Hỏi - đáp chính sách, pháp luật thuế

29/01/2015 09:00

Câu hỏi: Chi cục Thuế huyện D tiến hành kiểm tra thuế tại trụ sở doanh nghiệp Y. Doanh nghiệp Y không đồng ý với một số kết luận của đoàn kiểm tra, doanh nghiệp không ký vào biên bản kiểm tra thuế. Theo quy định của pháp luật thì doanh nghiệp Y có được làm như vậy không? Quyền và nghĩa vụ của người nộp thuế trong kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế được quy định như thế nào?

Trả lời: Theo quy định tại Điều 79 Luật quản lý thuế năm 2006 (được sửa đổi, bổ sung năm 2012) quyền và nghĩa vụ của người nộp thuế trong kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế được quy định như sau:

1. Người nộp thuế có quyền:

- Từ chối việc kiểm tra khi không có quyết định kiểm tra thuế;

- Từ chối cung cấp thông tin, tài liệu không liên quan đến nội dung kiểm tra thuế; thông tin, tài liệu thuộc bí mật nhà nước, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

- Nhận biên bản kiểm tra thuế và yêu cầu giải thích nội dung biên bản kiểm tra thuế;

- Bảo lưu ý kiến trong biên bản kiểm tra thuế;

- Khiếu nại, khởi kiện và yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật;

- Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình kiểm tra thuế.

2. Người nộp thuế có nghĩa vụ:

- Chấp hành quyết định kiểm tra thuế của cơ quan quản lý thuế;

- Cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác các thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung kiểm tra theo yêu cầu của đoàn kiểm tra thuế; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của thông tin, tài liệu đã cung cấp;

- Ký biên bản kiểm tra thuế trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc kiểm tra;

- Chấp hành quyết định xử lý kết quả kiểm tra thuế.

Căn cứ quy định trên, trường hợp doanh nghiệp Y không đồng ý với một số kết luận kiểm tra thì có quyền bảo lưu ý kiến trong biên bản kiểm tra nhưng vẫn phải có nghĩa vụ ký biên bản kiểm tra thuế trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra.

Cục Thuế Nghệ An