Khai thác điều kiện đất đai tạo hướng đi hiệu quả

16/01/2015 14:29

(Baonghean) - Để thực hiện thành công xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương đã có hướng phát triển kinh tế với những cách làm hiệu quả, đem lại giá trị cao trên đơn vị diện tích, nhất là trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật nâng cao năng suất, từ đó, thu nhập của các gia đình ngày một tăng…

Vườn cam của gia đình chị Lê Thị Yên, xóm Lê Lai,  xã Nghĩa Hiếu (Nghĩa Đàn). Ảnh: Đinh Thùy
Vườn cam của gia đình chị Lê Thị Yên, xóm Lê Lai, xã Nghĩa Hiếu (Nghĩa Đàn). Ảnh: Đinh Thùy

ỔN ĐỊNH TIÊU CHÍ KINH TẾ

Tháng 8 vừa qua Đảng bộ và nhân dân xã Hưng Tân (Hưng Nguyên) vui mừng đón bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới và Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ trao tặng. Hưng Tân là xã về đích sớm thứ 2 của Nghệ An. Theo ông Nguyễn Xuân Lai - Bí thư Đảng ủy xã, cái khó nhất của Hưng Tân là tiêu chí kinh tế. Đến nay, thu nhập bình quân của xã đạt 25 triệu đồng/ người/năm, hộ nghèo chỉ còn 4%. Phấn đấu để đạt 19 tiêu chí đã khó, còn giữ được nó càng khó hơn, nhất là tiêu chí kinh tế.

Hưng Tân là xã thuần nông thu nhập chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp, trong đó cây lúa chiếm tỷ trọng cao. Đảng bộ và nhân dân đã có kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng., chuyển đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây rau màu có giá trị kinh tế cao. Năm 2010, Đảng ủy chỉ đạo trồng thử nghiệm 5 ha bí xanh. Đây là quyết định khó khăn, vì đối với Hưng Tân là xã lâu nay chỉ quen trồng lúa chưa ai biết trồng bí xanh giống mới. Với quyết tâm tìm hướng đi mới, Đảng ủy và UBND xã đã phân công các đồng chí cán bộ chủ chốt xuống cơ sở để cùng làm với bà con. Xã hỗ trợ 50.000 đồng tiền mua giống, 100.000 đồng/sào cho công làm đất và cấp kinh phí mời chuyên gia về tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây bí xanh cho bà con. Được Liên hiệp các Hội khoa học tỉnh giúp đỡ, cử cán bộ trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc nên bà con phấn khởi chấp hành nghiêm túc quy trình. Cây không phụ công người, chỉ sau 3 tháng trồng đã cho kết quả và hiệu quả hơn hẳn trồng lúa.

Từ kết quả đó, vụ đông 2014, diện tích bí đã tăng lên trên 30 ha, có hơn 350 hộ tham gia. Trao đổi với chúng tôi, chị Hồ Thị Sen ở xóm 9 cho biết, năm nay gia đình trồng 4 sào với mức đầu tư cho 1 sào 25 kg NPK- 8:10:3 tổng hợp, 10 kg Urê, 3 - 4 tạ phân chuồng và 50.000 đồng mua giống. Trồng với mật độ 1 cây/m2 thì 1ha sẽ thu được 4 - 4,5 tấn. Qua 3 năm làm bí vụ đông, năm nào chị Sen cũng đạt năng suất cao và bán được giá vì thu hoạch được sớm, sau khi trừ chi phí gia đình thu được 5 - 6 triệu đồng/sào, gấp 3 lần so với trồng lúa. Về bí quyết thành công, chị Sen chia sẻ: “Để có được năng suất cao đầu tiên là giống phải tốt, đảm bảo sạch sâu bệnh. Muốn vậy, phải làm bầu đúng kỹ thuật, che chắn không để chim, chuột phá hoại. Về thời vụ làm càng sớm càng tốt. Trước khi thu hoạch lúa hè thu khoảng 20 - 25 ngày là tiến hành đóng bầu ra giống, gặt lúa xong là đưa bí ra đồng trồng ngay...”.

Giàu lên nhờ trồng Cam muộn

Một gốc cam bán được 10 đến 15 triệu đồng, chuyện tưởng chừng như viển vông nhưng đó là thực tế ở xóm Lê Lai, xã Nghĩa Hiếu, huyện Nghĩa Đàn. Từ những gốc cam muộn như thế mà nhiều gia đình đã có “của ăn của để”.

Chúng tôi đến thăm vườn cam của gia đình chị Lê Thị Yến ở xóm Lê Lai, xã Nghĩa Hiếu vào một ngày mưa lạnh nhưng vẫn có khách đến mua cam. Theo chị Yến, đến thời điểm này gia đình có hơn 300 gốc cho quả thì đã bán gần hết, chỉ còn khoảng 50 cây cam muộn để bán từ giờ đến Tết. Thường thì khách chọn cây mua, đặt cọc tiền rồi hái dần dần. Chị Yến vừa dẫn chúng tôi đi vừa chỉ lên cây cam trĩu quả “như cây ni cũng cho khoảng gần 4 tạ, giá tại gốc 30 nghìn đồng/kg”. Như vậy, vườn cam hơn 300 gốc thì tiền tỷ là “cầm chắc”. Chị Yến phân bua: “Để có một gốc cam sai quả như thế này không đơn giản, nếu cây nào cũng như vậy thì người trồng cam trở thành tỷ phú hết. Gia đình hiện có khoảng gần 50 gốc cam sai quả nhất là để lại bán từ thời điểm này đến Tết Nguyên đán, mỗi cây bán khoảng từ 5 đến 10 triệu đồng, có cây bán được 15 triệu đồng”.

Gia đình chị Lê Thị Yến trồng hơn 1ha cam đã 10 năm nay. Nắm bắt được nhu cầu cam trên thị trường vào dịp gần Tết rất cao, trong khi ở địa phương chưa có cam muộn để cung cấp cho thị trường, gia đình chị đã đầu tư mua giống cam chín muộn Valen về trồng thay thế một số cây cam đã già cỗi kém năng suất. Nhờ học hỏi kỹ thuật và cách chăm sóc, phân bón nên vườn cam của gia đình có năng suất vượt trội hơn so với những vườn cam khác. Giá cam dịp Tết bán tại vườn từ 40 - 60 nghìn đồng/kg. Nhờ giống cam chín muộn nên mỗi năm gia đình chị Yến thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng. Ông Hồ Sỹ Ngọc - Bí thư Chi bộ xóm Lê Lai cho biết: “Trên địa bàn xóm có gần 70 ha cam, đến tháng 11 âm lịch thu hoạch hết. Đối với giống cam muộn có một số gia đình trồng. Việc trồng giống cam muộn chi phí lớn và đầu tư công sức nhiều hơn, nhưng giá bán lại đắt gấp 3 gấp 4 so với cam thường. Nhiều hộ đang có hướng chuyển đổi giống cam chính vụ sang trồng cam chín muộn…”.

Ông Nguyễn Công Hai - Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Hiếu cho biết: “Từ mô hình trồng cam muộn cho thu nhập cao, xã đang nghiên cứu có thể mở rộng diện tích. Theo đó, bên cạnh đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, đồng thời tăng cường nghiên cứu thị trường, liên kết với các doanh nghiệp để tạo đầu ra ổn định, đảm bảo phát triển bền vững...”.

Bùi Tân - Đinh Thùy