Ủ men vi sinh trong chăn nuôi
(Baonghean) - Qua lời giới thiệu của lãnh đạo xã Thanh Ngọc (Thanh Chương), chúng tôi ghé thăm gia đình anh Nguyễn Hữu Lương ở xóm Ngọc Đình, là một trong những hộ dân ứng dụng phương pháp ủ men vi sinh để chế biến thức ăn cho vật nuôi.
Trò chuyện, anh Lương bộc bạch: Trước đây khi chưa biết đến phương pháp mới này thì gia đình chưa tận dụng hết các loại phụ phẩm nông nghiệp sẵn có từ cây ngô, cây sắn để làm thức ăn cho gia súc. Chẳng hạn, vào vụ thu hoạch ngô, chỉ lấy mỗi bắp, một ít lá xanh cho trâu, bò ăn còn thân cây chặt về phơi khô dùng để đun nấu. Cây sắn cũng vậy, chỉ lấy mỗi củ, còn lá cũng vứt bỏ nên rất lãng phí. Bây giờ, bằng kỹ thuật ủ men vi sinh, gia đình đều tận thu hết để chế biến làm nguồn thức ăn phục vụ chăn nuôi.
Gia đình anh Nguyễn Hữu Lương sử dụng thức ăn ủ men vi sinh nuôi lợn. |
Kỹ thuật ủ thức ăn bằng men vi sinh theo anh Lương cho biết cũng rất đơn giản, dễ làm. Trước hết, từ các nguyên liệu sẵn có như ngô, sắn... đưa vào máy băm nghiền để nghiền nát, trộn đều hỗn hợp thức ăn với một lượng men vi sinh phù hợp. Sau đó, cho vào thùng hoặc bao tải có lót ni lông buộc chặt, đem ủ nơi khô ráo, thoáng mát. Thời gian ủ lên men chỉ cần đến lúc thức ăn có mùi thơm mát và chua nhẹ là dùng được. Nên sử dụng lượng thức ăn đã lên men trong 1 - 2 ngày, để lâu thức ăn sẽ quá chua, ảnh hưởng đến chất lượng.
Như để chứng minh, anh Lương vui vẻ dẫn chúng tôi xuống thăm khu chuồng trại nuôi lợn của gia đình. Số lượng lớn gần 40 con lợn, nhưng một điều dễ nhận thấy là với thức ăn ủ men vi sinh sẽ đảm bảo được vệ sinh môi trường, ít mùi hôi hơn. Anh Lương cho biết thêm, từ khi sử dụng thức ăn ủ men vi sinh, đàn lợn tăng trưởng, phát triển tốt, tăng trọng nhanh. Mặt khác, giảm được chi phí thức ăn do tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có, giá rẻ tại địa phương và lượng thức ăn tiêu tốn sẽ giảm đáng kể do tăng được tỷ lệ tiêu hóa hấp thu thức ăn. Ngoài ra, còn giúp tăng sức đề kháng cho vật nuôi, giảm được tỷ lệ mắc bệnh, nhất là bệnh về đường ruột.
Từ hiệu quả đó, hiện trong xóm Ngọc Đình có rất nhiều hộ chăn nuôi cũng áp dụng kỹ thuật này. Chị Nguyễn Thị Quyên - một người dân trong xóm chia sẻ: “Thấy hộ anh Lương nuôi lợn bằng thức ăn chế biến từ kỹ thuật ủ men vi sinh đem lại giá trị kinh tế cao, lại không tốn công, nên gia đình tôi làm theo. Hiện trang trại nuôi lợn có khoảng 60 con khi được bổ sung thức ăn này rất nhanh lớn, khỏe mạnh và chất lượng thịt đảm bảo, dễ bán”. Người dân ở các xóm Minh Nhuận, Ngọc Xuân, Ngọc Quang... cũng chế biến thức ăn từ vi sinh để vỗ béo đàn trâu, bò, dê đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Nguyễn Công Nông, Chủ tịch UBND xã Thanh Ngọc cho biết: Dự án “Xây dựng mô hình áp dụng công nghệ vi sinh để chế biến thức ăn cho gia súc tại Nghệ An” được Sở Khoa học và Công nghệ hợp đồng với Công ty Green Nghệ An triển khai ở địa phương từ tháng 12/2013. Đến nay, thực tế cho thấy kỹ thuật này đã khẳng định được tính hiệu quả, đem lại nhiều lợi ích cho người chăn nuôi. Từ chỗ chỉ có một số ít hộ tham gia bây giờ trên địa bàn xã, số lượng gia đình áp dụng kỹ thuật này tăng lên đáng kể. Để tiếp tục nhân rộng, người dân mong muốn Nhà nước có cơ chế, chính sách hỗ trợ một phần kinh phí giúp bà con mua máy nghiền nguyên liệu và tổ chức tập huấn kiến thức nhằm mục đích giúp cho việc chăn nuôi đạt hiệu quả cao hơn...
Bài, ảnh: Văn Đăng