Áo lính ngày Xuân

31/12/2014 17:18

Truyện ngắn của Đan Hòa

Hà Nội

(Baonghean) - Hai mươi ba tháng Chạp, ngày ông Táo chầu trời, không như thời tiết thường gặp vào mùa Đông, trời hôm ấy xanh trong không một gợn mây. Ông Mẫn mang chiếc áo lính ra giặt. Chiếc áo đã có tuổi thọ hơn 60 năm.

Đã 60 năm ông không còn cầm súng mà chỉ cầm bút, cầm mỏ hàn sửa chữa các thiết bị thí nghiệm. Đang hành quân lên Tây Bắc thì có lệnh rời quân ngũ về ATK. Chưa biết lý do, ông vô cùng lo sợ. Lục trong trí nhớ tìm xem mình có tội lỗi gì mà phải dứt bỏ một nhiệm vụ thiêng liêng không phải ai mong cũng được. Thời còn là học sinh Quốc học Vinh, ông là học sinh giỏi được khen thưởng nhiều lần. Vào trường đào tạo tú tài ở Huế, ông vẫn là một học sinh chăm chỉ. Học xong có người gợi ý ông ra làm quan, ông đã chối từ. Những tháng năm cầm súng ông đã nhận những việc đầy hiểm nguy, nào trận Tu Vũ, nào chiến dịch Hà Nam Ninh. Những ngày ấy ông đã gầy rộc, sụt mất tám cân. Ông đã rơi nước mắt khi được giao nhiệm vụ mới mà chưa bao giờ ông nghĩ đến. Đó là sang Liên Xô học tập. Thật lòng ông không vui, nhưng nhanh chóng yên tâm khi được dự báo về ngày thắng lợi không còn xa nữa, đuổi xong giặc phải xây dựng đất nước phồn vinh, nên cần những người “có chữ” để tạo ra vật chất.

Ở xứ người với băng giá của đất trời nhưng lại vô cùng ấm áp. Ông không thể quên những bà mẹ Nga, mẹ Ukraine đã nhận ông là con nuôi, họ quan tâm, lo lắng và yêu thương ông như ruột thịt... khi tin dữ về mẹ đẻ của ông qua đời.

Minh họa: Nam Phong
Minh họa: Nam Phong

Ông vừa giặt áo vừa nói đến chuyện “cá gỗ” mà ông vẫn thường nhắc lại cho con cháu nghe với một góc nhìn nghiêm túc là đã nghèo tiền thì phải học chăm để giàu chữ và khi giàu chữ thì biến chữ thành tiền không còn khó khăn. Quê ông là một vùng đất trên bờ sông Lam. Xưa nghèo rớt mùng tơi, nay đã đổi đời thực sự! Xưa phổ biến có chuyện... tự hào vì nghèo. Nay, cách nghĩ sai lầm ấy đã trôi vào quá vãng. Cái giậu mùng tơi tuy đã biến mất, nhưng người quê vẫn thắm tình làng xóm. Ai cũng vui khi người khác hơn mình. Bắt được kẻ trộm chó không dùng dao búa mà chỉ khuyên răn, hỏi lý do gây nên tội lỗi rồi giúp đỡ tận tình. Không còn chuyện ganh đua xây mồ mả tổ tiên họ này phải to hơn họ khác. Nhà nhà đua nhau làm lưới đánh cá mòi mùa Xuân bơi ngược nước tìm nơi đẻ trứng. Sản xuất gạo thơm xuất khẩu sang Nhật để sản xuất rượu Sakê, trồng vừng một vỏ tỷ lệ dầu cao xuất sang châu Âu... Tự tìm “con cá” và khiêm tốn làm theo bạn bè khi họ cho một chiếc “cần câu”.

Cả làng, cả xã từ cán bộ đến dân, ai cũng ít nói nhưng lại chăm làm. Hội cựu chiến binh không cầm súng nhưng vẫn giúp dân đổi đời theo cách làm của bộ đội biên phòng. Hội phụ nữ xã tuy chưa nối mạng nhưng ham đọc báo để ghi lại những điều cần biết nhằm giữ gìn sức khỏe và dùng thuốc an toàn. Các cô gái trẻ cũng không quên giai điệu đò đưa, ví giặm...

Trước khi đi học, ông Mẫn đã có một đứa con trai lên 10 tên Sơn. Khi ông học xong về nước thì “cún con Sơn” vừa đến tuổi tòng quân. Điểm thi tốt nghiệp phổ thông khá cao, vào đại học cũng đỗ nhưng Sơn vẫn quyết định tòng quân. Gia phong được thực hiện vô cùng đơn giản: Con phải noi gương cha, cứ thế mà làm. Cái tên Sơn gắn với núi non hùng vĩ Quảng Trị và Tây Nguyên. Còn nguyên vẹn sau những ngày đêm ác liệt ở Thành cổ Quảng Trị, lại đến Buôn Ma Thuột, rồi tiếp tục theo Quốc lộ 14 vào Sài Gòn trong cuộc Tổng tiến công mùa Xuân.

Năm nào Sơn cũng vào thăm lại Thành cổ Quảng Trị. Năm nay cũng thế ! Anh vừa trở về sau khi thả hương hoa xuống sông Thạch Hãn và đọc lại bài thơ:

Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ,

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm.

Có tuổi hai mươi thành sóng nước,

Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm…

Ngày còn là học sinh, Sơn giỏi môn Toán, môn Lý nhưng anh vẫn mê môn Sử nên anh rất tâm đắc với hai câu “Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm”, anh thuộc lòng “Nam quốc sơn hà”, bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên. Anh thường đọc cho nghe bài Bình Ngô của Nguyễn Trãi, Hịch tướng sỹ của Trần Hưng Đạo, lòng vị tha, kính trọng người tài của người anh hùng áo vải Quang Trung đối với La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp... Nhờ am hiểu lịch sử, Sơn hiểu ngay trí thông minh của Bộ Tư lệnh khi quyết định đánh chỗ này mà lại nghi binh ở chỗ khác. Vận dụng trí thông minh ấy, là chỉ huy của một lữ đoàn anh cho đồng đội cắm chốt ở những ngã tư dự đoán quân ngụy sẽ phản công hoặc canh giữ đài phát thanh Sài Gòn.

Cháu nội ông Mẫn tên là Hải. Hải chào đời khi không còn chiến tranh và non sông đã thu về một mối. Từ ấu thơ, anh đã thấy nhiều bạn bè cùng chung nhà trẻ, mẫu giáo đã sớm lìa đời vì uống nhầm thuốc, những bậc cha, chú vĩnh biệt người thân vì các bệnh hiểm nghèo. Tốt nghiệp phổ thông, anh thi vào Trường Đại học y, nơi sinh ra những người nhớ và làm theo lời thề của Hippocrates, của các danh y Tuệ Tĩnh và Hải Thượng Lãn Ông... Anh đi sâu vào các môn khoa ngoại với ước mơ sau này sẽ làm ra những bộ phận cơ thể người từ tế bào gốc.

Luận văn tốt nghiệp vào loại xuất sắc, nhiều bệnh viện gọi mời, nhưng anh tình nguyện ra công tác ở Trường Sa. Ra đảo chưa đầy một tuần mà da Hải đã sạm nắng chuyển sang màu bánh mật, anh hiểu những gian khổ của đồng đội đã sống ở đây nhiều năm. Cũng từ ấy, anh quyết tâm thể hiện ý thức, tình cảm của một người con luôn luôn hướng về phần máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc.

Khung cảnh thiên nhiên bao la của Trường Sa, vừa lãng mạn, vừa bình dị với hình ảnh cuộc sống vất vả đời thường. Anh càng thấm thía tình người khi thấy các đoàn tham quan lúc xuống tàu trở về đất liền đã ôm chầm anh và những người lính Hải quân. Năm năm người bác sỹ quê Nghệ đã cứu sống nhiều dân chài bị giông bão làm chìm thuyền, đã sơ cứu hàng trăm khách trong các đoàn ra thăm. Đấy cũng là phần thưởng anh được ưu tiên về ăn Tết ở quê nhà...

Mặc áo lính đón Tết, ông Mẫn và con cháu không chút lập dị, nó gợi nhắc về quá khứ anh hùng, tiếp nối truyền thống gia đình và dân tộc trong dựng nước và giữ nước!

ĐH