Ngoại trưởng Ấn Độ thăm Hàn Quốc: Tăng cường chính sách hướng đông

29/12/2014 18:14

(Baonghean.vn) - Ngoại trưởng Ấn Độ Xử-sma Xoa-rải hôm qua (28/12) đã tới Hàn Quốc bắt đầu chuyến thăm chính thức nước này nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Chuyến thăm cũng nằm trong kế hoạch thực hiện chính sách hướng Đông của Chính phủ Ấn Độ được triển khai từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Những năm gần đây, Ấn Độ thắt chặt quan hệ với các nước Đông Á và Đông Nam Á cũng khiến nước này ngày càng chứng tỏ vị thế và tiếng nói của mình ở châu Á – Thái Bình Dương.

Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj.  Nguồn: newindianexpress.com
Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj. Nguồn: newindianexpress.com

Hôm nay, ngoại trưởng Ấn Độ Xu-sma Xoa-rai đã cùng người đồng cấp Hàn Quốc Dun Bung Xê cùng chủ trì cuộc họp lần thứ 8 của Ủy ban chung Hàn Quốc-Ấn Độ tập trung thảo luận vấn đề hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng hạt nhân, đầu tư quốc phòng và đóng tàu. Thực chất, trên tinh thần của chính sách hướng Đông, chuyến thăm Hàn Quốc lần này của ngoại trưởng Ấn Độ Xu-sma Xoa-rai đến Hàn Quốc cũng không nằm ngoài mục đích thắt chặt quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.

Hàn Quốc từng là một trong những quốc gia đi đầu ủng hộ việc bãi bỏ một lệnh cấm vận đã áp dụng trong 3 thập niên đối với việc mua bán hạt nhân dân sự với Ấn Độ. Do đó về chính trị, đối với Ấn Độ, Hàn Quốc hiện nay đã trở thành một trong những đối tác quan trọng và tin cậy của nước này tại khu vực châu Á. Hai nước hầu như không có mâu thuẫn gì lớn và hoàn toàn có thể hợp tác với nhau trong nhiều vấn đề toàn cầu bao gồm an ninh quốc gia và toàn khu vực. Song nhắc đến quan hệ Ấn Độ - Hàn Quốc cũng không thể không nhắc đến những hợp tác của hai nước trong lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là điện hạt nhân và đóng tàu.

Sự ủng hộ của Hàn Quốc trong việc dỡ bỏ lệnh cấm vận hợp tác hạt nhân dân sự đối với Ấn Độ trước đây đã khiến Hàn Quốc trở thành quốc gia được “ưu tiên” trong đầu tư tại Ấn Độ ở lĩnh vực này. Như vậy có thể thấy rằng, hợp tác giữa Ấn Độ và Hàn Quốc là hợp tác đôi bên cùng có lợi. Ấn Độ nhìn thấy ở Hàn Quốc sự phát triển về công nghệ, đặc biệt là công nghệ điện tử, các nguồn vốn đầu tư có thể đáp ứng được nhu cầu phát triển của đất nước đông dân thứ 2 thế giới. Hàn Quốc thì có thể xây dựng các động lực tăng trưởng mới tại Ấn Độ bằng việc tận dụng nhiều cơ hội kinh doanh mới trong thị trường có giá nhân công rẻ này và một thị trường có sức mua lớn thứ 4 trên thế giới.

Ấn Độ và Hàn Quốc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược từ năm 2010, và mối quan hệ này đang phát triển tốt đẹp. Cùng với chính sách xoay trục của Mỹ sang châu Á, các mối quan hệ gần gũi Ấn - Mỹ, Ấn – Hàn đang tạo ra một vành đai liên kết tại châu Á Thái Bình Dương. Các chuyên gia phân tích dự báo, Ấn Độ và Hàn Quốc hiện đang tiến gần hơn đến mức quan hệ ngoại giao ở cấp độ quan hệ đồng minh, song song với quan hệ đồng minh Mỹ - Hàn. Nhìn rộng hơn, Ấn Độ hiện còn giành được thiện cảm từ nhiều nước Đông Á với chính sách không can thiệp và tôn trọng lẫn nhau. Ấn Độ cũng không có mâu thuẫn lợi ích trực tiếp với hầu hết các quốc gia Đông Á. Vì thế, việc Ấn Độ xây dựng mối quan hệ gần gũi với các quốc gia ở khu vực này không phải là điều khó thực hiện.

“Chính sách hướng Đông” của Ấn Độ được nước này thông báo từ năm 1992 và chủ yếu tập trung về vấn đề kinh tế, nhưng gần đây, Ấn Độ đã quan tâm và tham gia vào các hoạt động an ninh của khu vực. Do đó, ngoài việc tăng cường các mối quan hệ kinh tế thương mại, hợp tác an ninh quốc phòng với các nước Đông Á cũng được Ấn Độ đẩy mạnh. Quan trọng hơn, chính sách hướng Đông càng phát huy hiệu quả, Ấn Độ càng chứng tỏ được vị thế của mình tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tham gia nhiều hơn tới các vấn đề của khu vực, điều mà thời gian qua, Ấn Độ đã có phần “lép vế” hơn so với Trung Quốc.

Nguyễn Cao Biền