Người Ai Cập có thể sản xuất bia từ 5.000 năm trước
Các nhà khảo cổ Israel phát hiện các mảnh bình gốm nhỏ, từng được người Ai Cập cổ đại sử dụng trong sản xuất bia từ cách đây khoảng 5.000 năm.
Một mảnh vỡ từ bình đựng được khai quật ở Tel Aviv. Ảnh: AFP |
Nhóm nghiên cứu phát hiện các mảnh vỡ ở một công trường xây dựng ở Tel Aviv, Israel. Đây là dấu vết của một nhá máy bia có từ cách đây khoảng 5.000 năm, thuộc về một khu định cư của người Ai Cập cổ đại.
"Chúng tôi tìm thấy 17 hốc nhỏ tại khu vực khai quật. Chúng được dùng để lưu trữ các sản phẩm nông nghiệp trong thời kỳ đồ đồng sớm (3500-3000 trước Công nguyên). Trong số hàng trăm mảnh gốm mang đặc trưng của văn hóa địa phương, một số mảnh vỡ từ chậu gốm lớn được làm theo phương thức truyền thống của Ai Cập và dùng để chuẩn bị bia", Telegraph hôm qua dẫn lời Diego Barkan, giám đốc hoạt động khai quật khảo cổ của Bộ Cổ vật Israel (IAA), nói.
Phát hiện này đồng thời cung cấp bằng chứng đầu tiên cho thấy người Ai Cập từng hiện diện ở vùng đất thuộc Tel Aviv ngày nay. Trước đây, giới chuyên gia chỉ biết rằng họ có mặt ở vùng Negev hoặc đồng bằng ven biển phía nam.
Theo các nhà khoa học, bia là một thành phần quan trọng trong chế độ ăn của Ai Cập. Các công nhân xây dựng kim tự tháp cũng từng nhận bia trong khẩu phần ăn hàng ngày và bình đựng bia được chôn theo người chết.
Năm 1990, một nhóm khảo cổ từng khám phá nơi sản xuất bia của hoàng gia Ai Cập. Tại đây, họ nhận thấy dấu vết của 10 khoang sản xuất và bã bia.
Theo VnExpress