Tháo gỡ khó khăn cho kinh tế trang trại
(Baonghean) - Những năm qua, kinh tế trang trại đã phát huy tiềm năng và thế mạnh về đất đai, lao động, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, để kinh tế trang trại phát triển thuận lợi, đòi hỏi sự tháo gỡ về mặt chính sách của các cấp, ngành.
Nghệ An hiện có 3.185 trang trại trên nhiều lĩnh vực: trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, trang trại tổng hợp. Trong đó, có 420 trang trại đạt tiêu chí theo Thông tư 27/2011/TT-BNN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đã được cấp Giấy chứng nhận trang trại; 2.765 trang trại đạt tiêu chí theo quy định cũ. Thực tế cho thấy, tuy Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách nhưng khi triển khai vẫn còn nhiều vướng mắc, rào cản, nhất là thủ tục vay vốn ưu đãi và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trang trại.
Mô hình gia trại chăn nuôi ngoài đồng ở Nghĩa Đồng (Tân Kỳ). |
Lập nghiệp với 2 bàn trắng, điều kiện gia đình khó khăn, Trần Song Thành ở xã Nghĩa Bình (Nghĩa Đàn) không khuất phục trước đói nghèo, dám nghĩ, dám làm, biết tận dụng, phát huy lợi thế sẵn có về đất đai để phát triển kinh tế trang trại theo hướng VAC: Ao nuôi cá trắm ốc, khoanh bãi thả hến sò thương phẩm và trồng rừng. Từ mô hình này, trừ chi phí, mỗi năm cho thu nhập trên 200 triệu đồng, góp phần tạo việc làm và thu nhập thường xuyên cho 5 lao động địa phương, vào mùa vụ có lúc sử dụng 20 lao động. Để tiếp tục phát triển, anh Thành tìm hiểu các nguồn vốn vay ưu đãi, tuy nhiên, từ trước tới nay anh đều phải vay vốn từ Quỹ tín dụng nhân dân với lãi suất cao hơn lãi suất của ngân hàng, giá trị hợp đồng chỉ được vay dưới 100 triệu đồng và phải thế chấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Hiện anh Thành đang đầu tư nuôi trâu sinh sản nhưng do không đủ nguồn vốn nên ban đầu chỉ nuôi 6 con. Mặc dù nuôi trâu sinh sản đang cho hiệu quả kinh tế cao nhưng anh Thành đành phải bán bớt 2 con để lấy vốn mở rộng diện tích 1 ha trồng cam. Anh cũng có dự định phát triển trâu sinh sản và trồng bưởi Diễn hàng hóa, nhưng chưa tìm ra vốn đầu tư. “Từ khi thành lập trang trại đến nay đã hơn 10 năm nhưng tôi vẫn chưa tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi nào. Năm ngoái, tôi được tiếp cận Dự án vay vốn phát triển kinh tế của Liên đoàn Lao động huyện Nghĩa Đàn nhưng chỉ được vay 47 triệu đồng, không có lãi suất ưu đãi và phải thế chấp bìa đất nên tôi không vay. Lợi thế của xã Nghĩa Bình là có diện tích đất đồi rộng lớn, nhiều thanh niên trong xã có hướng phát triển kinh tế trang trại, tuy nhiên khó khăn lớn nhất của họ là nguồn vốn “cái khó bó cái khôn” nên nhiều người không thực hiện được” - anh Thành cho biết.
Với ý chí làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, năm 2004, anh Phạm Văn Tuân ở xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn mạnh dạn thuê 16,5 ha đất trống, đồi trọc ở xóm Mỹ Lộc - Nghĩa Lộc để đầu tư phát triển kinh tế trang trại. Nhờ được địa phương cho thuê đất lâu dài (50 năm và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trang trại) nên anh Tuân đầu tư nhiều loại cây, con khác nhau theo xu thế của thị trường: nuôi nhím, lợn rừng, bồ câu, vịt, cá, trồng rừng... Tổng thu nhập mỗi năm từ 1,5 - 1,7 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho trên 5 lao động thường xuyên và 20 - 30 lao động thời vụ. Vừa phát triển kinh tế trang trại, anh còn mở công ty xây dựng, dịch vụ thương mại.
Phạm Văn Tuân là một điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi của huyện Nghĩa Đàn. Trong những năm qua, gia đình anh đầu tư trên 2 tỷ đồng để chăn nuôi và trồng rừng. Để có nguồn vốn phát triển trang trại, anh phải dùng Giấy chứng nhận quyền sử đất thế chấp ngân hàng vay vốn dưới hình thức doanh nghiệp xây dựng, bởi trình hồ sơ vay vốn phát triển kinh tế trang trại ngân hàng không cho vay. Anh Phạm Văn Tuân trao đổi: “Nhiều chính sách được ban hành nhưng chưa đi vào cuộc sống, chủ trang trại khó tiếp cận được các chính sách hỗ trợ. Do sản xuất nông nghiệp thường gặp rủi ro nên các ngân hàng ngại cho các dự án làm trang trại vay. Hiện tôi có ý tưởng mở rộng sản xuất, kinh doanh nuôi lợn theo hướng công nghiệp, cần vốn đầu tư trên 1 tỷ đồng. Tôi đã đến các ngân hàng, tổ chức tín dụng để tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi dành cho phát triển trang trại nhưng đều bị từ chối”.
Còn gia đình ông Ngô Trí Hà ở xóm Sơn Thành, xã Nam Thành (Yên Thành) khai hoang, phục hóa 2,1 ha đất đồng ở vùng Chàng Làng làm trang trại từ năm 1994. Đến năm 2014, ông Hà làm hồ sơ, dự án hợp đồng thuê số đất mà gia đình ông khai hoang được với thời gian 10 năm và đóng thuế đầy đủ cho địa phương. Đến cuối năm 2014, thời gian thuê đất hết thời hạn, gia đình ông đã làm đơn xin được tiếp tục thuê diện tích đất trên làm trang trại, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được chính quyền địa phương chấp thuận. Từ năm 2004 đến nay, gia đình ông Hà đã đầu tư gần 1 tỷ đồng để đầu tư trang trại nuôi cá và vịt. Hiện tại trang trại của ông Hà còn 6.000 con vịt đẻ. Nếu không tiếp tục được thuê đất thì gia đình ông buộc phải “giải tán” trang trại. Phát triển kinh tế trang trại phải đầu tư chi phí cao, nhiều năm mới có sản phẩm để thu hoạch, nếu được thuê đất trong thời gian ngắn thì các chủ trang trại rất khó phát huy hiệu quả cao. Ông Ngô Trí Hà cho hay: “Vì không được giao thuê đất dài hạn, ổn định nên nhiều chủ trang trại không yên tâm, không dám đầu tư. Chúng tôi mong muốn, huyện cần có chính sách thuê, khoán đất lâu dài, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trang trại để yên tâm đầu tư phát triển kinh tế trang trại theo hướng về lâu dài. Vay vốn phải có tài sản thế chấp, nhưng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trang trại, một trong những điều kiện để thế chấp không có nên không thể vay được vốn ngân hàng để đầu tư phát triển”.
Xác định, phát triển kinh tế trang trại góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn, thời gian qua, Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách nhằm hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn phát triển. Chính phủ ban hành Nghị định 41/2010 về “Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn”. Theo đó, các chủ trang trại được vay vốn ưu đãi phát triển nông nghiệp, nông thôn không cần tài sản đảm bảo (mức tối đa có thể lên tới 500 triệu đồng) đối với các chủ hộ đã được chứng nhận kinh tế trang trại. Nghị định này cũng quy định chính sách nhất quán tạo điều kiện giao đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài, ổn định cho các chủ trang trại. Trong quá trình phát triển, các trang trại trên địa bàn tỉnh đã nhận được nhiều cơ chế, chính sách về đất đai, về giao đất, giao rừng, chính sách về khuyến nông, tín dụng…. Quyết định số 479/QĐ-UBND ngày 7/11/2007 của UBND tỉnh về việc phê duyệt đề án “Phát triển kinh tế trang trại tỉnh Nghệ An giai đoạn 2007 - 2015” là văn bản quan trọng và cụ thể của tỉnh Nghệ An để định hướng cho kinh tế trang trại tỉnh nhà phát triển mạnh mẽ.
Tại đề án này, UBND tỉnh đã đề cập đến vấn đề lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn hỗ trợ chủ trang trại xây dựng hạ tầng. Tuy nhiên, trong thực tế triển khai còn chậm, đất trang trại chủ yếu là thuê mướn, đất giao khoán, đất đấu thầu. Vì không được thuê và giao dài hạn nên các chủ trạng trại không yên tâm khi đầu tư quy mô lớn. Theo ông Nguyễn Văn Bính - Chủ tịch Hội Kinh tế trang trại tỉnh cho biết: “Từ khi có cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế, các chủ trang trại đã chủ động tiếp cận các chính sách để củng cố, phát triển trang trại. Tuy nhiên, qua quá trình tiếp cận vẫn còn nhiều rào cản ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn. Đặc biệt, việc giao đất, cho thuê đất, chuyển nhượng, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các trang trại ở nhiều địa phương còn chậm. Phần lớn đất đai của nhiều trang trại còn sử dụng theo hình thức tạm giao, ký hợp đồng thầu, thuê dài hạn ở các địa phương, tính pháp lý chưa cao, do vậy, các chủ trang trại chưa thực sự yên tâm, chưa mạnh dạn đầu tư sản xuất lâu dài. Các ngân hàng, tổ chức tín dụng vẫn còn e ngại khi thẩm định, cho vay đối với các khoản vay phục vụ cho nông nghiệp, nông thôn”.
Bài, ảnh: Thanh Lê