Sôi động làng nghề bánh kẹo
(Baonghean) - Thời điểm này các làng nghề sản xuất bánh kẹo ở huyện Diễn Châu đang tập trung sản xuất để chuẩn bị nguồn hàng cho dịp Tết. Đây là thời điểm nhộn nhịp nhất của làng nghề trong năm…
Về Diễn Vạn (Diễn Châu), ghé thăm các làng nghề sản xuất bánh kẹo, vừa đến đầu làng, mùi thơm ngọt của những mẻ kẹo lạc chín tới lan toả khắp nơi. Trong mưa bụi lây rây của những ngày đầu đông quyện vào hương thơm ấm nồng của kẹo cu đơ làng Đồng Hà và Xuân Bắc như làm tan đi giá lạnh. Nghề làm kẹo lạc ở Diễn Vạn có từ xa xưa, thế hệ này truyền cho thế hệ khác. Sản phẩm của làng nghề được tiêu thụ ở nhiều địa phương trong tỉnh, lên các huyện miền Tây xứ Nghệ, được người tiêu dùng đón nhận. Mấy năm gần đây, nghề sản xuất bánh kẹo truyền thống nơi đây được công nhận làng nghề cấp tỉnh, vì thế, thương hiệu bánh kẹo của làng nghề được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn. Theo đó, người làm nghề thêm chăm lo trau chuốt, nâng cao chất lượng sản phẩm để giữ uy tín với khách hàng.
Sản xuất kẹo cu đơ tại Làng nghề Đồng Hà, xã Diễn Vạn (Diễn Châu). |
Đến làng nghề Xuân Bắc, chúng tôi được cán bộ xã giới thiệu đến anh Nguyễn Thế Lực - một trong những hộ sản xuất bánh kẹo có quy mô lớn nhất của làng. Gia đình anh có truyền thống làm nghề kẹo lạc hơn 40 năm. Từ thuở lên 8 - 9 tuổi, anh Lực đã biết làm nghề, cứ buổi sáng đi học, chiều tham gia làm kẹo lạc với cha mẹ, niềm đam mê cứ lớn dần lên theo năm tháng. Và nay, anh đã là ông chủ lò kẹo với cơ ngơi khá giả, tất cả nhờ nghề làm kẹo mà nên. Anh Lực vừa sản xuất, vừa làm đại lý cung ứng mạch nha và các loại vật tư phục vụ làm nghề cho bà con làng nghề. Bên chén trà nóng ấm và mẻ kẹo vừa ra lò mời khách, anh Lực chia sẻ với chúng tôi về chuyện nghề.
Nếu như trước đây, anh cũng như nhiều hộ làm nghề chạy theo thị trường, thì về sau, càng ngày càng chú trọng đến chất lượng, nhất là từ khi làng được công nhận danh hiệu làng nghề. Muốn làm được kẹo ngon, phải tuyển chọn nguyên liệu đầu vào kỹ lưỡng, mua mật mía Nghĩa Đàn, lạc được trồng trên đất Diễn Châu, vì độ béo, vị thơm ngon hơn các vùng khác. Và lạc làm kẹo phải bóc bằng tay đảm bảo khô khén, tuyệt đối không mua lạc xay máy vì thường thấm nước trước khi cho vào xay. Để đảm bảo nguyên liệu sản xuất quanh năm, cứ mỗi mùa lạc anh Lực đều ra Diễn Hùng, Diễn Mỹ đặt tiền trước để mua lạc. Còn mạch nha tạo kết dính kẹo thì đặt mua từ làng nghề sản xuất nha ở Hà Tây. Kinh nghiệm làm nghề lâu năm của anh cho thấy, nấu kẹo phải giữ nhiệt phù hợp, pha chế tỷ lệ nha và mật hợp lý để có sản phẩm ngon.
Tại cơ sở sản xuất kẹo của gia đình anh luôn có 7 công nhân làm thường xuyên, mỗi ngày tiêu thụ hơn 1 tạ lạc nhân, trong nhà luôn dự trữ 5 - 10 tấn lạc và 5 - 10 tấn nha, hàng chục vạn chiếc bánh đa. Bình quân mỗi ngày sản xuất tiêu thụ được 10 triệu đồng tiền kẹo, với mức lãi thấp nhất 1 triệu đồng/ngày. Đối với địa bàn nông thôn mức thu nhập đó là điều đáng tự hào. Từ làm nghề, gia đình anh có điều kiện nuôi 4 người con ăn học đại học ở Hà Nội, mua được xe hơi riêng và mua cả ô tô chuyên chở hàng đưa đi nhập cho các đại lý đầu mối ở Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành. Còn lại chủ yếu khách đến lấy sỉ tại nhà. Anh Lực cho biết, thời điểm này cho đến Tết, cơ sở của gia đình anh sản xuất tăng gấp 3 lần so với bình thường, bởi dịp này cũng là mùa lạnh nhu cầu tiêu thụ kẹo cu đơ tăng mạnh, đồng thời sản xuất dự trữ phục vụ noel và Tết dương lịch. Từ nay đến Tết Nguyên đán, cơ sở của anh sử dụng từ 2 - 3 tạ lạc/ngày vẫn không kịp đáp ứng nhu cầu thị trường.
Chia tay gia đình anh Lực, chúng tôi sang Làng nghề bánh kẹo Đồng Hà. Rẽ vào ngay đầu con ngõ nhỏ là nhà anh Nguyễn Văn Khuyến, chị Phạm Thị Chắt, hai vợ chồng chị cùng 4 - 5 lao động đang miệt mài làm kẹo. Chị Chắt thoăn thoắt, luôn tay đảo chảo kẹo cho đều, còn các lao động khác thì tản lạc nóng trên từng bánh đa nhỏ để thành chiếc bánh cu đơ thơm giòn, anh Khuyến thì đóng gói sản phẩm. Tất cả đều làm thủ công nhưng theo một “dây chuyền” sản xuất bài bản. Chúng tôi bị cuốn hút bởi sự hấp dẫn của những chiếc bánh cu đơ nóng thơm, còn chị Chắt vừa làm vừa vui vẻ trò chuyện với khách về nghề làm kẹo cu đơ truyền thống của gia đình mình. Ngày nắng hay mưa, bốn mùa trong năm, nhà chị đều làm kẹo, mùa này thì sản xuất luôn tay, suốt ngày, nhiều hôm không kịp ăn cơm trưa vì cố gắng làm để đảm bảo số lượng hàng cho khách đặt lấy. Mỗi thành viên trong gia đình đều biết làm nghề, 4 đứa con đang học phổ thông, những lúc rảnh cũng phụ giúp cha mẹ làm kẹo. Ngoài ra, chị còn thuê thêm 4 - 5 công nhân, bởi mùa này kẹo cu đơ bán chạy, sản xuất tăng gấp 2 - 3 lần so với bình thường. Trung bình mỗi ngày, gia đình chị bán được 2 - 3 triệu đồng tiền kẹo, vì thế, chị duy trì được nghề truyền thống và sống nhờ nghề…
Đến làng nghề vào dịp cuối năm, nhà nào cũng hối hả sản xuất, cho thấy sự sội động của nghề bánh kẹo Xuân Bắc. Hiện làng nghề có 105 hộ làm nghề với 290 lao động, tổng doanh thu từ làm nghề hơn 20 tỷ đồng/năm. Làng nghề bánh kẹo Đồng Hà gồm 140 hộ làm nghề với 320 lao động, tổng doanh thu từ làm nghề hơn 22 tỷ đồng. Trung bình mỗi ngày cả 2 làng nghề xuất bán ra thị trường 4 - 5 tấn kẹo. Đầu ra khá thuận lợi, cung ứng cho thị trường Nghệ An, Hà Tĩnh và các tỉnh phía Bắc, một số bán sang cả nước bạn Lào, Trung Quốc. Ông Trần Minh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Diễn Vạn phấn khởi cho biết: Dịp cuối năm, các làng nghề đầu tư thêm phương tiện sản xuất, thuê thêm lao động và tăng các nguồn nguyên liệu dự trữ để sản xuất được nhiều hàng, tạo không khí lao động sản xuất sôi nổi khắp làng trên, xóm dưới, tăng nguồn thu nhập cho bà con, giải quyết nhiều việc làm cho lao động trong xã. Người dân không phải tha phương kiếm việc làm, an ninh, trật tự xã hội ổn định, mỗi người đều phấn khởi. Chính quyền địa phương đang dự kiến quy hoạch khu đất để hướng bà con sản xuất tập trung.
Dự kiến đó có thể vài năm tới mới thực hiện được, nhưng trước mắt, xã Diễn Vạn khuyến khích mọi nhà duy trì, phát huy nghề truyền thống để sống được bằng nghề. Chia tay các làng nghề sản xuất bánh kẹo vào lúc trời chạng vạng tối, mùi thơm ngọt ngào của những chiếc bánh cu đơ như còn vương vấn mãi suốt chặng đường về khiến chúng tôi quên đi cái lạnh buốt trong màn mưa đang dần nặng hạt...
Quỳnh Lan