Thêm động lực để phát triển toàn diện

05/12/2014 09:52

(Baonghean) - Phường Hồng Sơn (TP. Vinh) vốn lưu giữ truyền thống lịch sử - văn hóa dân tộc lâu đời. Trên địa bàn phường có di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia Đền Hồng Sơn (còn gọi là Đền Ông); Văn miếu Vinh (còn gọi là Văn Thánh Vinh) đã được phê duyệt dự án phục dựng, được coi là một biểu tượng đất học Nghệ An. Nay, phường lại có thêm di tích Lăng mộ Tổ Triệu cơ và Nhà thờ họ Nguyễn Viết vừa được công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh theo Quyết định số 4341/QĐ-UBND, ngày 6/9/2014 của UBND tỉnh Nghệ An. Đây được coi là một trong những điều kiện tạo động lực phát triển phường ngày càng văn minh, tiến bộ.

Dày dặn dẫn sử di tích mới

Di tích Lăng mộ Tổ Triệu cơ và Nhà thờ họ Nguyễn Viết gồm khu lăng mộ của hai vị thành hoàng làng là Nguyễn Viết Nhung, Nguyễn Viết Phú (hiện tọa lạc ở khối 15, phường Cửa Nam) và nhà thờ họ Nguyễn Viết (ở khối 6, phường Hồng Sơn). Theo Phả họ Nguyễn Viết và các bia đá, sắc phong, tài liệu còn lưu giữ cho thấy, Nguyễn Viết Nhung, sinh năm Mậu Dần (1578), ở Trang Gia Miêu, huyện Tống Sơn, nay là xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa.

Nguyễn Viết Nhung tự Đắc Lộc, hậu duệ đời thứ 23 của khởi tổ Nguyễn Bặc – một công thần danh tướng đã có công giúp Đinh Bộ Lĩnh (Đinh Tiên Hoàng) dẹp loạn 12 sứ quân. Nguyễn Viết Nhung là cháu nội Phượng Quận công Nguyễn Địch Sầm. Nguyễn Địch Sầm là cháu nội của Thái Bảo Hoàng Quốc công Nguyễn Công Duẩn - công thần danh tướng thời Lê sơ. Năm 1593, khi cuộc chiến phân tranh Trịnh - Mạc đến hồi kết thúc, Nguyễn Viết Nhung ở tuổi trưởng thành đã không theo con đường quan lộ của cha ông, mà chọn con đường lập nghiệp ở vùng đất mới, và vùng đất Thành phố Vinh nay là nơi được ông chọn dừng chân để chiêu dân, lập ấp, khai phá đất đai gắn với địa danh Mai Am (sau này là Mai Lộc, thuộc phường Đông Vĩnh) còn lưu lại đền Voi Mẹp (voi phục) để thờ ông.

Khi cuộc sống ở đất Mai Am đi vào ổn định, Nguyễn Viết Nhung tiếp tục chiêu mộ, tập hợp dân lưu táng, khai phá, cải tạo, mở rộng đất trồng lúa, hoa màu ở xứ Mã Hàn; chú trọng mở mang đường sá để thuận tiện cho việc đi lại, giao lưu với các vùng dân cư lân cận, tạo nên sự liên kết cao trong cộng đồng làng xã. Vùng đất này ngày càng được nhiều người biết đến, các dòng họ ở nhiều nơi cũng đến đây làm ăn, sinh sống, xóm làng trở nên đông vui, trù phú, Nguyễn Viết Nhung đặt tên vùng đất mới này là Yên Trường – để luôn ghi nhớ về Yên Trường, trung tâm kháng chiến chống quân Mạc của vua Lê, Chúa Trịnh ở Thanh Hóa quê hương ông. Năm Đinh Dậu (1657) do tuổi cao, sức yếu, Nguyễn Viết Nhung đã qua đời, hưởng thọ 80 tuổi, khi đó mộ ông được an táng tại Dăm Ao Vàng (nay thuộc phường Hưng Bình, Thành phố Vinh).

Nhà thờ họ Nguyễn Viết - Di tích lịch sử cấp tỉnh.
Nhà thờ họ Nguyễn Viết - Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Nguyễn Viết Phú là 1 trong 5 người con của Nguyễn Viết Nhung và vợ là Đậu Thị Chức. Nguyễn Viết Phú sinh năm 1603 (thời Lê Kính Tông), niên hiệu Hoàng Đức. Năm 20 tuổi, Nguyễn Viết Phú đã thi đỗ Hương cống, đến năm Đinh Sửu (1637) đời vua Lê Thần Tông, ông dự kỳ thi Hội và trúng Tam trường (tương đương với Phó bảng thời Nguyễn). Sau đó ông được triều đình bổ nhiệm làm quan ở Kinh Bắc, giữ chức Hình phó hiến sát sứ, rồi Hiệp sát phó sứ được phong tước Nam (Quế Lĩnh Nam). Trong sự nghiệp quan trường của ông, ở chức vụ nào ông cũng hết lòng vì việc công, không tư lợi, không gây phiền hà, sách nhiễu, được nhân dân yêu mến, thuộc cấp nể phục. Năm Thuận Đức thứ 38 (1675), dưới thời vua Lê Gia Tông, Nguyễn Viết Phú hưu quan ở tuổi 70, về quê tiếp tục sự nghiệp khai khẩn, củng cố đất đai, xây dựng quê hương ngày càng hưng thịnh; một mặt chăm lo giáo dục, dạy chữ thánh hiền cho con em bản xứ đến khi ông qua đời, hưởng thọ 85 tuổi. Khi đó mộ của ông được an táng ở xứ Mã Hàn.

Thời bấy giờ, nhân dân thường nói, hai ông Nguyễn Viết Nhung và Nguyễn Viết Phú đã lập nên 5 làng (Trung Mỹ, Đông An, Yên Vinh, Yên Thịnh, Nam Khang), 2 xã Yên Trường, Vĩnh Yên (nay thuộc các phường Đông Vĩnh, Hưng Đông, Lê Lợi, Đội Cung, Quán Bàu, Hưng Bình, Hưng Phúc, Quang Trung, Lê Mao, Hồng Sơn, Vinh Tân, Trường Thi, Trung Đô, Thành phố Vinh). Để ghi nhớ công ơn, sau khi hai ông qua đời, nhân dân đã lập đền, miếu để thờ, gồm đền Thịnh Tiến (phường Trường Thi); đền Trường Tạ (còn gọi là đến Tiên Cảnh, phường Hưng Bình); đền Voi Mẹp (xã Hưng Đông); đình làng Trung Mỹ (phường Vinh Tân). Các đời vua triều Nguyễn cũng đã có nhiều sắc phong thần, thành hoàng cho hai ông. Trong bia ký ở đình làng Trung Mỹ do nhị giáp Tiến sỹ - Hồng Lô, tự khanh Nguyễn Đức Lý bái bút năm Kỷ Tỵ, niên Bảo Đại thứ 4 (1929) có đoạn: “... Hai vị thành hoàng ấp ta đã có công khai hóa mở mang thôn, xã. Cho đến ngày nay, người học trò đang được tiếp tục hưởng lộc xưa, người làm ruộng đang thừa kế cơ nghiệp cũ. Ân đức đang còn dành cho chúng ta đó, không thể mai một được”.

Quá trình xây dựng và phát triển đô thị Vinh, mộ của ông Nguyễn Viết Nhung táng ở Ao Vàng và mộ ông Nguyễn Viết Phú táng ở Mã Hàn được dời về làng Vang, trở thành khu lăng mộ tổ Triệu Cơ, ở khối 15, phường Cửa Nam bây giờ và hương án của hai ông cũng được chuyển về thờ hợp tự tại Nhà thờ họ Nguyễn Viết ở khối 6, phường Hồng Sơn như bây giờ. Con cháu của hai ông, đời nối đời phát triển thành 9 tiểu tôn cùng tiếp nối truyền thống ông cha có nhiều đóng góp trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần xây dựng Thành phố Vinh nói chung và phường Hồng Sơn ngày càng văn minh, tiến bộ.

Thêm động lực phát triển

Trong niềm vinh dự được đón bằng công nhận Di tích lịch sử Lăng mộ Tổ Triệu cơ và nhà thờ họ Nguyễn Viết, cán bộ, nhân dân phường Hồng Sơn càng ý thức thêm nhiệm vụ xây dựng phường phát triển về mọi mặt trên cơ sở là trung tâm dịch vụ - thương mại sôi động và sầm uất trong bản đồ kinh tế của TP. Vinh. Đồng chí Nguyễn Thị Hoa – Bí thư Đảng ủy phường Hồng Sơn chia sẻ: Xác định văn hóa là động lực và thúc đẩy kinh tế phát triển, làm “hài hòa hóa” các mối quan hệ xã hội và “lành mạnh hóa” môi trường xã hội. Trong nhiều năm qua, Đảng ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị phường Hồng Sơn đã chú trọng xây dựng con người Hồng Sơn có lối sống văn hóa, văn minh, có ý thức tham gia bảo tồn, tôn tạo các di tích; đồng thời, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Đến thời điểm này, trên địa bàn phường Hồng Sơn đã có 2 di tích được xếp hạng, Đền Hồng Sơn là Di tích lịch sử - văn hoá cấp Quốc gia, Khu di tích Lăng mộ Tổ Triệu Cơ và Nhà thờ họ Nguyễn Viết là di tích lịch sử cấp tỉnh; như thế cùng với phối hợp và quản lý tốt các hoạt động văn hóa truyền thống tại đền Hồng Sơn, phường nay càng có thêm điều kiện để thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc và Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Thời gian qua, các hoạt động văn hóa, văn nghệ được đẩy mạnh trong các khu dân cư, luôn giữ tốp đầu tại các hội thi, hội diễn văn nghệ của thành phố…

Trong tập trung phát triển kinh tế, phường lấy kinh tế dịch vụ - thương mại là mũi chủ lực với sự đa dạng, phong phú về hàng hoá, dịch vụ. Toàn phường hiện có khoảng 80% hộ tham gia hoạt động dich vụ - thương mại theo mô hình kinh tế tư nhân, hộ gia đình và cá thể, với gần 1.000 hộ tham gia (không kể 2.445 hộ kinh doanh trong đình chợ Vinh); thực hiện nghĩa vụ thuế đầy đủ để Nhà nước đầu tư trở lại cho phát triển. Hàng năm, thu ngân sách trên địa bàn phường luôn đứng đầu thành phố, riêng năm 2014, ước thu thuế ước đạt 8,7 tỷ đồng, thu ngân sách ước đạt gần 6,3 tỷ đồng, đạt 142% kế hoạch thành phố giao. Kinh tế tư nhân, hộ gia đình phát triển, tăng tỷ lệ hộ khá, giàu năm sau cao hơn năm trước, góp phần giải quyết việc làm, tỷ lệ hộ nghèo còn 0,25% (cả phường còn 4 hộ).

Công tác quản lý trật tự đô thị - vệ sinh môi trường, chỉnh trang đô thị, xây dựng ngõ phố văn minh, xây dựng nếp sống văn minh theo Chỉ thị 05 và Nghị quyết 06 của Ban Thường vụ Thành ủy Vinh được quan tâm đẩy mạnh, tạo chuyển biến tích cực trong đời sống văn hoá. Sự nghiệp giáo dục – đào tạo được quan tâm và có bước phát triển mới. Ở cả 3 bậc học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đều được đầu tư cơ sở vật chất ngày càng khang trang; chất lượng dạy và học ngày một nâng lên, có học sinh giỏi quốc gia, giỏi tỉnh, giỏi thành phố. Trường mầm non và THCS đạt danh hiệu tiên tiến cấp thành phố; Trường tiểu học đạt danh hiệu tiến tiến cấp tỉnh. Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân được duy trì, chất lượng khám, điều trị được nâng lên, thực hiện tốt 10 tiêu chí chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2011 – 2020. An ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn ổn định. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường, không ngừng đổi mới, chính quyền và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội nhiều năm qua đều xếp loại xuất sắc ở tốp đầu của thành phố; Đảng bộ phường 14 năm liền giữ vững danh hiệu Đảng bộ trong sạch vững mạnh.

Để tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử - văn hóa, đồng thời phát huy thành tựu về kinh tế - xã hội đã đạt được, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân phường Hồng Sơn quyết tâm nỗ lực hơn nữa để xây dựng phường phát triển nhanh, mạnh hơn. Trong đó, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Đồng thời, tiếp tục chăm lo phát triển văn hóa làm nền tảng, là động lực để phát triển toàn diện góp phần hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu mà đại hội Đảng các cấp đề ra.

Minh Chi