó khăn về tài chính, anh gửi biếu chiếc trống mà không nhận tiền. Anh quan niệm, đó là cái đạo làm nghề, là cái nghĩa với người còn, người mất. Bên cạnh sản xuất trống mới, anh Linh còn nhận sửa chữa trống hư hỏng, tùy vào hiện trạng mà anh đều có cách xử lý bền đẹp. Cùng với đó là sự phát triển của khoa học, anh áp dụng nhiều máy móc vào việc sản xuất nên việc làm trống cũng bớt đi phần nào vất vả. Trống của anh Linh bây giờ đã có mặt ở tận các huyện lị xa xôi hay các tỉnh thành như Thanh Hóa, Hà Tĩnh… vào tận các tỉnh miền Nam, đáp ứng được yêu cầu khắt khe của những thị trường khó tính. Anh phấn khởi bảo: “Tôi vững niềm tin vào nghề làm trống này, bởi là người Việt, tiếng trống trở thành điều không thể thiếu trong các dịp sinh hoạt, lễ nghi. Mong ước lớn nhất của tôi là thanh âm từ tiếng trống không bao giờ mất đi, như một biểu tượng văn hóa nối quá khứ và hiện tại”.

Hoàng Vũ

(57 - Phùng Phúc Kiều - TP. Vinh)