"Người thầy" của nông dân

31/12/2014 14:50

(Baonghean) - Chúng tôi về đội 4, thôn Hồng Phong, xã An Hòa (Quỳnh Lưu) thăm vườn hoa của ông Trần Ngọc Vinh (77 tuổi), hội viên hội sinh vật cảnh Quỳnh Lưu vào một ngày áp tết dương lịch. 1,6 vạn bông cúc các loại nơi đây đang tràn nhựa sống. Không chỉ trồng hoa, làm giàu từ hoa, ông Vinh còn sẵn lòng truyền kinh nghiệm cho nông dân trong làng, trong xã...

Lão nông Trần Ngọc Vinh đã có thời vào sinh ra tử nơi chiến trường đạn lửa. Ông nhập ngũ ngày 21/5/1958 tại Trường Sỹ quan Lục quân Việt Nam. Năm 1965, ông đi B vào Nam đánh Mỹ tại đơn vị E66 F304 Quân đoàn 2, cấp bậc thượng úy, Chủ nhiệm hậu cần Trung đoàn 66, Sư đoàn 304. Đến tháng 4/1972 thì bị thương phải chuyển ra Bắc điều trị. Tháng 9/1972, ông được cử đi học ngành rau – hoa – quả tại Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội, tốt nghiệp năm 1976. Sau đó, ông được điều về làm Giám đốc Nông trường cây ăn quả Nghệ An tại huyện Nghĩa Đàn từ năm 1978 đến năm 2000.

Ông Trần Ngọc Vinh chăm sóc vườn hoa.
Ông Trần Ngọc Vinh chăm sóc vườn hoa.

Về hưu, ông Vinh cùng với vợ là bà Vũ Thị Huấn cải tạo đất vườn cằn cỗi để trồng hoa, cây cảnh. Hơn chục năm trở lại đây, cứ vào khoảng giữa năm, ông Vinh lại lặn lội vào tận Đà Lạt rồi ra Hà Nội đặt các loại giống hoa đưa về bán cho nông dân trong và ngoài huyện. “Mùa hoa năm nay, tôi đặt mua ở Đà Lạt và Hà Nội 100 vạn cây hoa cúc các loại, phân phối cho Diễn Châu, Yên Thành, TP. Vinh, Nghi Lộc, Quế Phong, Tân Kỳ, Quỳ Hợp, Quỳnh Lưu mỗi huyện 10 vạn cây con, riêng Nghĩa Đàn là 20 vạn cây”, ông Vinh cho biết.

Vụ hoa năm nay ông Vinh trồng 14 loại cúc với 1,6 vạn cây; 1.200 gốc ly và 1000 gốc lay ơn. Không chỉ trồng hoa, ông còn tìm tòi học hỏi kinh nghiệm trồng các loại rau ăn quả cao cấp. Năm 2012, ông đưa giống ớt Hà Lan đặt mua từ Đà Lạt về tự nhân giống và trồng thử nghiệm thành công. Ông Vinh cho biết: “Trung bình mỗi cây ớt cho 3 kg quả, mỗi kg ớt giá bán tại vườn là 30.000 đồng. Với 500 cây ớt xào, vụ xuân hè vừa qua tôi đã thu về 45 triệu đồng; còn vụ đông này do diện tích đất hạn chế nên tôi chỉ trồng được 200 cây ớt xào đang trong thời kỳ sinh trưởng”. Theo ông Vinh, ớt Hà Lan trồng vụ đông rất sai quả, trung bình mỗi cây có thể cho tới 5 kg quả, giá bán sỉ tại vườn không đổi. Mặc dù đem lại hiệu quả kinh tế cao nhưng loại ớt này rất hiếm giống, vụ đông năm 2014 ông chỉ ươm được 2.000 cây ớt giống cho các hộ có nhu cầu.

Về hưu từ năm 2001, ông được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An nhiều lần mời về giảng dạy kỹ thuật trồng hoa, rau, cây ăn quả cho nông dân các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Yên Thành, Quế Phong, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Nghi Lộc, Nam Đàn, Thành phố Vinh... Năm 2008 ông được Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh mời về giảng dạy và hướng dẫn kỹ thuật trồng hoa cho nông dân. Bà Trần Thị Đức, đội 4, thôn Hồng Phong cho biết: “Trồng hoa đòi hỏi phải am hiểu kỹ thuật nên mới đầu làm cũng vất vả lắm. Cũng may nhà tui ở gần nhà ông Vinh nên khó chỗ mô thì chạy sang hỏi ông, thấy ông làm như răng thì bắt chước làm theo như rứa”. Vậy là mảnh vườn khô cằn sỏi đá chưa đầy 500m2, từ chỗ trồng rau hiệu quả kinh tế thấp chuyển sang trồng hoa từ năm 2007, đã mang về cho gia đình bà thu nhập trung bình 40 triệu đồng mỗi vụ. Những hộ nông dân ở xa không có điều kiện như bà Đức, mỗi khi gặp khó khăn về giống, kỹ thuật hay vật tư... đều gọi điện nhờ ông tư vấn.

Ở cái tuổi 77, có lẽ ít ai được mạnh khỏe, yêu đời và ý chí làm giàu như ông. Ông nói: “Duyên cơ với rau, hoa, quả và người nông dân đã cho tôi niềm vui trong cuộc sống!”.

Nguyễn Hòe