Đỏ lửa làng rèn Ba Ba

25/12/2014 20:57

(Baonghean) - Làng Ba Ba (xã Thanh Lương, huyện Thanh Chương) từ lâu đã nổi tiếng với nghề rèn, chuyên sản xuất ra các loại nông cụ dao, liềm, cuốc, cày, bừa... phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Giữ nghề truyền thống của cha ông, người dân nơi đây luôn nêu cao ý thức gìn giữ, khôi phục và phát triển nghề rèn theo hướng hàng hóa, mở ra một hướng đi bền vững trong bối cảnh kinh tế hội nhập như hiện nay...

Nghề rèn ở làng Ba Ba có từ lâu đời, người dân ở đây cho biết tổ tiên, ông bà xưa kia đã làm nghề rồi trao truyền lại cho con cháu từ thế hệ này sang thế hệ khác. Và cho đến hôm nay, những cụ già cao tuổi trong làng vẫn không khỏi tự hào, xúc động, vẫn say nghề, yêu nghề mỗi khi nhớ lại. Chúng tôi đến thăm gia đình cụ Võ Quốc Trình, năm nay cụ đã 94 tuổi, người đã gắn bó với nghề rèn từ khi còn trai trẻ. Giờ tuổi đã cao, sức khỏe yếu, cụ không còn làm nghề, nhưng các con vẫn tiếp nối nghề rèn của gia đình. Hỏi chuyện về làng rèn, cụ cho biết, xưa kia trong làng chỉ có vài lò rèn và mãi đến sau này, không rõ năm nào, nhưng từ khi có ông Võ Trọng Cúc người ở huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh sang đây lấy vợ, lập nghiệp, mới bắt đầu truyền nghề.

Kể từ đó, nghề rèn ở đây mới thực sự phát triển, dần dà theo thời gian hình thành nên nghề truyền thống của làng. Ông có ba người con trai, đều kế nghiệp cha làm nghề rất giỏi. Lúc bấy giờ, ngoài việc làm ra các vật dụng thiết yếu của người dân, làng Ba Ba còn sản xuất, rèn ra các loại vũ khí thô sơ như đao, kiếm, súng kíp... cho lực lượng dân quân tự vệ luyện tập thời kỳ đấu tranh cách mạng chống lại thực dân Pháp xâm lược. Trong câu chuyện, ông Trình bồi hồi nhớ lại: “Từ khi có nghề rèn du nhập về làng, nhà nào cũng rực bếp than từ sáng sớm tinh mơ cho đến tận đêm khuya. Mọi người ai nấy cũng đều tất bật với công việc, tiếng quai búa, tiếng đe vang lên thình thịch, náo nhiệt hẳn lên. Giờ nghĩ lại mà lòng vẫn thấy vui”.

Anh Võ Văn Toản sử dụng búa máy khi hành nghề.
Anh Võ Văn Toản sử dụng búa máy khi hành nghề.

Người dân làng rèn Ba Ba bắt đầu từ những sản phẩm đơn giản như xà beng, búa tạ, vót, dao, liềm... để phục vụ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp. Mọi thứ đều được rèn thủ công bằng chính đôi bàn tay khéo léo và kinh nghiệm của mình. Công việc tưởng chừng đơn giản nhưng đã là thợ rèn đòi hỏi phải có một sức khỏe dẻo dai, bền bỉ và lòng kiên trì, nhẫn nại mới có thể bám trụ được với nghề. Nguyên vật liệu là các thanh sắt thép thải loại, hư hỏng được mua về từ khắp nơi, chủ yếu là các phế phẩm chiến tranh bị vùi lấp dưới lòng đất được người dân tìm thấy rồi bán lại. Sau đó về phải đập bỏ hết lớp gỉ sét bên ngoài rồi mới rèn được.

Để làm ra được một sản phẩm hoàn chỉnh, phải trải qua lắm công đoạn. Đầu tiên người thợ rèn phải mổ sắt bỏ thép vào trong rồi nung vào lửa để dung hòa cả sắt và thép. Công đoạn này cũng cực kì quan trọng, lửa phải đều vì nếu lửa to quá thì sẽ bị gãy, ngược lại lửa non thì cả sắt và thép sẽ không ăn nhập với nhau. Khi nung phải trét một lớp bùn mỏng ở phía bên ngoài, mục đích là khi nóng chảy cả sắt, thép sẽ bị đóng khung. Công đoạn tiếp theo sau khi đem nung lò là đưa ra đe đánh thành sản phẩm theo ý muốn, phải đánh nhanh, đánh khỏe.

Có hai người cùng đánh, người trong chỉ huy, người ngoài đánh theo, muốn dài sản phẩm thì phải đánh duôi búa ra, còn muốn to thì đánh tay ngang. Thứ ba, là khâu làm nguội, dùng dao sắc gọt bay lớp sắt bên ngoài để làm sao lòi thép ở phía trong cùng, rồi dùng dũa cho đều mép, thẳng mép. Sau đó đem sản phẩm “tôi” vào nước lã. Cuối cùng là làm chuôi, tra cán, nếu là dao, liềm thì chủ yếu làm bằng gỗ xoan, vì gỗ xoan có đặc tính nhẹ, dai, không bị nẻ, tiện cho việc sử dụng.

Lò rèn khá đơn giản, là một ụ đất được đắp bằng bùn hai bên, còn ở giữa có một khe nhỏ để cho than vào nung lò. “Đe” thông thường được tận dụng từ những cục sắt to có bề mặt phẳng được cắm chặt vào một thân gỗ chắc chắn để giữ độ thăng bằng “dao sắc không bằng chắc đe”. Than nung lò ngày trước vẫn hay sử dụng than gỗ, nhưng về sau do khan hiếm dần nên người dân chuyển sang sử dung than đá. Họ phải xuống tận Bến Thủy mua về, mỗi chuyến ô tô chở được từ 3 - 4 tấn, chi phí khoảng 15 triệu đồng. Lúc bấy giờ, sản phẩm làm ra số lượng ít nên bà con trong làng chủ yếu gánh hàng ra bán ở các chợ trong vùng như chợ Dùng, chợ Cồn, chợ Nam Nghĩa... thu nhập cũng chẳng đáng là bao, mỗi phiên chạy chợ chỉ đủ tiền mua vài cân gạo đắp đổi qua ngày.

Dẫu cuộc sống còn nhiều vất vả, khó khăn, nghề rèn vẫn được người dân làng Ba Ba gắn bó quanh năm suốt tháng, từ đời này sang đời khác, lúc nào nông nhàn, rảnh rỗi, nhà nhà lại đỏ lửa làm nghề. Nhờ đó tình làng nghĩa xóm, tính cố kết cộng đồng ngày một bền chặt, keo sơn, trong làng luôn rộn rã tiếng cười, tiếng chan chát của nghề, cảm thấy tin yêu vào cuộc đời. Xã hội càng phát triển, thị trường tiêu thụ ngày càng được mở rộng nên những người làm nghề rèn ở đây không ngừng cải tiến kỹ thuật, mẫu mã, chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách hàng. Đa dạng về chủng loại, kích thước, kiểu dáng cũng như đảm bảo về độ sắc, độ bền, độ dẻo nên sản phẩm làm ra bao nhiêu đều được tiêu thụ hết, đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân ngày một được nâng cao.

Chị Nguyễn Thị Phượng say sưa với nghề.
Chị Nguyễn Thị Phượng say sưa với nghề.

Chị Nguyễn Thị Phượng, một thợ rèn chuyên nghiệp trong làng bộc bạch: Trước đây, cả vợ chồng làm nghề rèn, mấy năm nay chồng chị là anh Võ Sơn Hà bận kinh doanh, nên một mình chị làm nghề rèn, 3 đứa con đang học phổ thông, giúp chị những phần việc làm khâu, tra cán. Chị Phương sinh ra từ làng, trong một gia đình cha mẹ làm nghề rèn truyền thống, nên chị biết làm nghề từ lúc học phổ thông. Vì chưa có búa máy, nên sản phẩm của chị làm ra chủ yếu là dao thái, liềm và cuốc, làm ra đến đâu, đem đến các ky ốt bán hàng nông cụ ở Thị trấn Dùng nhập cho người ta bán lẻ. Chị Phượng cho biết, với sự hỗ trợ của con, mỗi ngày chị làm được 30 chiếc liềm, bán sỉ với giá 20.000 đồng/chiếc, trừ chi phí sắt thép, than... tầm 50%, vị chi còn lãi 300 nghìn đồng. Mặc dù vất vả vì phải đập, duỗi thép, cắt chấu... nhưng đã quen với nghề nên cảm thấy thường, coi đây là nghề phụ nhưng thu nhập chính của gia đình.

Anh Võ Quốc Toản (SN 1969), con trai thứ 3 của cụ Võ Quốc Trình, nối nghiệp cha làm nghề rèn đến nay cũng đã được gần 25 năm. Anh gắn bó với nghề từ khi hồi còn bé đã biết đánh búa, gọt, mài và hiện tại vợ chồng ra ở riêng cũng đã có một lò rèn có phần cải tiến, hiện đại hơn để làm nghề. Nhà có 5 nhân khẩu, cả ba đứa con đều đang tuổi ăn học trong khi kinh tế chỉ dựa vào mấy sào ruộng khoán thì không đủ, nên với anh chị bám trụ nghề rèn mới có kế sinh nhai, tăng thu nhập cho gia đình. “Làm nghề rèn cũng vất vả, khó nhọc, vì phải ngồi một chỗ nên đau lưng, mỏi gáy là chuyện bình thường. Suốt ngày nghe tiếng búa nện bôm bốp vào đe lắm lúc cũng đau đầu, nhưng rồi cũng thành quen”, anh Toản tâm sự. Cũng như nhiều hộ làm nghề trong làng, những công việc nặng như chặt sắt, quai búa anh đều đảm nhận, còn vợ chỉ phụ giúp những việc nhẹ nhàng, đơn giản như bôi dầu, tra cán, mài nước.

Mỗi ngày bình quân vợ chồng anh làm ra được từ 4-5 sản phẩm, sau khi trừ chi phí, công sức bỏ ra cũng được 300.000 đồng. Được biết, sau khi công nhận làng nghề năm 2010, xã đã tổ chức cho những người làm nghề rèn ở làng Ba Ba đi tham quan ở Hà Tĩnh, anh về đầu tư mua thêm nhiều máy móc như búa máy, máy mài, máy thổi lò nên công việc đỡ phần vất vả hơn trước, số lượng và chất lượng được nâng lên rõ rệt. Sản phẩm làm ra cũng đa dạng như cày, bừa, dao, kéo, liềm, cuốc... được nhập cho các đại lý ở Thanh Chương, Nam Đàn, Đô Lương và cả Thành phố Vinh. Từ ngày có búa máy, nghề rèn của vợ chồng anh Toản đỡ vất vả hơn, vì không phải quai búa như trước.

Đa phần người dân làng Ba Ba chủ yếu làm nông nghiệp, có thêm nghề rèn giúp họ giải quyết được việc làm cho lao động địa phương lúc nông nhàn, vừa tăng thu nhập đáng kể cho gia đình. Hiện cả làng có gần 100 hộ, trong đó có 42 hộ làm rèn với khoảng 90 người tham gia. Cũng vậy, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, xây dựng được nhà cửa khang trang, có tiền nuôi con ăn học đến nơi, đến chốn. Ông Lê Trọng Chương, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Lương phấn khởi: Làng rèn Ba Ba có từ lâu đời, người dân nơi đây luôn có ý thức gìn giữ và phát triển nghề truyền thống của cha ông để lại.

Càng tự hào hơn khi năm 2010 được UBND tỉnh có quyết định công nhận làng nghề, chính quyền địa phương cũng đã quan tâm tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để khôi phục, mở rộng sản xuất theo hướng hàng hóa. Các hộ làm nghề cũng đã mạnh dạn đầu tư mua sắm nhiều trang thiết bị, máy móc hiện đại để giải phóng sức lao động, tăng năng suất, hiệu quả công việc. Để phát triển nghề theo hướng bền vững, mong mỏi của bà con làng rèn Ba Ba là làm sao có thêm nhiều hình thức quảng bá, giới thiểu sản phẩm để mở rộng thị trường, từng bước tạo dựng được uy tín, thương hiệu làng nghề, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh…

Xuân Hoàng - Văn Đăng