Liên lạc…

09/04/2015 15:51

(Baonghean) - Cách đây vài tuần, tôi có chuyến hành hương đi về huyện N dự đám giỗ, sau cuộc tỷ thí rượu mang chủ đề “nhập gia tùy tục” của tối hôm trước, thú thực, người viết bài này đang có ý định tranh thủ thời cơ lạ nhà kiếm thêm mấy phút ngủ “bù giờ”.

Ai ngờ mới sáng sớm tinh mơ đã nghe loa xóm phát oang oang: “A lô a lô, Ban liên lạc hội cựu cán bộ trạm bơm Hợp tác xã HĐ xin thông báo: Vào 19 giờ 30 phút tối nay, trân trọng kính mời tất cả các đồng chí thành viên trong ban liên lạc, tập trung tại Nhà văn hóa thôn 5 để thông qua lần cuối chương trình công tác quý hai và bàn kế hoạch đi tham quan chùa Bái Đính. Đây là hội nghị triển khai nhiều nội dung quan trọng, có đại biểu cấp trên về dự và chỉ đạo, yêu cầu tất cả các đồng chí có mặt đầy đủ và đúng giờ. Ao lô ai lô”.

Thấy “đài truyền thanh xóm” phát nội dung là lạ thêm đôi chút ngồ ngộ, bữa trưa hôm đó tôi đem vấn đề “siêu thời sự” này chất vấn ông chú họ: “Có cả hội cựu cán bộ trạm bơm hả chú?” Chú cười trả lời, “Ừ, tau cũng tưởng về hưu là nghỉ, rồi sáng trông cháu chiều tưới cây, tối tựa lưng xem vê tê vê. Ai dè người ta lại còn “trét” cho cái phó ban liên lạc cựu trạm bơm”. Biết chú giữ “cương vị chủ trì” của ban liên lạc, tối rấn thêm để moi thông tin “Ơ chú leo lên tận phó ban cơ à? Cháu tưởng phó ban phải tầm cái bác đọc thông báo lúc sáng”. “Ừ, thì ông ấy là phó ban phụ trách hậu cần, tau phó ban thường trực” – chú phân bua. “Thế đại biểu “cấp trên” về dự là ai hả chú?” “À, là cậu Thắm nhà mi chơ ai. Cậu Thắm cấp trên vì ngày trước công tác ở... trạm bơm huyện”. Thấy hay hay, tôi chủ động “tấn công” tiếp: “Thế ai “cấp phép” cho ban liên lạc hoạt động?” Chú cười khì khì, “Phép với tắc chi, mấy anh em choa tự rủ nhau thành lập ban liên lạc để đi lại cho vui. Tau còn kiêm cả trưởng ban liên lạc cán bộ phòng thủy lợi huyện qua các thời kỳ, mự nhà mi cũng là thủ quỹ của chi hội nuôi ong xã mình đó”.

Tìm hiểu thêm thì được biết có một phần ba các chú các bác lớn tuổi trong họ là cán bộ hưu trí, và thật vui khi được biết đều là thành viên của một hội hoặc ban liên lạc hưu trí ngành hay cơ quan nào đó. Quả thực, chủ đề câu chuyện rôm rả của một đám giỗ miền quê hôm ấy cứ cuốn tôi vào ma trận của những hội, hội và... ban liên lạc. Ai cũng hớn hở tranh thủ “diễn đàn” báo cáo thành tích hoạt động của hội nhà mình, nào là mấy thành viên, nào là có ông nọ bà kia từng giữ trọng trách kia chức sắc nọ. Nào là ban liên lạc X vừa rồi “huy động” từ nguồn “đối ngoại” những mấy chục triệu, nào là hội Y tổ chức đi động Phong Nha được mấy lần... Cứ thế, vài chén rượu quê dẫn các chú các bác vào một chủ đề xã hội tưởng chừng như không hồi kết cho đến khi bà cô trong họ vừa rót nước vừa thở dài: “Bầy tui ở nhà đi cày thành thử nỏ có ban liên lạc chi chi. Hay cho bầy tui thành lập thêm cấy hội những ngài nỏ có... hội?”

Chủ đề đàm luận “bàn tròn” bên chén rượu của bữa ấy dẫn tôi đến với Google, đánh chữ khóa “Ban liên lạc hội” thì cho 3.040.000 kết quả trong vòng 0,39 giây; còn từ khóa “thành lập hội” thì lại cho 11.800.000 kết quả trong vòng 0,29 giây. Quả là những con số “lắm lời”!

Sự ra đời của các hội là một đòi hỏi khách quan, là tiến trình phát triển có tính quy luật của nhu cầu xã hội. Tuy nhiên, về mức độ, quy mô, cách thức tổ chức và nội dung hoạt động của các hội thì còn quá nhiều chuyện để “làm rôm đám giỗ”.

Về khái niệm hội, theo Nghị định số Số 45/2010/NĐ-CP, ban hành ngày 21 tháng 4 năm 2010, của Chính Phủ thì “Hội được quy định trong Nghị định này được hiểu là tổ chức tự nguyện của công dân, tổ chức Việt Nam cùng ngành nghề, cùng sở thích, cùng giới, có chung mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, hoạt động thường xuyên, không vụ lợi nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội, hội viên, của cộng đồng; hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước” Cũng tại Nghị định này còn quy định “Hội có các tên gọi khác nhau: hội, liên hiệp hội, tổng hội, liên đoàn, hiệp hội, câu lạc bộ có tư cách pháp nhân và các tên gọi khác theo quy định của pháp luật (gọi chung là hội)”. Phạm vi hoạt động của hội cũng được quy định theo lãnh thổ như toàn quốc, tỉnh, huyện, xã.

Tuy nhiên, ngoài những hội được quy định khá chặt chẽ tại Nghị định 45 vừa nêu thì trong thực tiễn cuộc sống còn rất nhiều các tổ chức được hình thành dưới dạng “ban liên lạc” mà có lẽ nhiều nhất, “rôm” nhất vẫn là ban liên lạc “cựu cán bộ ngành X”, hoặc “cơ quan Y...” nào đó. Qua quan sát, chúng tôi thấy hầu hết các vị “trụ trì” của những ban liên lạc này thường là những người rất đáng kính, họ phần nhiều từng giữ trọng trách “thét ra lửa” của ngành hoặc cơ quan. Dẫu về hưu nhưng tiếng nói của họ tất nhiên vẫn làm “lay động” mấy “cậu chủ trì đương nhiệm” vốn từng là lính tráng. Họ mang đến “cuộc gặp mặt truyền thống” hàng năm những lời chỉ bảo ân cần.

Thỉnh thoảng có thể cũng vài cú a lô về cơ quan cũ nhắc nhở việc nọ việc kia. Và đôi khi “ban liên lạc” cũng “mong muốn cơ quan tạo điều kiện thêm về kinh phí hoạt động” bằng một thư rất chi là nhẹ nhàng... Nhiều bác vẫn say sưa, có bác “năng động” vận dụng tất thảy mọi ưu thế của thời đương nhiệm vào kỳ hưu trí. Nghe nói có bác còn bỏ bê cả chuyện tưới cây hay trông cháu, thậm chí có bác còn “quên” cả chuyện nhận trách nhiệm bí thư hay xóm trưởng để toàn tâm toàn ý cho... ban liên lạc. Chưa hết, nghe nói còn có cả “ban liên lạc” ứng dụng mạng internet để mở trang web hay lập facebook cho tiện “ắp đết” (update) thông tin. Nể chưa! Các bác về hưu quả là thật nhiều... trí!

Vui thì cũng vui thật, quý thì cũng quý ghê, tình cảm thì cũng tình cảm lắm... Nhưng, cứ nhớ mãi chuyện tại đám giỗ quê bữa ấy, bà cô rót nước chè trước lúc về còn nói vọi “các cậu liên lạc chi thì liên lạc chứ đừng có bỏ liên lạc với o là được”.

Nguyễn Khắc An