Thu hoạch cao từ cam muộn
(Baonghean) - Với địa hình miền núi đất đai phù hợp cho việc trồng cam, hiện nay nhiều bản ở xã Yên Khê, huyện Con Cuông đã phát huy được lợi thế đó, đem về nhiều hiệu quả kinh tế, thay đổi tích cực đời sống người dân. Vụ thu hoạch cam muộn cũng đem về một nguồn thu nhập không nhỏ...
Theo ông Vi Văn Đậu, Chủ tịch xã Yên Khê, huyện Con Cuông, thì năm 2005, cùng với sự hỗ trợ cây giống của huyện, xã Yên Khê mới chỉ có bản Tân Hương tham gia trồng cam. Hỗ trợ ban đầu khoảng 2.000 gốc cam, chia cho 4 hộ gia đình trồng trên diện tích 4ha. Hàng năm, huyện Con Cuông có tổ chức một đến hai lớp tập huấn cho cán bộ xã cũng như các hộ dân, nhằm đào tạo nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật áp dụng vào các giống cây trồng, đặc biệt là cam để đạt được hiệu quả cao nhất. Sau 3 năm thử nghiệm, năm 2008, cam đã ra trái thuận lợi, sản lượng thu hoạch đạt 32 tấn (80 tạ/ha). Cho đến nay, trên địa bàn toàn xã Yên Khê đã có 5 bản là các bản Tân Hương, Tờ, Nưa, Pha, Trung Yên với 155 hộ tham gia trồng cam, tổng diện tích cam trên toàn xã bây giờ lên đến 93,5ha. Trong đó có 12,5ha cam đã cho quả. Sản lượng năm 2014 cũng tăng lên 120 tạ/ha, trong đó sản lượng cam muộn chiếm tới gần 30%.
Cam muộn bày bán bên đường liên xã ở Yên Khê. Ảnh: Hồ Phương |
Đến với bản Tân Hương, dễ nhận ra hiệu quả rõ rệt về kinh tế nhiều năm nay từ việc trồng cam. Những vườn cam bát ngát đã qua vụ mùa chính nhưng nhiều cây vẫn trĩu những quả cam vàng mọng nước, phần nào đã thể hiện được sự chăm chút đủ đầy của người trồng.
Gia đình bà Lưu Thị Hồng, ông Lương Văn Nghệ là một trong những gia đình tiêu biểu sở hữu vườn cam rộng nhất bản Tân Hương. Hiện với 3ha, trồng 1.500 gốc cam, gia đình ông có 1.200 gốc đã cho trái. Năm 2013, ông bà thu hoạch gần 30 tấn quả gồm cả cam muộn, năm 2014 thu hoạch được 38 tấn quả (8 tấn cam muộn/42 gốc). Ông bà chia sẻ, trồng trọt cũng như chăn nuôi, ngoài áp dụng chuẩn khoa học kỹ thuật, cần cả tâm tư, sống cùng với cây, trăn trở, học hỏi, tìm những biện pháp chăm sóc để làm sao cây phát triển tốt và mang lại hiệu quả cao nhất. Riêng cam muộn là số lượng cam ra hoa cùng đợt với cam thu hoạch trong vụ chính nhưng quả chín muộn hơn, sản lượng bắt đầu tính từ sau khi thu hoạch cam chính vụ, tức là từ tháng 11 dương lịch cho đến Tết âm lịch. Để cam muộn ra trái to, nhiều và chín đều, người trồng cam ngoài chăm sóc trong vụ chính cần bón thêm phân (đạm, kali) và tưới tiêu thường xuyên. Bù lại, cam muộn vì thu hoạch trong thời điểm giáp Tết âm lịch nên dễ tiêu thụ, giá cả cao hơn. Giá cam vụ chính trung bình chỉ khoảng 30.000/kg, giá cam muộn trung bình là 50.000/kg, có khi lên tới 60.000-65.000/kg và hầu như đều do lái buôn đến thu mua tại vườn...
Ngoài bản Tân Hương đi đầu trong nhiều năm liền, 4 bản còn lại cũng có những hộ dân có diện tích trồng cam đáng kể và dần được mở rộng, như hộ gia đình anh Tăng Ngọc Sơn với 0,8ha, gia đình anh Nguyễn Đình Hà với 0,5ha. Dự kiến trong năm 2015, trên toàn xã Yên Khê sẽ có 30ha cam cho trái, và ắt hẳn với tiến độ này, sản lượng cam muộn hàng năm sẽ không ngừng tăng lên. Cam muộn như một món quà để dành đầy ý nghĩa cho những ngày giáp Tết, khi nhu cầu tiêu thụ khiến giá cam được đẩy cao hơn mọi thời điểm khác trong năm.
Lâm Ly