Tòa chỉ có thể xem xét giảm nhẹ hình phạt cho Huyền Như?

30/12/2014 20:16

Ngày 30/12 phiên xử phúc thẩm Huyền Như tiếp tục diễn ra với phần tranh luận của các luật sư bảo vệ quyền lợi cho Vietinbank trước buộc tội của đại diện VKS, và yêu cầu trả tiền của các luật sư đại diện các công ty là nguyên đơn dân sự.

Trong bài bào chữa của mình, luật sư Nguyễn Thị Bắc, bảo vệ quyền lợi Vietinbank tiếp tục bảo lưu toàn bộ nội dung đã tranh luận trước đó khẳng định dòng tiền của ACB gửi vào Vietinbank là bất hợp pháp. Do đó ACB phải tự chịu trách nhiệm với hành động của mình.

Do phần tranh luận kéo dài nên phiên tòa khó có thể kết thúc vào 31/12/2014 như dự tính.
Do phần tranh luận kéo dài nên phiên tòa khó có thể kết thúc vào 31/12/2014 như dự tính.

TIN LIÊN QUAN

Sau đó LS Bắc cũng đã nêu ra tám quan điểm để đối đáp với đại diện VKS và luật của của ACB. Bà Bắc cho rằng mình hoàn toàn đồng ý với quan điểm của VKS cho rằng “không bao giờ được phép cắt khúc, cắt xén hành vi vì đây là nguyên tắc”, và cho biết toàn bộ phần tranh luận của bà đều tôn trọng nguyên tắc đó.

Từ đây LS Bắc cho rằng tổng thể hành vi đã thể hiện rất rõ. Như hứa và trả lãi suất cao và tiền hoa hồng để “mua” lòng tin của SBBS (Công ty chứng khoán Saigonbank Berjaya), Huỳnh Thị Bảo Ngọc (người “môi giới”) và các nhân viên ACB. Sau đó chính những cá nhân trên đã bỏ mặc tài khoản, thẻ tiết kiệm của mình để rồi dẫn đến sự việc bị Như chiếm đoạt.

“Nếu (SBBS và ACB) bình tĩnh suy nghĩ, không vì tiền mà mất tỉnh táo thì không mắc bẫy…Việc VKS và các luật sư cho rằng Như chiếm đoạt tiền của Vietinbank là ý kiến không đúng với ý thức chủ quan của Như” - luật sư Bắc nêu quan điểm.

Luật sư của Vietinbank cho rằng, nếu tất cả làm đúng trách nhiệm của chủ tài khoản, của chủ thẻ tiết kiệm thì Như không lừa được và họ sẽ không mất tiền. Từ đó bà kết luận, chính sai phạm, sự thiếu trách nhiệm là yếu tố quyết định để Như thực hiện trót lọt việc chiếm đoạt.

Một lập luận khác cũng được bà Bắc đưa ra để chứng minh rằng luật sư của SBBS nói Như và công ty này không có quan hệ cá nhân là rất khiên cưỡng. “Nếu như vậy tại sao Vũ Thị Mỹ Linh (kế toán trưởng của SBBS) lại giao dịch với Như để ký hợp đồng ủy thác vốn (giả) tại Chi nhánh Nhà Bè, trong khi bản thân biết Như đang làm tại phòng giao dịch Điện Biên Phủ”.

Từ đó bà cho rằng Như và Linh đã thỏa thuận ngầm, và sau đó Linh chỉ chuyển về SBBS 4,2 tỷ đồng trong số 27 tỷ đồng Như chuyển cho Linh, còn lại thì Linh giữ và chia cho Hải.

LS Bắc cũng cho rằng Như không “lợi dụng danh nghĩa” Vietinbank như VKS quy kết, mà thực chất Như đã “giả danh” để giao dịch bất hợp pháp.

Về ý kiến đề nghị hủy một phần bản án sơ thẩm để điều tra lại theo hướng Như phạm tội “tham ô tài sản”, luật sư Bắc khẳng định án sơ thẩm tuyên Như tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đã có hiệu lực pháp luật vì không có kháng cáo và kháng nghị.

Và theo luật, HĐXX phúc thẩm chỉ có thể xem xét theo hướng giảm nhẹ cho bị cáo, mà không được quyết định theo tội danh nặng hơn (tham ô tài sản). Nếu muốn, việc này (điều tra theo hướng “tham ô tài sản”) chỉ có thể thực hiện theo thủ tục giám đốc thẩm.

Theo Infonet