Tân Kỳ: Mở rộng diện tích trồng rau phục vụ Tết

28/01/2015 09:35

(Baonghean) - Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 đang đến gần. Đây cũng là thời điểm bà con nông dân Tân Kỳ tích cực chăm sóc rau màu hàng hóa để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng dịp trước, trong và sau tết...

Mô hình rau sạch ở xã Kỳ Sơn (Tân Kỳ).
Mô hình rau sạch ở xã Kỳ Sơn (Tân Kỳ).

Thời gian gần đây, ngoài những địa phương có truyền thống trồng rau hàng hóa như xã Giai Xuân, Kỳ Sơn, Nghĩa Bình… thì xã Tân Hương và một số xã khác của huyện Tân Kỳ cũng đã chú trọng mở rộng diện tích trồng rau. Riêng vụ đông xuân 2014 - 2015, mặc dù thời tiết không thuận lợi, nhưng bà con xã Tân Hương đã khắc phục khó khăn, hoàn thành kế hoạch gieo trồng 15 ha rau đậu các loại, hiện nay đang tập trung chăm sóc.

Với tổng diện tích hơn 4 sào đất vườn, gia đình bà Lê Thị Loan, xóm 8 xã Tân Hương đã bố trí trồng các loại rau như súp lơ xanh, cải bắp, su hào, dưa chuột. Nhờ có kinh nghiệm sản xuất, áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăm bón và xử lý mầm bệnh ngay từ khâu làm đất nên hiện nay toàn bộ diện tích rau màu của gia đình bà phát triển tốt, một số diện tích đã cho thu hoạch, với giá bán hiện nay, bình quân mỗi sào cho thu nhập 15 triệu đồng.

Bà Lê Thị Loan ở xóm 8, xã Tân Hương, huyện Tân Kỳ phấn khởi: “Qua thực tế trồng rau cho thu nhập cao hơn một số cây trồng khác, và hàng ngày có nguồn phụ phẩm để phát triển chăn nuôi. Với hơn 4 sào đất mỗi năm gia đình làm 2 vụ rau và 1 vụ ngô cho thu nhập đáng kể”.

Ông Ngô Bá Tùng, Bí thư Chi bộ xóm 8, xã Tân Hương cho biết: “Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mấy năm lại đây, xã Tân Hương nói chung và xóm 8 chúng tôi nói riêng đã chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó cây rau màu hàng hóa đem lại nguồn thu nhập cao. Hiện cả xóm có gần 20 hộ dân chuyên trồng rau theo hướng hàng hóa, nhờ đó đã có nhiều hộ vươn lên thoát nghèo”.

Cùng với bà con xã Tân Hương, những ngày này nông dân trong huyện đang chăm sóc 450 ha rau, đậu các loại, cơ cấu chủ yếu bằng các giống cải, su hào, bắp cải; dưa chuột; đậu đỗ, bầu, bí... Nhằm nâng cao giá trị thu nhập trên cùng đơn vị diện tích, các địa phương đã tận dụng tối đa diện tích, đất 2 lúa, đất vùng bãi, đất ven sông và vườn nhà để gieo trồng, tạo nguồn rau xanh cho gia đình và phục vụ nhu cầu thị trường. Hiện nay trên địa bàn huyện đã có hàng trăm hộ dân xây dựng mô hình chuyên trồng rau sạch. Cùng với mở rộng diện tích, đa dạng cơ cấu cây trồng, nông dân Tân Kỳ còn chú trọng đầu tư thâm canh; áp dụng quy trình sản xuất rau sạch đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Ông Thái Khắc Ngọc, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tân Kỳ cho biết: “Năm 2013, Hội Nông dân huyện phối hợp với xã Kỳ Sơn xây dựng mô hình trồng rau đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, kết quả đã từng bước thay đổi tập quán canh tác của bà con nông dân, bà con đã vận dụng vào thực tế sản xuất đạt hiệu quả, đến nay mô hình này đã được nhân rộng tại 17/17 xóm của xã Kỳ Sơn, và nhiều xã trong huyện, từ đó giúp người dân nâng cao thu nhập, vừa bảo vệ sức khỏe, môi trường sống”.

Hàng năm vào dịp Tết Nguyên đán nhu cầu rau sạch tăng cao, bởi vậy việc mở rộng diện tích và đưa vào trồng các loại rau chất lượng tốt sẽ đáp ứng nhu cầu thị trường, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho bà con nông dân. Với giá trị thu nhập ước tính bình quân mỗi ha đạt gần 200 triệu đồng trong vụ đông xuân này, rau hàng hóa đang mở ra cơ hội mới cho người nông dân làm giàu ngay trên đồng ruộng.

Rau là loại cây trồng có nhiều sâu bệnh gây hại nhất và cũng là nông sản dễ bị ô nhiễm dư lượng thuốc trừ sâu nhất. Do đó, việc sử dụng thuốc trừ sâu trên cây phải hết sức cẩn thận và phải đạt 2 yêu cầu cơ bản: Hiệu quả và an toàn. Thuốc phải hiệu quả, nghĩa là ngăn chặn được các loài sâu hại làm tổn thất đến năng suất ruộng rau và phải an toàn cho người tiêu dùng rau, nghĩa là lượng thuốc tồn lưu trong rau khi thu hoạch (gọi là dư lượng thuốc trừ sâu) phải thấp. Ngoài ra thuốc cũng còn phải ít độc cho người trồng rau, tức là chính bà con nông dân.

Đối với cây rau, để việc sử dụng thuốc trừ sâu có được yếu tố an toàn, cần phải căn cứ vào các yếu tố sau:

1. Thuốc phải có độ độc thấp.

2. Thuốc phải nhanh phân huỷ.

3. Thuốc có tính chọn lọc, ít diệt thiên địch.

4. Thuốc có lượng hoạt chất sử dụng trên một đơn vị diện tích thấp.

P.V

Cẩm Tú

TIN LIÊN QUAN