Quỳ Hợp: Người dân phấn khởi thu hoạch mía

29/01/2015 17:29

(Baonghean) - Năm nay, huyện Quỳ Hợp quy hoạch vùng trồng mía với tổng diện tích lên tới 6.348 ha. Nhờ địa phương làm tốt công tác chỉ đạo bà con nông dân đưa vào trồng các loại giống mía mới sạch bệnh, tuân thủ đúng lịch thời vụ nên năng suất ước đạt 65 tấn/ha, tăng đáng kể so với năm ngoái...

Thời điểm này, khắp các cánh đồng mía ở các xã như Văn Lợi, Hạ Sơn, Tam Hợp... tranh thủ thời tiết nắng ráo, người dân đang khẩn trương thu hoạch diện tích mía chín sớm của gia đình mình. Hai ven đường, những đống mía chất cao chờ xe tải đến vận chuyển về nhà máy tiêu thụ. Tại cánh đồng đập Hai Khe (xã Châu Đình), gia đình anh Nguyễn Hồng Hiếu ở xóm Hương Châu đang cùng nhau chặt mía. Tranh thủ lúc ngơi tay, anh vui vẻ: “Đây là vụ mía đầu tiên gia đình tôi đưa vào trồng từ việc chuyển đổi diện tích đất màu trồng sắn, lạc, ngô trước đây. Với diện tích 8,5 sào trồng giống mía QĐ 93, năm nay dự kiến sẽ cho thu hoạch khoảng 32,5 tấn. Mấy hôm trước đã chặt được 17 tấn nhập cho nhà máy đường với giá bán là 780.000 đồng/tấn. Số diện tích còn lại sẽ chặt nốt trong ngày hôm nay. Thực tế năng suất, chất lượng cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác”. Hiện tại, các hộ dân trồng mía trên cánh đồng này đã thu hoạch được 60% diện tích.

Thu hoạch mía tại cánh đồng đập Hai Khe (xã Châu Đình).
Thu hoạch mía tại cánh đồng đập Hai Khe (xã Châu Đình).

Theo ông Nguyễn Văn Sửu - Chủ tịch UBND xã Châu Đình cho biết, địa phương có lợi thế diện tích đất gò đồi nhiều nên đa phần xóm nào cũng phát triển cây mía như xóm Cúng, xóm Cáng bình quân có đến 80 ha/xóm; chỉ trừ 2 xóm Mỹ Đình và Hợp Hưng không có vì chủ yếu là đất trồng lúa. So với năm ngoái thì trong năm nay diện tích mía của xã tăng mạnh với gần 800 ha, năng suất ước đạt 65 tấn/ha.

Được biết, vụ mía năm nay huyện Quỳ Hợp trồng được 6.348 ha, trong đó tập trung nhiều ở các địa phương như Văn Lợi (1.200 ha), Hạ Sơn (1.000 ha), Châu Đình (800 ha), Tam Hợp (500 ha)... Đến thời điểm này người dân đã thu hoạch được khoảng 32% diện tích, năng suất bình quân đạt 65 tấn/ha, dự kiến sẽ cho sản lượng mía 412.620 tấn. Hiện mỗi tấn mía được nhà máy thu mua với giá 780.000 đồng. Để khuyến khích người dân phát triển cây mía, đầu vụ sản xuất đối với các hộ gia đình có diện tích mía bị bệnh chồi cỏ gây hại thì tỉnh, huyện và Công ty liên doanh mía đường Nghệ An TATE&LYLE cũng có cơ chế, chính sách hỗ trợ để tái trồng lại bằng các giống mới sạch bệnh, có năng suất, chất lượng cao như QĐ 93, Rốc 10... Thực tế cho thấy các giống này có ưu điểm chín sớm, đẻ nhánh khỏe, tái sinh gốc rất tốt và trữ lượng đường cao. Phòng Nông nghiệp huyện chỉ đạo các địa phương hướng dẫn bà con nông dân nên tiêu hủy triệt để những diện tích mía bị bệnh chồi cỏ nặng, thu hoạch xong cày rủ gốc, chôn không cho mọc mầm, gom đốt tàn dư trên ruộng. Còn đối với những diện tích bị nhẹ phải đào bỏ gốc mía bệnh chôn lấp, đồng thời tổ chức trồng dặm để đảm bảo mật độ.

Bên cạnh đó, Phòng Nông nghiệp còn hướng dẫn kỹ thuật trồng đến tận từng hộ gia đình để mía đạt năng suất cao, tiến hành vệ sinh đồng ruộng để diệt trừ cỏ dại, mầm mống sâu bệnh, làm cho đất tơi xốp thông thoáng. Cày lần đầu cần sâu khoảng 30-40 cm, bừa kỹ, dọn sạch cỏ rác. Bón vôi trước khi bừa lần cuối. Khâu thứ hai là chọn hom giống nên chọn hom không sâu bệnh, không xây xát và không quá già, hom mía phải có từ 2-3 mầm tốt. Khi đặt hom cách nhau từ 10-20 cm, thành một hàng giữa rãnh mía. Sau khi trồng 1-1,5 tháng nếu phát hiện có chết hom thì tiến hành trồng dặm để đảm bảo mật độ và làm sạch cỏ ở giai đoạn cây con để cỏ không cạnh tranh dinh dưỡng, ánh sáng với mía. Thực hiện kết hợp với 2 lần bón phân để vô chân cho mía. Đối với diện tích mía lưu gốc thì sau khi thu hoạch xong nên gom lá già theo rãnh hoặc mang đốt, rồi cày dọc theo hàng mía, làm đứt rễ già. Tiếp đó bón phân theo quy trình, cuốc lấp kín gốc và khi mầm mọc đều, tiến hành dặm nơi trống để tạo sự đồng đều…

Sau khi thu hoạch xong niên vụ mía 2014-2015, thời gian tới huyện Quỳ Hợp tiếp tục chỉ đạo người dân mở rộng diện tích mía nguyên liệu và đưa vào trồng nhiều giống mới để tăng giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích.

Văn Đăng