Sự sẻ chia

22/01/2015 18:27

(Baonghean) - Cuộc thi ảnh báo chí “Khoảnh khắc Vàng” Báo Nghệ An năm 2014, có một tác phẩm đoạt giải Khuyến khích, đã để lại khá nhiều ấn tượng về cuộc sống khó khăn, vất vả của đồng bào miền núi- vùng cao. Chúng tôi đang nói tới tác phẩm "Hội Phụ nữ Công an tỉnh đến với phụ nữ đặc biệt khó khăn dân tộc thiểu số Quỳ Hợp" của Lao Thanh Chương.

Phần lớn của khung hình là màu của dòng nước mùa mưa lũ đang cuộn xiết. Nhưng, ở phía sau có màu xanh của núi rừng và bầu trời nên trong cảm nhận người xem có phần ấm áp và thêm niềm hy vọng. Dòng nước cuồn cuộn chảy xiết, giữa dòng một chiếc xe trâu chở 5 người phụ nữ vượt suối, người điều khiển đang dò dẫm từng bước với vẻ mặt đầy lo âu, phía sau có 2 người phụ nữ khác đang dắt nhau lội qua một cách hết sức khó khăn. Xuôi theo dòng nước có những chiếc trụ cầu nằm sót lại và rều rác bám đầy. Từng ấy chi tiết cũng đủ nói lên cái gian nan, thậm chí là đầy nguy hiểm khi phải vượt qua đoạn suối này.

Tác phẩm “Hội Phụ nữ Công an tỉnh Nghệ An đến với chị em phụ nữ đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số Quỳ Hợp” của Lao Thanh Chương.
Tác phẩm “Hội Phụ nữ Công an tỉnh Nghệ An đến với chị em phụ nữ đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số Quỳ Hợp” của Lao Thanh Chương.

“Một ngày đầu tháng 9/2014, tôi được tin hôm sau Hội Phụ nữ Công an tỉnh sẽ về tặng quà cho một số chị em gặp hoàn cảnh khó khăn ở xã Châu Cường. Đêm đó, trời mưa to, gần như suốt đêm không ngớt, suối Nậm Huống dâng cao cuốn phăng chiếc cầu tạm, việc đi lại trở nên hết sức khó khăn. Sáng hôm sau, đoàn vẫn quyết tâm vượt suối để trao tặng quà, nhưng việc lội bộ khá nguy hiểm, không đảm bảo an toàn. Phương án dùng xe trâu chở người vượt suối được thực hiện”- tác giả Lao Thanh Chương chia sẻ về hoàn cảnh ra đời của bức ảnh. Khi xe trâu chuẩn bị chở người sang bờ bên kia, Lao Thanh Chương nghĩ ngay tới một bức ảnh có giá trị, liền lội bộ đi trước tìm một vị trí thuận lợi nhất để bấm máy. Dòng nước vẫn còn chảy xiết, ông dò dẫm từng bước một, nước đẩy liêu xiêu, tay nắm chặt chiếc máy ảnh và nâng lên cao đề phòng nước dội vào. Với lợi thế là người địa phương, biết rõ từng chỗ nông sâu của con suối Nậm Huống nên ra đến giữa dòng, chọn vị trí sâu nhất để đứng chờ. Khi người điều khiển dẫn chiếc xe trâu tiến đến vùng nước sâu và chảy xiết nhất, Lao Thanh Chương biết phải làm gì, máy đã được ngắm sẵn, các thông số đã sẵn sàng, chỉ việc bấm máy liên tục. Và những bức ảnh ra đời, ông chọn ra được một kiểu ưng ý nhất, điển hình nhất để gửi Báo Nghệ An dự thi giải “Khoảnh khắc Vàng”. Ban đầu, ông nghĩ gửi chỉ là để tham dự cuộc thi chứ không dễ gì vượt qua hàng trăm, hàng nghìn bức ảnh được gửi về. Nhưng cuối cùng, tác phẩm đã đoạt giải, là sự ghi nhận đối với sự dấn thân của tác giả. Có thể xem đó là một cơ duyên, bởi hôm ấy không chỉ có một cái tin gửi Báo mà còn “giật” được một giải thưởng rất đáng tự hào.

Lên tác nghiệp ở các huyện vùng cao, thi thoảng tôi có gặp một người đàn ông trên 50 tuổi, thân hình gầy gò, mang chiếc máy ảnh cỡ nhỏ, khá nhanh nhẹn trong việc tìm kiếm góc độ để có được những khuôn hình đẹp. Đó chính là tác giả của bức ảnh này. Là một cộng tác viên của các báo, Lao Thanh Chương thường có những bài viết phản ánh cuộc sống, tâm tư, nguyện vọng và cả nỗi trăn trở của bà con vùng cao. Đam mê viết báo, dành nhiều thời gian cho công việc này, không chỉ giới hạn ở huyện Qùy Hợp- địa bàn đang sinh sống mà ông rong ruổi khắp nơi, sang tận các huyện bạn để tìm kiếm đề tài. Đi nhiều tất nhiên là mệt, nhưng bù lại có được những bài viết hay và ghi lại được những khoảnh khắc có giá trị.

Trở lại với bức ảnh "Hội Phụ nữ Công an tỉnh đến với phụ nữ đặc biệt khó khăn dân tộc thiểu số Quỳ Hợp", chúng ta dễ dàng nhận thấy đằng sau những khó khăn, vất vả và hiểm nguy là ý chí, nghị lực của con người. Khi chiếc cầu tạm bị lũ cuốn trôi, việc lưu thông bị đình trệ, bà con Châu Cường đã nghĩ ra cách vượt Nậm Huống bằng xe trâu. Đây cũng là cách được bà con nhiều nơi khác lựa chọn, vì mức độ an toàn khá cao, lại còn chở được các loại đồ đạc và phương tiện khác. Nhân vật chính trong bức ảnh là các nữ chiến sỹ Công an tỉnh, họ lên đây chia sẻ khó khăn với chị em nghèo. Đường sá xa xôi, hiểm trở nhưng với ý chí và trách nhiệm của người công an, với tình yêu thương và lòng cảm thông của người phụ nữ, họ đã vượt qua tất cả để thực hiện bằng được công việc đầy ý nghĩa của mình. Sức lay động của bức ảnh chính là chỗ đó…

Không đơn thuần là Nậm Huống hay Châu Cường, đó là điển hình của cuộc sống vùng cao trong mùa mưa lũ, khi còn thiếu “Chiếc cầu nối những bờ vui”. Với sự dấn thân của tác giả, sự lay động của tác phẩm, Lao Thanh Chương xứng đáng đón nhận giải thưởng “Khoảnh khắc Vàng”!

Công Kiên