Hé lộ phạm vi, cấu trúc thành Nội khu di tích Luy Lâu

31/12/2014 15:02

Sáng nay, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tổ chức hội nghị báo cáo kết quả nghiên cứu học thuật quốc tế về di tích Luy Lâu.

Đây là chương trình thuộc dự án hợp tác nghiên cứu khảo cổ học Việt-Nhật giai đoạn 2014-2019. Tại hội nghị, các đại biểu đều khẳng định, di tích Luy Lâu là trị sở của quận Giao Chỉ thời Hán. Từ khoảng 2000 năm trước, nơi đây đã là một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của khu vực Lĩnh Nam- Bắc Việt Nam.

Kết quả nghiên cứu đã bước đầu xác định vị trí và phạm vi thành nội di tích Luy Lâu lệch về phía Đông và phía Nam (chứ không phải là lệch phía Tây gần đền Sĩ Nhiếp như trước đây), khẳng định thành cổ Luy Lâu ở vị trí xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, bên hữu ngạn dòng sông Dâu cổ.

Đoàn khai quật cũng tìm ra được lớp đắp thành từ thời Đông Hán (khoảng thế kỉ thứ 2-3 sau Công nguyên), tìm thấy dấu vết của tường thành phía Bắc và vết tích cổng thành phía Bắc thành Nội. Đây cũng là lần đầu tiên nhóm nghiên cứu tìm được những mảnh khuôn đúc trống đồng Đông Sơn với số lượng lớn và nằm trong địa tầng ổn định, chứng minh cho tính bản địa của trống Đông Sơn cũng như góp phần giúp chúng ta hình dung rõ hơn về quy trình đúc trống đồng.

Bên cạnh đó, kết quả đào được tại các hố thám sát trong năm nay xuất lộ một số lượng lớn gạch ngói cùng với các hiện vật đúc đồng, cho thấy có hoạt động sản xuất chế tạo đồ kim loại tại khu vực Luy Lâu. Gạch tìm thấy trong khu thành Nội cùng với gạch tìm thấy trong khu mộ phía đông thành có sự tương đồng về trang trí hoa văn.

Một số hoa văn trên gạch cũng mang yếu tố văn hóa Đông Sơn, ví dụ như vòng tròn đồng tâm, vòng tròn tiếp tuyến. Bà Hoàng Hiểu Phấn, Chủ nhiệm nhóm nghiên cứu cho biết: “Trong lần khai quật này, thành công lớn nhất của chúng tôi làm rõ phạm vi, cấu trúc bên trong cũng như niên đại xây dựng nội thành.

Chúng tôi làm rõ được nội thành được xây dựng từ thời Hán, sau đó các thời kì sau cũng được liên tục tu sửa. Chúng tôi cũng thấy được sự hình thành của đội quân Giao Chỉ, sự hình thành chế độ quân quyền ở khu vực này. Giá trị lớn nhất là chúng tôi thấy được sự tích hợp giữa văn hóa Hán-tức văn hóa ngoại lai với văn hóa bản địa-là văn hóa Đông Sơn.”

Trong những năm tới, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục khai quật với mong muốn làm sáng tỏ diện mạo khu di tích Luy Lâu, đánh giá được ý nghĩa trị sở của quận Giao Chỉ giai đoạn đầu Công nguyên, đồng thời sẽ tổ chức một số cuộc hội thảo quốc tế để công bố kết quả nghiên cứu tại Việt Nam và Nhật Bản./.

Theo VOV.VN