Sát thực tiễn để "bấm huyệt" đúng vấn đề!
(Baonghean) - Chất lượng kỳ họp HĐND có ý nghĩa hết sức quan trọng, bởi đây là nơi thể hiện một cách toàn diện vai trò, năng lực cũng như hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử. Năm 2014, cử tri tỉnh nhà tiếp tục ghi nhận những đổi mới, nâng cao chất lượng ở các kỳ họp, thể hiện sự trăn trở, bám sát thực tiễn để “bấm huyệt” đúng vấn đề bức xúc từ thực tiễn của HĐND tỉnh.
Đồng chí Trần Hồng Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trò chuyện với người dân trong ngày hội Đại đoàn kết ở xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu). |
Chú trọng công tác chuẩn bị
Trước sự vận động và vươn lên không ngừng nghỉ của cuộc sống, nếu không đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND nói chung, nâng cao chất lượng kỳ họp nói riêng cũng đồng nghĩa với sự thụt lùi và lẽ đương nhiên sẽ tự làm mất đi “sứ mệnh” - cơ quan quyền lực cao nhất ở địa phương. Trước những vấn đề đặt ra, năm 2014, HĐND tỉnh tiếp tục có những cải tiến, sáng tạo để nâng cao chất lượng kỳ họp, ngày càng làm tốt hơn vai trò của cơ quan đại biểu dân cử.
Đổi mới đầu tiên, đó là việc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND tỉnh. Trước đây, theo chương trình, kế hoạch, HĐND tỉnh thường bố trí từ 2-3 đại biểu tiếp xúc cử tri tại một điểm thì nay được đổi mới bằng cách mỗi đại biểu tiếp xúc một điểm; tăng cường tiếp xúc trực tiếp đến tận đơn vị khối, xóm, cử tri là những người dân bình thường. Tiếp theo, đó là tăng cường các cuộc tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, theo ngành, lĩnh vực. Từ những đổi mới trong cách tiếp xúc cử tri, đã giúp các đại biểu thực hiện được nhiều cuộc tiếp xúc cử tri hơn, lắng nghe được nhiều ý kiến hơn, hiểu rõ hơn bản chất vấn đề vướng mắc trong thực tiễn, để phản ánh thông tin đến kỳ họp một cách chân thực nhất, không chung chung, hoặc xa rời thực tế.
Hiệu quả của đổi mới hoạt động của HĐND tỉnh đã được minh chứng tại 2 kỳ họp diễn ra trong năm 2014. Tại các kỳ họp này, những nội dung đưa ra thảo luận, bàn bạc, quyết định đều là những vấn đề liên quan đến “tỉnh kế, dân sinh”, như chất lượng khám, chữa bệnh, trình độ, tinh thần thái độ phục vụ của y, bác sỹ tại các cơ sở y tế; chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; công tác xóa đói, giảm nghèo chưa bền vững; quản lý xuất khẩu lao động còn nhiều hạn chế; công tác đào tạo nghề nhiều bất cập; nhiều dự án thu hút chưa được triển khai; chỉ tiêu xây dựng NTM, xây dựng trường chuẩn quốc gia; hoàn trả bàn giao hạ tầng lưới điện nông thôn; khó khăn trong sản xuất nông nghiệp; tình trạng thiếu đất sản xuất của người dân miền núi; công tác cải cách hành chính, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức chuyển biến chậm; chất lượng nước sinh hoạt của người dân chưa đảm bảo...
Nhờ bám sát thực tiễn, “bấm huyệt” đúng những bức xúc của nhân dân, nên những vấn đề đặt ra kể cả phiên thảo luận hay chất vấn thì nghị trường vẫn luôn “nóng”. Qua theo dõi và thống kê, tại mỗi kỳ họp HĐND tỉnh, có từ 90 - 98% đại biểu tham gia ý kiến, với 260 - 300 nội dung, vấn đề trong phiên thảo luận tại tổ; 16 - 25 lượt đại biểu tham gia ý kiến tại hội trường; 27 - 50 ý kiến ở phiên thảo luận thông qua nghị quyết; có 6 - 12 lượt đại biểu chất vấn với 12 - 23 vấn đề được nêu tại phiên chất vấn... Những con số biết nói đã cho thấy sự “nóng” và sự trăn trở, trách nhiệm của các đại biểu HĐND tỉnh. Nhờ đó, các kỳ họp HĐND tỉnh thời gian qua đã thu hút được đông đảo cử tri tỉnh nhà quan tâm theo dõi. Mỗi kỳ họp có tới 40 - 60 lượt cử tri gửi ý kiến thông qua đường dây nóng và bộ phận tiếp công dân...
Đề cao vai trò chủ tọa
Cùng với sự chuẩn bị chu đáo, chặt chẽ và lựa chọn những nội dung bám sát thực tiễn đời sống xã hội, thì nâng cao vai trò chủ tọa điều hành các kỳ họp cũng đã được HĐND tỉnh chú trọng. Ở các kỳ họp, chủ tọa đều được “phân vai”, mỗi người “phụ trách” điều hành một phiên để tập trung sâu và chắc ở từng nội dung và khi điều hành đều có đặt vấn đề mang tính định hướng, gợi mở cho đại biểu; có phần kết luận, “chốt” những việc đã làm được, việc chưa được, làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan cũng như trách nhiệm của từng cơ quan, ban, ngành để đề ra những biện pháp, giải pháp khắc phục có tính khả thi cao.
HĐND tỉnh cũng đã có sáng kiến là giao các Ban và Tổ đại biểu HĐND tỉnh (mỗi cấp huyện có 1 tổ đại biểu) nghiên cứu kỹ vấn đề, chuẩn bị bộ câu hỏi và phân công các đại biểu chất vấn sâu, rõ, trọng tâm từng vấn đề tại các phiên thảo luận và chất vấn. Nhờ đó, đã khắc phục được tình trạng đại biểu do không nắm chắc vấn đề nên nêu câu hỏi diễn giải, hỏi để lấy thông tin, thậm chí hỏi cho có, không đúng chức năng thẩm quyền của người trả lời như các kỳ họp trước. Chủ tọa thể hiện thái độ rõ ràng đối với người trả lời, đặc biệt là việc cần tiếp thu ý kiến đại biểu chất vấn để trả lời bằng văn bản, đồng thời rút kinh nghiệm và có biện pháp cụ thể, kịp thời vấn đề đại biểu nêu. Ở các phiên chất vấn, trong thời gian chờ các đại biểu đăng đàn, chủ tọa kỳ họp đã lồng các ý kiến cử tri gửi đến kỳ họp thông qua đường dây nóng yêu cầu lãnh đạo ngành trả lời, làm rõ vấn đề cử tri nêu. Theo đại biểu Nguyễn Thị Quỳnh Nga (Thanh Chương), phiên chất vấn trong các kỳ họp HĐND tỉnh gần đây đã thể hiện được sự “nóng”, thể hiện trách nhiệm, sự trăn trở của đại biểu HĐND tỉnh với các vấn đề cử tri quan tâm.
Bên cạnh sự đổi mới về phân vai chủ tọa, phân công rõ trách nhiệm cho các đại biểu, tổ đại biểu trong phiên chất vấn, thành công của các kỳ họp HĐND tỉnh trong năm qua còn thể hiện những vấn đề quyết định tại kỳ họp được thực thi, giải quyết. Tại các phiên bế mạc, chủ tọa kỳ họp là đồng chí Trần Hồng Châu - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đều giao nhiệm vụ cụ thể cho các cấp, ngành liên quan tích cực thực hiện. Đối với UBND tỉnh phải khẩn trương xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể, huy động mọi nguồn lực để thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của HĐND tỉnh đã thông qua. Đối với Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức thành viên trong hệ thống chính trị phải phối hợp chặt chẽ với HĐND, UBND các cấp trong mọi lĩnh vực hoạt động. Thường trực, các Ban HĐND tỉnh, các Tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh kịp thời tiếp xúc cử tri sau kỳ họp để báo cáo kết quả kỳ họp và trả lời những ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp; tích cực thực hiện nhiệm vụ đại biểu dân cử, kiến nghị và đề xuất những vấn đề mà cử tri quan tâm, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Qua theo dõi chuyển động sau kỳ họp, chúng tôi nhận thấy các ý kiến chỉ đạo của chủ tọa kỳ họp đều được thực hiện nghiêm túc. Đối với riêng Thường trực và các Ban HĐND, các đại biểu HĐND tỉnh đã thường xuyên đốc thúc UBND tỉnh và các ngành thực hiện các lời hứa tại kỳ họp; đôn đốc để giải quyết các kiến nghị, đề xuất, phản ánh của cử tri; tiến hành các hoạt động giám sát, khảo sát để tìm ra những bất cập, khó khăn nhằm kiến nghị, tháo gỡ kịp thời... Và cuối cùng, với sự cầu thị, sau mỗi kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh lại tổ chức rút kinh nghiệm kỳ họp, đó là cách để các kỳ họp HĐND tỉnh tiếp tục được đổi mới, nâng cao chất lượng nhằm thực hiện ngày càng tốt hơn vai trò cơ quan quyền lực cao nhất ở địa phương.
Minh Chi