"Gấu" Nga có sớm vượt qua "giá lạnh"?
(Baonghean) - Mùa Noel năm nay với người Nga cái lạnh thời tiết có lẽ không đáng sợ bằng cái “lạnh” rơi vào đáy sâu khủng hoảng kinh tế. Cựu Bộ trưởng Kinh tế Nga Alexei Kudrin cho rằng, Nga đã rơi vào khủng hoảng toàn diện và năm 2015 hàng loạt công ty vừa và nhỏ của Nga sẽ vỡ nợ, mức tín nhiệm tín dụng của Nga có thể sẽ rơi vào hạng “rác”. Còn Tổng thống Putin cũng dự báo khó khăn sẽ còn vây bủa Nga ít nhất trong vài năm nữa. Những ngày qua, thế giới đang chứng kiến Nga liên tiếp có những cú vùng vẫy thoát khỏi khó khăn một cách khó nhọc.
Người dân Nga đổ xô đi mua hàng hóa khi đồng ruble giảm giá. Ảnh internet |
TIN LIÊN QUAN |
---|
Cùng với các biện pháp nói trên, người Nga đã phải dùng đến những biện pháp mạnh để chặn đà suy thoái. Ngày 23/12, Chính phủ của Thủ tướng Medvedev đã “ép” các doanh nghiệp lớn bán bớt ngoại tệ để hỗ trợ đồng ruble đang lao dốc. Cụ thể, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu của Nga như Gazprom và Rosneft phải bán bớt USD, “bơm” USD vào thị trường để giải cứu đồng ruble. Các doanh nghiệp lớn đã được yêu cầu phải giảm dự trữ ngoại tệ xuống mức thấp nhất, trước thời điểm ngày 1/10/2014. Chính phủ sẽ “ngồi lại” với các “đại gia” xuất khẩu để buộc họ phải thực hiện quy định trên trước ngày 1/3/2015, theo đó, ít nhất có 5 tập đoàn phải bán 1 tỷ USD mỗi ngày cho đến ngày 1/3. Ngay sau khi điều này được công bố, đồng rubel chẳng những hãm được đà tụt dốc, mà còn có dấu hiệu tăng 5,5% lên mức 1 USD đổi được 55,4 ruble. Đây quả là biện pháp hữu hiệu, bởi giá đồng ruble đã phục hồi khoảng 20% so với mức đáy 1 USD đổi được 80,1 ruble ngày 16/12.
Cùng với các biện pháp mạnh mẽ trong nước, Nga vừa đạt được những thỏa thuận hợp tác với Trung Quốc. Trong đó, Trung Quốc cam kết giúp Nga trong hoàn cảnh khó khăn bằng cách tăng cường giao dịch thương mại bằng đồng nhân dân tệ với Nga. Với biện pháp này, Nga chấp nhận bị “nhân dân tệ hóa” về xuất nhập khẩu, và Trung Quốc cũng tranh thủ cơ hội này để phát huy ảnh hưởng của đồng nhân dân tệ, thể hiện ảnh hưởng của vị trí cường quốc kinh tế thứ 2 thế giới.
Như vậy, Nga đã có những cú vùng vẫy mạnh để thoát ra khỏi khó khăn và những vùng vẫy đó ít nhiều đã có hiệu quả. Tuy nhiên, cái giá phải trả cho những quyết định buộc phải đưa ra trong hoàn cảnh bất lợi là không hề nhỏ, nhưng trong tình thế này, người Nga không còn lựa chọn nào mà không phải đánh đổi. Thậm chí, ngay cả lúc Nga đã đưa ra những biện pháp tình thế phải chịu sự trả giá, “ánh sáng cuối đường hầm” vẫn chưa đến với người Nga trên đường tìm kiếm lối thoát khỏi khó khăn. Giới phân tích dự báo rằng, kể cả khi đồng ruble có tăng giá trở lại, thì kinh tế Nga vẫn bết bát, nếu giá dầu thế giới vẫn tiếp tục giảm. Một khó khăn khác tiếp tục xuất hiện bên cạnh nước Nga là Quốc hội Ukraine vừa bỏ phiếu thông qua dự luật xóa bỏ trạng thái không liên kết, mở đường cho phép chính quyền Ukraina rộng cửa gia nhập Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO), điều mà Nga không hề mong muốn. Cùng với đó, ngày 19/12, điện Kremlin loan báo Tổng thống Nga Vladimir Putin đã mời nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong un thăm chính thức Nga vào năm 2015, thì chỉ vài ngày sau tất cả các trang báo quốc tế đều đưa tin Bắc Triều Tiên đang phải trải qua vụ “rớt mạng” Internet tồi tệ nhất. Dù những thông tin này không thật sự liên quan nhiều đến nhau, nhưng cũng gợi nên những cảm giác không thật sự tốt đẹp đối với Nga lúc này.
Tuy nhiên, dù sao thì trước thềm năm mới, người ta vẫn nghĩ đến những điều tốt đẹp. Lúc này, đức tính vượt qua khó khăn của người Nga lại được nhớ đến và hình ảnh “gấu” Nga vượt qua “giá lạnh” để tồn tại lại hiện lên rõ nét hơn.
Chí Linh Sơn