Chiếc trâm đầu và tục búi tóc

22/01/2015 18:45

(Baonghean) - Chiếc trâm cài tóc là một vật trang trí của phụ nữ nhiều cộng đồng khác nhau. Đối với người Thái nhóm Tày Mường ở Nghệ An thì chiếc trâm đánh dấu một cuộc sống khác của người con gái, cuộc sống làm dâu, được bà mối cài lên búi tóc của cô dâu trong thời khắc cô gái bước vào buồng cưới…

Bà mối làm lễ cài trâm trong ngày cưới
Bà mối làm lễ cài trâm trong ngày cưới

Chiếc trâm và nghi lễ búi tóc

Người viết bài này đã không ít lần chứng kiến thời khắc hạnh phúc của những cặp vợ chồng trong ngày cô dâu về nhà chồng và được bà mối cài chiếc trâm lên mái tóc. Đối với người Thái nhóm Tày Mường ở Con Cuông, cô dâu thường về nhà chồng vào lúc nửa đêm trở về sáng. Điều này có liên quan đến tục rước dâu đêm của người Thái mà chúng tôi đã vài lần đề cập đến trong những bài viết trước đây. Trên bức vách, cạnh chiếc giường cưới của đôi tân lang, tân nương có dựng một cây mía, nơi cô dâu ngồi. Sau bài cúng của ông mối, bà mối cầm chiếc trâm cài đầu đứng cạnh nàng dâu làm lễ búi tóc và cài trâm. Nghi lễ này rất quan trọng. Từ nay, mỗi khi đi ra đường, người ta nhìn thấy búi tóc và chiếc trâm cài tóc sẽ nhận ra cô là người đã có chồng.

Chiếc trâm cài đầu của cô dâu người Thái ở Con Cuông thường được làm bằng gỗ mun, phía đầu nhọn có bọc một lớp bạc được chạm khắc tinh xảo. Tuy nhiên hình thức của vật trang trí này khá đa dạng. Nhìn chung, trâm cài tóc thường chỉ dài khoảng 20cm, rất nhẹ, một đầu nhọn để xuyên qua búi tóc, với nhiều kiểu dáng khác nhau. Chất liệu làm trâm thường là bạc, cũng có thể được làm từ nhôm, ngà voi, gỗ, sừng, xương thú… Dù là chất liệu nào thì chiếc trâm cài tóc luôn được người thợ chạm khắc chế tác công phu, tỉ mỷ, đến tầm nghệ thuật.

Đối với người Thái ở Quỳ Hợp, chiếc trâm cài tóc vừa là một vật chứng trong lễ “tẳng cẩu” (búi tóc ngược lên đỉnh đầu của cô dâu mới), vừa là vật giữ cho búi tóc trên đỉnh đầu không bị sổ xuống trong quá trình làm việc. Mái tóc được “tẳng cẩu” luôn có trâm cài giữ trên đỉnh đầu còn mang ý nghĩa “thông tin”, báo cho mọi người biết là người phụ nữ ấy đã có chồng.

Chiếc trâm trên mái tóc
Chiếc trâm trên mái tóc

CỔ TÍCH BI THƯƠNG

Chuyện cổ của người Thái kể: Ngày xửa... ngày xưa... con gái Thái khi đi lấy chồng cũng không búi tóc, cho nên chẳng ai phân biệt được đâu là người con gái chưa chồng hoặc đã về làm vợ người ta. Vì thế ở bản nọ đã xảy ra một chuyện đau lòng.

Nhà nọ, hai vợ chồng mới cưới nhau chưa được nửa mùa rẫy, người vợ thường lên nương và ở lại một mình. Trong căn chòi của cô vợ thường xuất hiện chàng trai lạ, vốn là một thợ săn bản xa thường xuyên qua đây bẫy gà, săn thú. Cho đến một ngày, hai người phải lòng nhau. Thế nhưng chàng trai ấy cũng không biết rằng cô gái mà mình chợt gặp rồi phải lòng đã có chồng. Ngày nào cặp đôi này cũng quấn quýt lấy nhau không rời, có ngày tận tối mịt cô gái mới về bản. Khi tình cảm đã nồng thắm, cả hai ngủ qua đêm ở trên chòi canh nương. Người chồng sinh nghi, bèn lén theo vợ đi nương.

Câu chuyện đau thương đã xảy đến. Người chồng bắt gặp vợ và người tình đang “trai trên, gái dưới” cạnh bờ suối. Cả giận, người chồng chặt cây nứa già, vót nhọn hoắt một đầu và đi thẳng tới hai người không còn hay biết gì. Nỗi ghen tức lên đến tột độ, người chồng dùng cây nứa nhọn đâm xuyên thấu cả hai người. Máu đỏ chảy tràn xuống khe. Cả hai chết không ai kêu được một lời nào!

Linh hồn của người con trai bay lên trời, đến cửa Then kêu kiện. Then cho gọi cả ba người đến để nghe cho rõ sự tình. Chàng trai vì không hề biết cô gái đã có chồng, phải chịu cái chết oan khiên nên được trở lại làm người. Người chồng cũng nhanh chóng được đầu thai kiếp khác. Còn cô vợ thì được Then tha, nhưng nhận hình phạt từ đó phải búi tóc lên đỉnh đầu và dùng một que nhọn đâm xuyên qua, để người khác biết rằng mình đã có chồng, đó gọi là chiếc trâm. Nó chính là hình ảnh của cây nứa định mệnh mà Then luôn nhắc nhở rằng phải giữ cho hạnh phúc tình nghĩa vợ chồng. Có chồng rồi mà còn có tà ý thì hãy nhớ que nhọn trên đầu...

Từ đó phụ nữ Thái có chồng buộc phải búi tóc lên đỉnh đầu và cài chiếc trâm gọi là “tẳng cẩu”. Nghi lễ này được xem là lời nhắc của Then giữ gìn hạnh phúc gia đình.

ĐANG DẦN VẮNG BÓNG

Chị Lương Thị Gửi, trú bản Trung Đình (Chi Khê – Con Cuông) năm nay 36 tuổi, đã là bà mối của 3 người trong họ tộc nội ngoại. Trong cộng đồng ngày nay, không có nhiều người có duyên với việc đại diện cho nhà trai đi hỏi vợ như chị. Bởi lẽ người Thái thường chọn người làm mối rất kỹ lưỡng. Đó phải là người đức độ lại giỏi giang. Đặc biệt, họ phải có uy tín đối với cộng đồng và họ hàng. Từ trước đến nay phần này thường thuộc về những người có tuổi. Thế nhưng năm 30 tuổi, chị đã được cậu em trai cho làm bà mối.

Về tục làm mối của người Thái, trước đây chúng tôi cũng đã có đề cập. Thế nhưng nghi lễ cài trâm cho cô dâu không thể thiếu trong ngày cưới của người Thái nhóm Tày Mường. Ngày trước, những người mẹ có con trai lớn thường sắm từ trước. Có những lúc phải vất vả lắm, chị Gửi mới tìm được một chiếc trâm để làm nghi lễ. Bởi lẽ trong các làng bản ngày nay người ta cũng ít khi sắm trâm cài đầu.

Bây giờ về những bản vùng cao, hình ảnh chiếc trâm cài đầu đang dần vắng bóng trong cuộc sống của phụ nữ. Tại những làng bản, phụ nữ có chồng vẫn búi tóc nhưng ít khi cài trâm. Chính vì điều này mà chiếc trâm cài tóc chỉ xuất hiện trong nghi lễ của ngày cưới, rồi được cất đi.

Đối với người Thái ở Tương Dương trước đây, chiếc trâm thường được mẹ chồng làm quà cho nàng dâu trong ngày đón dâu. Thế nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi thì tại những đám cưới ngày nay, chiếc trâm cũng đang dần vắng bóng. Nhiều cộng đồng không còn làm nghi lễ cài trâm cho cô dâu nữa?!

Hữu Vi - Thái Tâm