Hương bánh - hồn quê...

26/02/2015 22:26

(Baonghean) - Chuyến xe khách đầu xuân lăn bánh trên cung đường thảm nhựa trải dài tít tắp. Ngoài ô cửa kính mờ, ánh lên bát ngát xanh rì đồng bãi, óng vàng sắc nắng mật ong dát trên lăn tăn sóng nước Lam giang. “Quê mình kia rồi!”- anh reo lên, đôi môi khẽ run run trong xúc cảm vời vợi nhớ mong...

Phụ nữ xứ Dừa gói bánh gai.
Phụ nữ xứ Dừa gói bánh gai.

Cửa xe bật mở, anh nắm chặt tay tôi, bồi hồi bước xuống. Người đàn ông tóc đã phai màu sương, rắn rỏi vượt qua những long đong vận hạn, nay vụt trở thành cậu bé lên 5, lên 7 thuở nào, lóng ngóng và rưng rưng trước những điều thương yêu máu thịt hiện hữu trước mắt. Anh liên tục cất tiếng gọi “quê mình”! “Quê mình” trong anh, là xứ Dừa Tường Sơn (Anh Sơn) - cái xứ gió Lào rát bỏng ngày hè, chang chang nắng rải trên thớ đất cằn khô mà anh đã nhiều lần kể với tôi - người con dâu miền Bắc chưa bao giờ có dịp tận hưởng thứ “đặc sản” thiên nhiên ấy. Anh bảo, tuổi thơ anh là những ngày chăn trâu, cắt cỏ, độc chiếc áo cũn cỡn kéo tận rốn và chiếc quần “lò xo” tứ mùa, dong trâu ra đồng là cả bầy trẻ con trong làng hò nhau nhảy ùm xuống dòng nước mát. Anh chỉ tay ra đằng xa, dòng sông Lam quê mình đấy, cuộn mình trong nắng chiều sóng sánh, tưởng như cuộn về bao nỗi xuyến xao trong lòng những người con xa xứ. Nơi nào mà chẳng có dòng sông, tôi đã từng không thể hiểu sao anh lại có thể nhớ thương dòng sông quê mình đến thế? Dòng sông bình dị mà vĩ đại, anh ví như lòng mẹ bao dung... Dòng sông ngọt ngào tắm đẫm những dại khờ, vỗ về bao ẩn ức...

Dòng sông trở thành biểu tượng tinh thần, hun đúc những giá trị vật chất nhỏ bé - lớn lao trĩu nặng lòng những người con xa quê. Anh kể, xứ Dừa quê anh nổi tiếng gần xa, vì vị ngọt dòng Lam được gói trọn trong hương vị quê kiểng của món bánh gai mộc mạc. Anh dẫn tôi thong dong lên xuống Dốc Dừa. Nơi đó, người dân địa phương ken dày những hàng quán rộng rãi, vừa làm, vừa bán món đặc sản dân dã ấy. Những chuyến xe tấp nập dọc đường Quốc lộ 7 thi thoảng đỗ lại, hành khách trên xe vội vã xuống hỏi mua bánh gai về làm quà. Quê anh mùa này nắng đã bắt đầu oi nồng lắm, nhưng riêng Dốc Dừa được hai bên cánh núi chở che, lúc nào cũng thấy mát lành những ngọn gió từ sông hun hút đến...

Món bánh có cái tên xù xì gai góc, nhưng khi cầm lên, nhẹ bẫng và nhỏ nhắn đến độ ngỡ như không thể giản dị, mộc mạc hơn được nữa. Thứ lá bọc ngoài nâu thẫm bình yên, như màu áo nâu của bà, của mẹ; như màu đất thơ thới trên đồng... Thấy người con dâu xứ Bắc cứ vân vi mãi chuyện bánh trái, chị Bùi Thị Hà - chủ một hàng bánh ven đường vẫy lại. Non nửa đời người, chị Hà sinh ra và lớn lên ở chốn này, là cũng ngần ấy tháng năm, hương vị món bánh gai quấn quýt tâm hồn chị, bồi đắp tình yêu bản quán và tâm huyết lan tỏa đặc sản quê nhà đến mọi khách phương xa. Cơ sở làm bánh gai của gia đình chị đã nô nức nhịp làm việc đầu năm, tiếng nói, tiếng cười rộn rã. “Nói cười cho vơi đi mệt nhọc, chứ thực tình làm ra chiếc bánh gai, phải trải nhiều công đoạn vất vả lắm!”- Chị Bùi Thị Hà chia sẻ.

Chiếc bánh gai nhỏ bé, bồi lắng tình đất, tình người chốn sơn thủy hữu tình. Nguyên liệu chính để làm bánh, thuần túy là hương vị đồng dã thân thương: nào nếp trắng đồng chiêm, nào đường mơ sông Lam, nào đậu xanh lòng đất Anh Sơn, rồi kể đến cả thứ lá gai nhuộm màu nâu đen đặc trưng của bánh, và thức lá chuối bọc ngoài... Tất thảy những nguyên liệu ấy, đều được tuyển chọn kỹ lưỡng, ví như lá chuối, thì phải được hái xuống khi đã khô tự nhiên ở trên cây, sao cho lá khô mà không giòn gãy, vẫn còn chút ẩm mềm để gói bánh không dính bột và lỏng tay. Khó nhất là khâu làm màu cho bánh. Chị Bùi Thị Hà bảo, trước đây cây gai trong tự nhiên còn nhiều, nhưng dần dà, nhu cầu giao thương tăng cao, người dân khai thác nhiều để làm bánh nên đã thưa vắng dần. Để có nguyên liệu chủ chốt cho món đặc sản này, các cơ sở phải tự trồng lấy cây gai. Lá gai hái về, rửa sạch để ráo, bỏ vào nồi đổ ngập nước và nấu kỹ sùng sục một ngày tròn. Bấy giờ, chiếc lá gai xanh tươi đã ngả quyện màu nâu thẫm. Màu sắc nồng ấm ấy, cùng với nếp dẻo thơm, nhân đậu xanh và dừa tươi thanh ngọt, đã làm nên “danh tiếng” của thức bánh gai xứ Dừa.

Bánh gai xứ Dừa.
Bánh gai xứ Dừa.

Cùng đứng cạnh bên tôi ngắm nhìn những công đoạn làm bánh, thi thoảng hòa vào những chuyện đùa vui của hàng chục nhân công đôi tay đương thoăn thoắt, anh bảo khẽ, nhớ lắm miền quê trong ký ức! Miền quê ấy, có bà, có mẹ, có chị, những mùa đông rét tím người, lập cập dậy từ sớm để ngâm đậu, giã lá, làm món bánh sớm cho những đứa nhỏ trong nhà đang cuốn mình trong chăn ấm. Đã biết bao buổi sáng mùa Đông trong quá khứ, anh trở dậy cùng hương vị lừng thơm của món bánh gai hôi hổi nóng, ấm lòng cả một miền thơ dại. Quê hương với người này là phố xá, với người kia là ruộng đồng, và với anh, là phong vị của những món ăn bình dị ấy...

Thêm một lần, tôi lại được nghe anh kể câu chuyện cuộc đời. Câu chuyên mà chúng tôi đều đã thuộc, mà sao đứng chân trên đất này, lại mang đến những xúc cảm rưng rưng. Ở đó, có hình ảnh một cậu bé nhà nghèo, cơm chẳng đủ no, áo không đủ mặc nhưng hiếu học vô cùng. Món quà duy nhất anh được bà và mẹ thưởng cho mỗi thành tích đạt được trong học tập, là những món quà vặt dân dã. Khi là bánh gai, khi là bánh ong... Nếu như bánh gai là đặc sản xứ Dừa Anh Sơn - quê nội, thì bánh ong là đặc sản quê hương Nam Đàn - quê ngoại của anh. Hai món bánh dân dã kết tinh từ mạch nước dòng Lam, nguyên liệu làm nên từ sản vật của bãi bờ xứ Nghệ, mấy chục năm rồi, vẫn vấn vít trong tâm hồn người viễn xứ.

Bánh ong - đặc sản dân dã quê hương Nam Đàn.
Bánh ong - đặc sản dân dã quê hương Nam Đàn.

Anh bảo, bánh ong ăn có vị ngọt của mật mía, độ dẻo của gạo nếp và hương thơm quyện hòa của gừng, vừng, dầu chuối... Cũng như bánh gai, làm bánh ong cầu kỳ lắm, từ khâu chọn nguyên liệu cho đến cách chế biến, cho nên bánh thường được làm từ bàn tay khéo léo mà chắc chắn, cẩn thận của những người cao tuổi trong nhà. Những mẻ bánh ong thường được làm vào dịp đầu Xuân, năm mới. Cứ mỗi độ tầm 23 Tết, người làm bánh sẽ chuẩn bị sẵn 2 phần gạo nếp ngon, 1 phần để dành riêng cho lũ trẻ con đưa đi nổ thành thứ hạt xốp tơi, còn 1 phần được xay ra thành bột. Tôi nhìn sâu vào mắt anh, vẫn còn đó lấp lánh niềm vui khi nhớ về kỷ niệm ngày thơ bé, cùng chúng bạn nâng niu trên tay gói nếp mẹ trao, hò reo trên con đường đất trải dài giá lạnh. Những hạt bỏng nếp tí tách reo trong lò thổi, cám nếp khẽ bay dậy lên thoang thoảng mùi thơm đồng chiêm... Mang theo thành phẩm trở về, đến đầu ngõ, đã nghe lách cách tiếng bà giã gừng, dậy lên trong gió mùi gừng cay xộc. Gừng là thứ gừng già của vườn, ủ trong mát rượi đất nâu dễ đã một năm. Gừng đấy, cùng với lạc và vừng được rang chín tới, thì đã làm nên nửa phần nguyên liệu chủ chốt của món bánh ong thơm ngon rồi.

Bánh ong ngon ở phần mật mía. Mía đỏ dọc bãi bờ Lam giang, mây mẩy và ngọt lừ chất đường. Mía nấu thành mật, làm dậy hương cho vị bánh. Đun sôi mật lên, từ từ thả gừng giã nhỏ vào, rồi hỗn hợp ấy được quyện hòa vào phần bột nếp, lạc và vừng. Lúc này, người làm bánh phải cật lực dùng đũa cả khuấy đều lên, nêm ít giọt dầu chuối cho dậy vị. Hương thơm tỏa nồng khắp ngôi nhà nhỏ... Hương thơm ấy, theo những đứa trẻ quê anh bay nhảy khắp xóm làng ngày hội tết; dặt dìu mùi hương trong balo con cóc cũ sờn, theo chàng binh sĩ lên giảng đường đại học; và cho đến tận bây giờ, vẫn tỏa lan vấn vít trong tâm hồn. Người đàn ông đã xê dịch quá nửa đời dư, cơm hàng, cháo chợ từ Nam chí Bắc, nếm thử đủ món ngon vật lạ tứ phương, mà còn khao khát hương quê mộc mạc đến độ không thể cố dùng dằng thêm cho chuyến ngược nguồn.

Bánh gai quê nội, bánh ong quê ngoại, với anh và cả với tôi nữa, tự bao giờ đã trở thành dấu chỉ quê hương hằn in trong tiềm thức. Đó không chỉ đơn giản là những món ăn ngon, mà còn là nỗi niềm thao thiết một miền quê, là mùi hương đồng nội, là ký ức ấu thời. Chúng tôi đã thưởng thức những món quà quê ấy ở nhiều thành phố lớn trong cả nước, quà được làm từ bàn tay của những người Nghệ xa quê, nhớ quê mà gửi gắm vào sản vật. Dẫu thế, nhưng không ở đâu, không bao giờ những thức quà ấy đưa đến trọn vẹn được hương vị mộc mạc mà đằm địa trong cảm nhận. Thức bánh phố thị ấy thua hẳn món ngon trong ký ức bởi thiếu đi nguyên - liệu - quê - hương. Cái nguyên liệu ấy, làm nên di sản ẩm thực của miền quê xứ Nghệ đầy nắng gió nhưng chan chứa nghĩa tình...

Phương Chi - Nguyễn Xoài