Nam Phi: Báo động tình trạng săn bắn giết hại tê giác

25/01/2015 09:32

(Baonghean) - Mới đây, trong cuộc họp báo ở Pretoria - 1 trong 3 thủ đô của Nam phi, chính phủ vừa đưa ra những con số đáng báo động về tình trạng săn bắn và giết hại một cách trái phép tê giác tại quốc gia này.

Theo như bản thống kê mà các cơ quan chức năng công bố hôm thứ Năm, việc giết hại tê giác vẫn đang tồn tại ở Nam Phi. Năm 2014, những kẻ săn trộm đã giết 1.215 con tê giác, tăng 211 con so với năm 2013. Được biết, hơn 2/3 trong số những con tê giác này bị săn bắn tại Công viên quốc gia Kruger nằm ở phía Đông Bắc Nam Phi.

TIN LIÊN QUAN

Tại Nam Phi, các vụ săn bắn trộm tê giác để lấy sừng ngày càng tăng một cách đáng báo động. Ảnh: AFP
Tại Nam Phi, các vụ săn bắn trộm tê giác để lấy sừng ngày càng tăng một cách đáng báo động. Ảnh: AFP

Trước những con số đáng báo động trên, Bộ trưởng Bộ Môi trường Edna Molewa cũng cảnh báo “Đừng quên rằng việc săn bắn trộm tê giác đã góp phần đem lại hàng tỷ USD trong những giao dịch buôn bán trái phép động vật hoang dã trên toàn thế giới”. Hồi tháng 11/2014, Cathy Dean - Giám đốc của tổ chức phi chính phủ về bảo tồn loài tê giác (Save the Rhino) cũng đưa ra cảnh báo “Cứ theo đà này thì tỷ lệ tử vong của loài động vật này sắp vượt quá tỷ lệ sinh”.

Với sự gia tăng một cách đột biến các vụ săn bắn giết hại tê giác ở Nam Phi, các cơ quan chức năng cho biết chính vì những chiếc sừng tê giác được rao bán với giá rất cao ở châu Á đã khiến cho tình trạng trên xảy ra. Tại các quốc gia châu Á trong đó có Việt Nam, sừng tê giác được xem là có rất nhiều tác dụng trong y học cổ truyền. Thậm chí, một số người còn xem sừng tê giác như một loại thần dược chữa được bách bệnh, trong đó có cả bệnh ung thư. Tuy nhiên, nhiều tài liệu khoa học đã chứng minh sừng tê giác với thành phần chủ yếu là keratin (chất sừng), một chất giống như móng tay, móng chân của con người không hề có những tác dụng thần kỳ như mọi người vẫn đồn thổi.

Mỗi năm, số lượng các cá thể tê giác bị giết hại, bị săn bắn trái phép lại ngày một tăng tại Nam Phi. Theo thống kê chính thức, những kẻ săn bắn trộm đã giết 1.004 cá thể tê giác trong năm 2013, 668 cá thể vào năm 2012, 448 cá thể vào năm 2011, 333 cá thể vào năm 2010, 122 cá thể vào năm 2009, 83 cá thể vào năm 2008 và còn riêng năm 2007 chỉ có 13 cá thể tê giác bị săn bắn. Tuy nhiên, theo các nhà bảo vệ động vật, con số này trên thực tế còn lớn hơn rất nhiều.

Với khoảng 20.000 cá thể, Nam Phi được xem là nơi sinh sống của 70-80% số lượng tê giác trên toàn thế giới. Trước tình trạng ngày một gia tăng các vụ săn bắn giết hại trái phép loài động vật quý hiếm này để lấy sừng, Chính phủ Nam Phi gần đây đã bắt đầu di chuyển hàng chục con tê giác đến các khu bảo tồn để đảm bảo an toàn cho chúng.

Chu Thanh

(Theo LeMonde)