Chí làm giàu của một thanh niên công giáo

24/12/2014 09:42

(Baonghean) - 29 tuổi, giáo dân Trần Minh Thiềm (xóm 13, Quỳnh Thanh, Quỳnh Lưu) đã có trong tay một tổ hợp gồm cửa hàng sửa chữa điện thoại, chuyên lắp đặt máy tính, camera chống trộm, quán cà phê, cộng với mô hình chăn nuôi các loại chim giống, chim thịt, chim cảnh, cá trê... giải quyết việc làm cho 3 lao động thường xuyên, 4 - 5 lao động thời vụ. Tổng thu nhập xấp xỉ 1 tỷ đồng/năm. Điều khiến chúng tôi nể phục ở người thanh niên công giáo này là ý chí, nghị lực, vươn lên sau những thất bại…

Cũng như bao thanh niên ở quê thời đó, học xong cấp 3, Trần Minh Thiềm từng ấp ủ sẽ thi vào một trường nghề để sau này có được việc làm ổn định. Thế nhưng, do hoàn cảnh gia đình, cuối cùng Thiềm quyết định đi xuất khẩu lao động, tích góp vốn, sau đó về quê lập nghiệp. Vậy nhưng, gặp phải đường dây lừa đảo, Thiềm không thể xuất cảnh và chịu mất số tiền đã nộp. Thiềm đành vào Sài Gòn làm nghề phục vụ đám cưới cùng người anh trai. Sau rất nhiều suy tính, anh quyết định về quê. Sẵn đam mê nghề sửa chữa điện thoại, anh lên Hoàng Mai học nghề, sau đó mở cửa hàng riêng.

Vợ chồng anh Thiềm chăm sóc đàn bồ câu.
Vợ chồng anh Thiềm chăm sóc đàn bồ câu.

Năm 2009, Thiềm lập gia đình. Thiềm bàn với vợ vay vốn họ hàng nội ngoại, đầu tư mở quán cà phê, đồng thời bỏ mối cà phê cho các quán ở Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Diễn Châu… Được một thời gian, Thiềm giao hẳn quán cà phê cho vợ. Anh chuyển sang kinh doanh dịch vụ Internet, thời điểm đó, Thiềm đầu tư 20 máy vi tính phục vụ nhu cầu của người dân trong vùng. Nhưng cũng chỉ được một thời gian, nhu cầu về Internet bão hòa, hầu hết các gia đình đều có máy riêng, do đó kinh doanh thua lỗ. Thế nhưng, chính Internet đã mở ra cho Thiềm một hướng làm ăn mới, qua Internet, Thiềm đã làm quen với thanh niên tên Phùng ở Bắc Ninh có trang trại chăn nuôi chim bồ câu Pháp, tổng thu nhập hơn 2 tỷ đồng/năm; cái hay của mô hình này là hình thức bán hàng qua mạng, sau đó giao hàng bằng cách gửi xe ô tô đi các tỉnh. Trao đổi với chủ nhân trang trại, Thiềm nhận thấy đây là con đường lập nghiệp phù hợp với xu thế ngày nay.

Thiềm quyết định vay vốn ngân hàng mở gia trại nuôi chim bồ câu thịt và giống. Thuận lợi của Thiềm là có bạn giúp đỡ từ cách chọn giống, cung cấp giống, kỹ thuật chăm sóc, mô hình chuồng trại, vệ sinh như thế nào cho hợp lý... Ban đầu, Thiềm mua 30 đôi chim giống và bắt tay vào nuôi thử nghiệm. Vạn sự khởi đầu nan, ngoài cửa hàng sửa chữa điện thoại, hai vợ chồng phân công nhau để chăm sóc tốt cho đàn chim. Thế nhưng, mọi cố gắng của đôi vợ chồng trẻ không được như ý, 3 tháng sau, 30 đôi chim bồ câu Pháp của Thiềm chết dần…

Thiềm tâm sự: Nhớ lại ngày đó, tôi hụt hẫng và hoang mang vô cùng. Trước đó, sau nhiều lần kinh doanh thất bại, tôi vẫn còn nợ 200 triệu đồng… Nếu vì thất bại mà dừng lại thì lấy đâu ra tiền mà trả nợ? Rồi tôi trấn tĩnh lại, suy nghĩ rất nhiều, tại sao người ta thành công còn mình lại không? Tôi và vợ ngồi soát xét lại quy trình nuôi, xem cách chăm sóc của mình đã hợp lý chưa, hay vì chuồng trại chưa sạch sẽ, chưa kín gió, chưa đủ ấm cho bồ câu… nhằm tìm ra nguyên nhân dẫn đến thất bại. Và tôi quyết định làm lại từ đầu, lần này, em tham khảo rất kỹ qua nhiều tài liệu khác nhau, quy hoạch lại chuồng trại và đầu tư mua 50 đôi chim bồ câu về nuôi. Thế nhưng, nuôi được 3 tháng, cả 50 đôi chim đều chết. Đợt đó tôi mất trắng 50 triệu đồng.

Không cam chịu trắng tay, năm 2011, Thiềm quyết định vay ngân hàng 150 triệu đồng, đầu tư hẳn 150 đôi chim mẹ, và thành công đã đến với Thiềm khi 3 tháng sau, 150 đôi chim mẹ đã sinh ra 100 đôi chim con, đây là lứa chim giống đầu tiên sau bao lần thất bại. Giờ nhớ lại ngày hai vợ chồng xuất chuồng lứa chim giống đầu tiên với giá 300 nghìn đồng/đôi, Thiềm bảo: “Cảm giác lúc đó khó tả lắm chị ạ, vừa sung sướng, vừa xúc động, vừa tủi thân vì sự đeo đuổi của mình đã làm khổ vợ con, gia đình. Thế nhưng nếu không có đam mê, không cố gắng hết sức chắc cũng chẳng làm được việc gì. Và Thiềm đã từng bước gặt hái được thành công nhờ sự kiên nhẫn, kiên trì, chịu khó, không nản chí của một thanh niên giáo dân “kính Chúa yêu nước”, bởi anh tin rằng “có công mài sắt có ngày nên kim”.

Hiện nay, ngoài 600 đôi chim bồ câu Pháp, trang trại của Thiềm còn mở rộng quy mô nuôi các loài chim khác như chim trĩ, nhật xòe, bồ câu sư tử, bồ câu Mỹ.... Mỗi tuần trang trại của Thiềm xuất bán ra thị trường 400 đôi chim giống, chim thịt, chim cảnh các loại, khách hàng chủ yếu từ TP. Vinh, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, họ đặt hàng qua mạng, qua điện thoại, sau đó Thiềm gửi hàng qua ô tô và khách sẽ đến lấy ở những địa chỉ đã hẹn trước. Bằng cách làm như vậy, Thiềm đã dần dần mở rộng được thị trường một cách vững chắc. Trăn trở của Thiềm hiện nay: “cung vẫn chưa đáp ứng được cầu”, nếu có thêm vốn sẽ mở rộng nuôi 3 nghìn đôi chim mẹ, như thế mới đáp ứng được nhu cầu đặt hàng của khách.

Cùng với nuôi bồ câu, mở quán cà phê, bỏ mối cà phê, kinh doanh, sửa chữa điện thoại di động, lắp đặt máy tính, camera, Thiềm còn xây ao nuôi 5 nghìn con cá trê, 3 tháng rưỡi xuất bán 1 lần, với khoảng 3,5 tấn cá, cho thu nhập 100 triệu đồng.

Ngoài sự chăm chỉ chịu khó của hai vợ chồng, Thiềm còn thuê thêm 3 lao động thường xuyên với mức lương 4 triệu đồng/người/tháng, còn vào những dịp bận rộn, anh thuê từ 4 – 5 lao động thời vụ để hỗ trợ trong việc đi giao hàng, vệ sinh và chăm sóc đàn chim, cá trê.

Chia tay vợ chồng Thiềm trong cái bắt tay thật chặt với lời chúc ngày càng làm ăn phát đạt. Thiềm cười rất tươi và hẹn: “Sang năm, chị ra, trang trại của tôi sẽ có 3 nghìn đôi chim đấy”. Tôi tin Thiềm sẽ làm được, bởi với những khó khăn mà vợ chồng Thiềm đã trải qua, tương lại phía trước không còn là giấc mơ nữa.

Thanh Thủy