Xã Quỳnh Liên (TX. Hoàng Mai): Bài học từ vụ su su ế ẩm

11/03/2015 08:37

(Baonghean) - Từ vài vụ sản xuất hiệu quả, người dân xã Quỳnh Liên (TX.Hoàng Mai) đã tự phát mở rộng diện tích cây su su lên 70 ha, để đến vụ mùa này, sản lượng quá nhiều, sức mua giảm, giá chỉ còn 200 đồng/kg. Đau đớn để hàng trăm tấn quả su su rụng xuống gốc, đây là bài học cần nhìn nhận một cách thấu đáo trong sản xuất hàng hóa…

Thời gian đầu, nhiều gia đình thu vài trăm triệu đồng từ trồng su su.
Thời gian đầu, nhiều gia đình thu vài trăm triệu đồng từ trồng su su.

Được du nhập vào địa bàn cách đây dăm, bảy năm, cây su su đã chứng minh là cây trồng rất phù hợp với đồng đất xã Quỳnh Liên (Thị xã Hoàng Mai). Cách đây khoảng 3 - 4 năm, thời điểm cao nhất, giá su su khoảng 10.000 đồng/kg và khi đó, xã có khoảng 30 - 40 ha, mỗi năm đem lại nguồn thu hàng tỷ đồng, trong đó nhiều gia đình thu vài trăm triệu đồng/năm từ trồng su su. Ông Hồ Văn Thuyết, cán bộ nông - lâm xã Quỳnh Liên cho biết: Thời điểm đó, su su là cứu cánh cho nông nghiệp Quỳnh Liên vì giúp chuyển đổi cơ cấu cây trồng và tăng mùa vụ. Tuy nhiên, vài ba năm lại đây, với việc diện tích su su không ngừng tăng nên vào dịp Tết Nguyên đán, cùng với nhu cầu tiêu thụ giảm nên quả su su chịu cảnh rớt giá thê thảm. Thế nhưng tình trạng ế ẩm và giá thấp như hiện nay là mức thấp kỷ lục, chỉ còn 200 đồng/kg (tính đến 10/3).

Theo một số hộ dân, so với bình quân các năm trước, giá thấp nhất cũng duy trì ở mức 700 - 1.000 đồng/kg, thế nhưng cả tháng nay, giá chỉ ở mức 200 đồng/kg. Để bù đắp chi phí và có một chút lãi thì giá su su tối thiểu phải ở mức 1.000 đến 1.200 đồng/kg. Với mức giá như hiện nay, nhiều người dân chấp nhận cho quả rụng để làm phân bón thay vì công thu gom để bán lại mất thêm khoảng vài trăm ngàn đồng công vận chuyển, đóng gói. Đặc điểm của cây su su là quả ra liên tục, nếu không thu hoạch cũng phải rung cây để quả rụng xuống vì nếu để nhiều quả sẽ nặng làm sập giàn và ảnh hưởng đến lứa quả tiếp theo. Cách làm phổ biến của các hộ dân là chấp nhận bán rẻ hoặc để quả rụng xuống gom lại làm thức ăn cho bò, lợn hoặc làm phân xanh để bón cây cho vụ tới.

Nguyên nhân của việc giá su su tại Quỳnh Liên xuống thấp đến mức kỷ lục là do không có người mua. Dịp Tết Nguyên đán là lúc người lao động các thị trường lớn phía Bắc, phía Nam nghỉ việc về quê ăn Tết, các phương tiện vận tải ngừng hoạt động nên sức tiêu thụ giảm hẳn. Trong khi đó, cây su su với điều kiện thời tiết tốt khoảng 3 -5 ngày thu hoạch 1 lứa quả khiến nguồn “cung” su su quá nhiều. Cây su su rất phù hợp với đồng đất Quỳnh Liên và dễ chăm sóc nên cho năng suất rất cao, bình quân từ 6 - 8 tấn/sào, tương đương khoảng 140 - 150 tấn/ha. Thời điểm hiện tại, người dân xã Quỳnh Liên đã mở rộng diện tích lên 70 ha, mỗi ngày Quỳnh Liên có từ 20 - 30 xe chở khoảng 200 - 300 tấn đi bán các nơi mà không hết, quả su su vẫn tồn đọng rất lớn. Ông Nguyễn Văn Ước ở xóm 5, trồng 5 sào su su cho biết: “Loại cây này trồng hàng năm từ tháng 9 âm lịch đến tháng 3 năm sau. Với giá như hiện tại, nhiều hộ sẽ không đủ chi phí giống, phân bón, làm giàn, công chăm sóc. Gia đình ông may mắn bán được mấy lứa quả trước với giá gần 1.000 đồng/kg nên vừa đủ chi phí. Tính từ khi giá su su xuống thấp nhất đến nay, gia đình mất khoảng 12 tấn quả su su để làm thức ăn gia súc hoặc làm phân bón”.

Trong khi đó, anh Hồ Văn Đước ở xóm 6, người trồng nhiều cây su su nhất xã Quỳnh Liên với 15 sào cho biết: “Gia đình trồng su su cách đây 8 năm, năm cao điểm nhất thu được khoảng 220 triệu đồng, sau khi trừ chi phí lãi khoảng 100 triệu đồng. Cây su su đã góp phần đưa kinh tế của gia đình trở nên khá giả nhưng năm nay lỗ nặng vì su su xuống giá quá thấp và cũng ít người hỏi mua, vì thế đành để mặc cho quả rụng, thiệt hại khoảng trên 20 tấn quả. Trao đổi với một số đại lý thu mua su su ở xã, được biết giá nhập su su tại chợ Hà Nội dịp Tết khoảng 400 đồng/kg, như thế chưa đủ chi phí vận tải, bản thân họ muốn mua tăng giá cho bà con mà không được. Năm nay không chỉ su su mà một số cây rau màu khác trên địa bàn xã cũng ế ẩm và giá quá rẻ.

Ông Hồ Văn Đước (xóm 6, xã Quỳnh Liên) gom quả su su làm phân bón.
Ông Hồ Văn Đước (xóm 6, xã Quỳnh Liên) gom quả su su làm phân bón.

Ông Hồ Ngọc Tăng, Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Liên cho biết: Ưu điểm của quả su su là thời gian bảo quản tương đối dài (nếu thời tiết lạnh thì để được từ 7- 10 ngày). Thế nhưng, do quả su su chỉ dùng để ăn và chưa có cách chế biến hay bảo quản nên sức tiêu thụ rất hạn chế. Việc mở rộng diện tích su su là do các hộ dân tính toán thấy lợi thì làm còn xã chưa có quy hoạch, định hướng cho người dân. Các năm trước giá thấp nhưng cũng được 1.000 đồng/kg nên không thiệt hại lắm nhưng giá thấp như hiện nay chưa khi nào xảy ra.

Chắc hẳn, tới đây, nhiều gia đình ở Quỳnh Liên sẽ giảm diện tích su su và chuyển sang trồng một số cây trồng khác có hiệu quả hơn. Nhưng từ thực tế này có thể rút bài học kinh nghiệm cho nhiều vùng sản xuất khác. Đó là quá trình phát triển cây, con cần tính toán giữa đầu tư sản xuất, chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm, từ đó có quy hoạch diện tích sản xuất, cơ cấu phù hợp, tránh hiện tượng “được mùa mất giá”. Ngay cả chính quyền địa phương cũng cần vào cuộc phối hợp với các ngành chức năng và các doanh nghiệp để nghiên cứu, dự đoán thị trường để có những khuyến cáo kịp thời cho bà con nông dân trong phát triển sản xuất… Bên cạnh đó, người trồng su su cũng cần năng động, linh hoạt, có thể thu hoạch ngọn su su làm rau sạch cũng là một nguồn thu đáng kể, giảm được tổn thất khi giá su su có nguy cơ giảm mạnh.

Nguyễn Hải