Sắc mới Hồng Lam
(Baonghean) - Xóm Hồng Lam (Nam Hưng, Nam Đàn) là xóm giáo toàn tòng, trước kia vốn là vùng đồi núi, dân cư thưa thớt. Sau đó, do dân số đông nên những người sinh sau đã chọn vùng Hồng Lam an cư lập nghiệp, tạo nên một vùng dân cư mới. Và bởi “sinh sau đẻ muộn” nên từ đất đai, ruộng đồng đến cơ sở hạ tầng của xóm Hồng Lam không có điều kiện để đầu tư phát triển.
Ước mơ có đường được hình thành sau khi xã Nam Hưng phát động chương trình xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, so với các xóm khác thì việc xây dựng đường giao thông nông thôn của xóm Hồng Lam gặp rất nhiều khó khăn. Thậm chí, khi các xóm khác đã tính đến chuyện nâng cấp đường bê tông thì Hồng Lam mới tiến hành phát quang bờ bụi mở rộng đường. Nhớ lại thời điểm này hai năm trước, ông Bùi Xuân Nhiên, Bí thư kiêm xóm trưởng là người thấm thía hơn cả. Bởi lẽ, hơn 20 năm giữ cương vị xóm trưởng, ông hiểu rất rõ đường giao thông quan trọng đối với đời sống dân sinh, cũng như sự phát triển kinh tế của xóm như thế nào. Nhưng để kêu gọi người dân hiến đất mở đường là điều không dễ. Bởi lẽ đó, khi chủ trương xây dựng nông thôn mới được triển khai, điều đầu tiên mà ông và ban cán sự xóm thực hiện là tuyên truyền vận động.
Làm sao để người dân hiểu được đây là một chủ trương đúng và làm đường, mở rộng đường trước tiên là đem lại quyền lợi cho mình. Song song với vận động từng hộ, xóm cũng tổ chức nhiều cuộc họp, bàn bạc dân chủ công khai ở nhà văn hóa, tuyên truyền trên các hệ thống thông tin truyền thông. Khi chủ trương được thông qua, người dân đã đồng tình thì đường mở đến đâu người dân tự động lấp ao, vườn, chặt cây đến đó. Chỉ sau một thời gian ngắn, hơn 4 km đường chạy qua các cụm dân cư trong xóm được mở rộng từ 2, 5 mét lên đến 9 mét (cả mương), hàng chục hộ dân tự động hiến đất với diện tích từ 100 - 150m2.
Trường Tiểu học Nam Hưng 2 (Nam Đàn). Ảnh S.M |
Đường sá đi lại thuận tiện, đời sống của nhân dân từng bước được cải thiện và ngày càng có nhiều hộ mạnh dạn hơn trong đầu tư và phát triển kinh tế. Gia đình anh Nguyễn Văn Thành là một minh chứng. Cách đây một thời gian ngắn, gia đình anh vẫn thuộc diện khó khăn, vất vả trong xóm. Tuy nhiên, từ giữa năm 2012 thay vì chỉ làm nông như trước kia anh mạnh dạn vay vốn để làm nghề tái chế gỗ. Nhờ đó, cuộc sống gia đình anh được cải thiện, giúp bà con trong vùng có nơi tiêu thụ sản phẩm.
Còn với gia đình ông Bùi Văn Đương thì Tết Ất Mùi vừa qua thực là một cái Tết ấm áp vì gia đình vừa xây dựng xong ngôi nhà khang trang, tiền nợ ngân hàng để mua máy xúc, mua ô tô cũng đã vừa thanh toán xong. Nói chuyện với chúng tôi, ông vui mừng kể về hai cậu con trai Bùi Văn Thiết, Bùi Văn Khánh tuy còn trẻ tuổi nhưng mấy năm trước đoán được thời cơ đã xin bố mẹ cho đi học nghề máy xúc và nghề lái xe. Đến khi gia đình ông vay được vốn ngân hàng, mua được máy móc cũng là thời điểm cả xã sôi nổi làm đường giao thông nông thôn, phát triển trang trại. Ngoài ra, ở xóm Hồng Lam, hầu hết thanh niên chủ động đi làm ăn xa, trong đó hơn một nửa là đi xuất khẩu lao động nên lượng tiền gửi về hàng năm khá lớn. Hiện toàn xóm tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 8%, tập trung chủ yếu ở các hộ già cả, neo đơn, không nơi nương tựa.
Về Hồng Lam người dân trong thôn còn tự hào bởi tuy là dân góp nhưng nhiều năm nay trong làng không có tệ nạn, bà con hòa thuận, chấp hành đúng chủ trương của Nhà nước. Vui hơn, bởi sau rất nhiều cố gắng, đến cuối năm 2014 Hồng Lam đã được công nhận xóm văn hóa, trong đó một thành tích nổi bật là duy trì được nhiều năm liền không có người sinh con thứ 3.
Đến thăm xóm Hồng Lam cảm nhận được rất rõ sức sống của một làng quê đổi mới, của một giáo xứ bình yên, sống tốt đời đẹp đạo.
Mỹ Hà