Động lực mới từ dồn điền, đổi thửa

29/12/2014 11:02

(Baonghean) - Nhờ tăng cường công tác chỉ đạo, hỗ trợ các xã xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, nên phong trào dồn điền, đổi thửa ở Đô Lương có sự chuyển biến tích cực, tạo động lực quan trọng cho thực hiện chương trình nông thôn mới. Tổng diện tích đất nông nghiệp thực hiện dồn điền, đổi thửa của huyện Đô Lương là 8343,8 ha, trước khi dồn điền có 235.272 thửa (trung bình 5,9 thửa/hộ), sau dồn điền, đổi thửa theo Chỉ thị số 08-CT/TU còn lại 76.877 thửa (trung bình 1,93 thửa/hộ).

Thành công từ những mô hình điểm

Đến các xóm Phú Thọ, Điện Biên, sang xóm Diên Hồng, Diên Tiên… hay đến đâu ở xã Lưu Sơn (Đô Lương), đều thấy người dân rất phấn khởi kể về vụ đông 2014. Anh Đào Văn Hải ở xóm Điện Biên cho hay: “Thực hiện chủ trương dồn điền, đổi thửa do xã phát động, gia đình đã chấp hành nghiêm túc và hiện đã nhận 4 sào đất nông nghiệp. Đây là vùng đất rất phù hợp với sản xuất vụ đông, nên gia đình chú trọng đầu tư vào vụ này với cách làm mới là trồng sớm để thu hoạch trước, dễ bán và được giá cao. Trên 4 sào đất ấy gia đình phân vùng trồng 4 loại cây là dưa chuột, đậu leo, bí xanh, bầu (lấy ngọn và quả). Do có sản phẩm bán từ đầu vụ thu hoạch, nên dưa chuột, bí xanh bán tại ruộng được giá 5 nghìn đồng/kg, đậu leo 11 nghìn đồng/kg… Sau 3 tháng làm vụ đông thu nhập hơn 20 triệu đồng, và nếu so với trồng lúa, thì làm rau màu có thu nhập cao hơn rất nhiều”.

Người dân xã Đà Sơn (Đođầu tư làm giao thông, thủy lợi nội đồng  sau dồn điền đổi thửa.
Người dân xã Đà Sơn (Đođầu tư làm giao thông, thủy lợi nội đồng sau dồn điền đổi thửa.

Ông Trần Thanh Trung – Chủ tịch Hội Nông dân xã Lưu Sơn cho biết: “Góp phần quan trọng tạo nên thành công của vụ đông, điều đầu tiên là công tác dồn điền, đổi thửa. Trước đây, ruộng manh mún, bà con trồng rau màu nhận nhiều thửa đất cách xa nhau nên gặp khó khăn chăm sóc, thu hoạch, nhưng trong vụ đông 2014 này, các hộ được nhận đất liền khoảnh và rất yên tâm đầu tư thâm canh. Đặc biệt là sau khi dồn điền, đổi thửa, Lưu Sơn đã tạo ra được những vùng chuyên canh tập trung, như tại xóm Điện Biên đã xây dựng được vùng rau màu tập trung rộng 28,2 ha…”

Xã Lưu Sơn được huyện chọn làm điểm trong công tác dồn điền, đổi thửa, bởi đây là vùng đất bằng, 3 phía giáp với sông Lam và người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp. Để thực hiện tốt chủ trương dồn điền, đổi thửa, xã thành lập Ban chỉ đạo và xây dựng phương án thực hiện, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và người dân hưởng ứng thông qua hội nghị giao ban hàng tháng, tại các buổi sinh hoạt chi bộ, lồng ghép vào các cuộc họp dân, tiếp xúc cử tri trước kỳ họp hội đồng, qua hệ thống loa truyền thanh xã, xóm. Qua đó, đã thu hút được sự tham gia đông đảo của cán bộ, đảng viên và người dân vào việc hoàn thiện đề án chuyển đổi. Chủ tịch UBND xã Lưu Sơn, ông Đào Văn Tài cho hay: “Phương án dồn điền, đổi thửa được người dân thống nhất là dồn đổi theo xóm, theo vùng và bảo đảm sản xuất vụ đông xuân 2013 - 2014. Cả 7/7 xóm đều tổ chức bốc thăm theo từng hộ, từng nhóm hộ, sau đó tiến hành giao đất để người dân kịp sản xuất vụ đông trên thửa ruộng của mình”.

Số thửa trước khi dồn điền của xã là 3.225 thửa, sau dồn điền còn lại 2.580 thửa (giảm 645 thửa) và bình quân mỗi hộ nhận 2 thửa đất. Nhờ thực hiện tốt công tác dồn điền, đổi thửa, xã Lưu Sơn đã lồng ghép để hoàn thành mục tiêu làm đường giao thông thủy lợi (GTTL) nội đồng gắn với đề án xây dựng nông thôn mới (diện tích thu hồi làm GTTL nội đồng là 8,63 ha và khối lượng đào đắp 72.860m3). Sau dồn điền, đổi thửa, Lưu Sơn xây dựng được vùng chuyên canh rau màu vụ đông có giá trị cao, tạo ra những xứ đồng trồng đậu leo, dưa chuột, mướp đắng, bầu, bí có thu nhập từ 60 - 90 triệu đồng/ha.

Với sự tích cực vào cuộc của cấp, ngành liên quan và của người dân, tại 3 mô hình thí điểm ở các xã: Lưu Sơn, Trung Sơn và Thuận Sơn đã thực hiện tốt việc dồn điền, đổi thửa. Tại xã Trung Sơn, diện tích đất nông nghiệp thực hiện dồn điền, đổi thửa là 202 ha và có 1.101 hộ được giao đất. Số thửa trước khi dồn điền là 5.493 thửa và sau dồn điền còn lại 1.872 thửa (giảm 3.697 thửa). Qua việc dồn đổi đất, người dân đã tự nguyện hiến đất để làm giao thông nội đồng. Hay tại xã Thuận Sơn, diện tích đất nông nghiệp thực hiện dồn điền, đổi thửa là 167,17 ha và có 1.233 hộ được giao đất. Số thửa trước khi dồn điền là 6.781 thửa, sau dồn điền còn lại 1.664 thửa, giảm 5.117 thửa. Từ đó, người dân thuận lợi hơn rất nhiều trong việc đầu tư thâm canh, đưa cơ giới vào sản xuất...

Nhân ra diện rộng

Từ thành công của 3 mô hình dồn điền, đổi thửa của các xã Lưu Sơn, Trung Sơn và Thuận Sơn, huyện Đô Lương đã tổ chức hội nghị bổ cứu trong công tác dồn điền, đổi thửa để triển khai, nhân rộng mô hình. Theo đó, huyện giao cho 29 xã còn lại phải xây dựng đề án dồn điền, đổi thửa đất nông nghiệp trình UBND huyện thẩm định và phê duyệt trong tháng 5/2014, để các xã bình hệ số, bình sản lượng, đổi đất và tiến hành giao cho tiểu ban các xóm thực hiện trong tháng 7/2014, tiến hành xây dựng phương án chia ruộng, tổ chức bốc thăm, giao đất trên sơ đồ cho người dân trong tháng 8. Sau vụ hè thu, tiến hành làm giao thông, thủy lợi nội đồng và giao đất tại thực địa cho nhân dân...

Cùng với xây dựng phương án dồn điền, đổi thửa cụ thể, phù hợp với từng vùng, Đô Lương còn ban hành chính sách khen thưởng 50 triệu đồng cho các xã hoàn thành đúng kế hoạch, đồng thời sẽ kỷ luật bí thư đảng ủy và chủ tịch UBND xã không hoàn thành công việc dồn điền, đổi thửa. Ông Hoàng Quốc Việt – Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương cho biết: “Một trong những việc làm thiết thực đẩy nhanh tiến độ dồn điền, đổi thửa ở Đô Lương, đó là Ban Chỉ đạo huyện và các cụm trưởng, điểm trưởng thường xuyên bám cơ sở để kiểm tra, đôn đốc kịp thời các xã thực hiện dồn đổi ruộng, nhất là chỉ đạo tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc ngay tại cơ sở”. Chẳng hạn, tại xã Giang Sơn Tây, được xem là địa bàn gặp rất nhiều khó khăn khi chuyển đổi ruộng đất, vì đất ruộng nơi đây rất manh mún, nhỏ lẻ và một số người dân chưa mặn mà với phòng trào này. Trước tình hình đó, huyện đã tổ chức cho xã đi học tập, tham quan mô hình điểm và cử cán bộ trực tiếp xuống với xã, xóm triển khai công tác tuyên truyền, vận động, tiến hành các bước khảo sát, lập quy hoạch, đóng mốc theo quy hoạch, bốc thăm… Với cách làm đó, xã Giang Sơn Tây trở thành đơn vị hoàn thành tốt công tác dồn điền, đổi thửa.

Xác định chuyển đổi ruộng đất là công việc khó khăn, phức tạp, nên trong quá trình thực hiện, huyện Đô Lương tuân thủ theo đúng quy trình, minh bạch và khách quan. Đặc biệt, các tiểu ban ở xóm đã thể hiện tốt vai trò trong việc thực hiện dồn đổi đất. Công tác dồn điền, đổi thửa trên diện rộng được các cấp, ngành hỗ trợ kịp thời và nhất là đông đảo người dân đồng thuận, ủng hộ, nên hiện nay việc giao đất tại thực địa cho nhân dân được hoàn thành với tiến độ nhanh. Ông Hoàng Quốc Việt - Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương trao đổi: “Theo hướng dẫn của Sở Tài nguyên & Môi trường tại Văn bản 2387/STNMT lấy đơn vị xóm làm đơn vị chuyển đổi, nhưng sau khi thực hiện tại 3 đơn vị Trung Sơn, Thuận Sơn, Lưu Sơn, năm 2013, UBND huyện đã chỉ đạo 29 xã còn lại phải lấy đơn vị xã làm đơn vị trung tâm để điều chuyển đất nông nghiệp giữa các xóm, đảm bảo thuận lợi giữa vùng dân cư và sản xuất.

Cũng trong quá trình tổ chức thực hiện, trên cơ sở đất nông nghiệp đã giao theo Nghị định 64 (năm 1994), chuyển đổi đất theo Chỉ thị số 02 (năm 2002), giao UBND xã tập hợp, rà soát các hộ tự ý lấn chiếm, tự ý cơi nới, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, để huyện xử lý kịp thời, đảm bảo sự đồng thuận trong nhân dân và nên tạo sự công bằng giữa các hộ được giao đất nông nghiệp; một số xã thực hiện tốt như: Tràng Sơn, Mỹ Sơn, Nam Sơn, Thượng Sơn. Trong quá trình thực hiện giao đất cho nhân dân cải tạo, chỉnh trang đồng ruộng, nhiều xã đã xây dựng phương án cải tạo quy tập, di dời mồ mả trong khu vực đất nông nghiệp nên đã phục vụ cho chuyển đổi ruộng đất thuận lợi.

Hiện nay, tại một số xóm còn vướng mắc trong việc xử lý tình trạng sử dụng đất không đúng mục đích, chưa hoàn thành việc giao đất trên thực địa cho người dân và huyện đang tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm để hoàn thành công tác dồn điền, đổi thửa theo đúng kế hoạch, từ đó tập trung đầu tư chuyển đổi cơ cấu, tăng năng suất trên một đơn vị diện tích”.

Tập trung quyết liệt trong dồn điền đổi thửa và điều đó sẽ là một trong những yếu tố quan trọng giúp cho các xã ở Đô Lương vươn lên đáp ứng được tiêu chí về giao thông và thủy lợi. Hiện nay, trên địa bàn huyện mới chỉ có xã Thịnh Sơn được công nhận đạt chuẩn NTM, do đó, chú trọng đầu tư việc dồn điền, đổi thửa là một động lực quan trọng để Đô Lương đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình xây dựng NTM.

Bài, ảnh: Hoàng Vĩnh