Cô giáo có 4 sáng kiến cấp tỉnh

09/04/2015 20:25

(Baonghean) - Các đồng nghiệp ở huyện Anh Sơn mỗi lần nhắc đến cô giáo Ngô Thị Mai Hương (Trường Tiểu học và THCS Cao Vều) đều bày tỏ sự khâm phục và ngưỡng mộ. Đến thời điểm hiện nay, cô là người đầu tiên trên địa bàn được tôn vinh là nhà giáo tiêu biểu toàn tỉnh...

25 năm theo đuổi sự nghiệp “trồng người”, cô giáo Ngô Thị Mai Hương (sinh 1970) đã vượt qua không ít những chặng đường gian nan, vất vả và gặp hái được những niềm vui. Vào năm 1990, vừa mới tốt nghiệp Trương Sư phạm miền núi, cô giáo trẻ quê ở xã Phúc Sơn (Anh Sơn) nhận quyết định lên dạy học ở Trường Tiểu học Tà Cạ (Kỳ Sơn). Điểm trường bản Cánh lúc ấy còn rất đỗi hoang sơ, đời sống bà con dân bản còn gặp nhiều thiếu thốn, trẻ em đến trường phải gánh chịu nhiều nỗi thiệt thòi.

Mới đặt chân đến vùng đất này, cô giáo trẻ Mai Hương không tránh khỏi ái ngại và lo âu. Nhưng rồi, nhìn những đứa trẻ áo quần lấm lem, đôi mắt khát chữ và sự thân thiện của đồng bào Thái ở bản Cánh, cô giáo Hương chợt thấy vững lòng. Vượt qua những thiếu thốn về lương thực, những đoạn đường cheo leo, những cơn sốt rét rừng hạnh hạ, Ngô Thị Mai Hương và các đồng nghiệp đã thực sự gắn bó với vùng đất biên cương xa xôi, heo hút này.

Cô giáo Ngô Thị Mai Hương soạn bài.
Cô giáo Ngô Thị Mai Hương soạn bài.

Hoàn thành nghĩa vụ ở vùng cao, cô giáo Ngô Thị Mai Hương được chuyển công tác về quê Anh Sơn. Tại đây, cô tiếp tục được phân công đến những địa bàn khó khăn trong huyện như Long Sơn, Vĩnh Sơn. Từ năm 2011 đến nay, cô được tăng cường vào công tác tại Trường Tiểu học và THCS Cao Vều, thuộc địa bàn xã Phúc Sơn. Đây là nơi cư trú của các bản làng dân tộc Thái nằm dọc biên giới Việt - Lào, tiếp giáp với địa bàn vùng sâu, vùng xa của 2 huyện Con Cuông và Thanh Chương. Địa hình phức tạp, đời sống kinh tế- xã hội còn khó khăn, trình độ dân trí còn hạn chế là lực cản trong việc nâng cao chất lượng giáo dục ở Cao Vều. Về nhận công tác nơi đây, cô Hương luôn trăn trở tìm cách giúp học sinh nâng cao khả năng tiếp nhận, rèn luyện các kỹ năng, phương pháp học tập để rút ngắn khoảng cách so với các bạn ở vùng thuận lợi hơn.

Hàng ngày, dù điều kiện thời tiết như thế nào, cô giáo Hương đều đặn vượt gần 25 km đường rừng, qua nhiều dốc cao và khe suối để đến lớp. Có những hôm, thấy lớp học trống trải, tìm hiểu được biết đang thời điểm thu hoạch nương rẫy, nhiều học sinh phải ở nhà giúp đỡ bố mẹ. Không muốn các em phải mất buổi học, sẽ gây khó khăn cho quá trình tiếp nhận hệ thống kiến thức và kỹ năng, cô đã tìm đến tận nhà, ra tận nương rẫy gặp phụ huynh vận động để con em đến lớp đều đặn. Thấy cô giáo nhiệt tình và quan tâm đến việc học của con mình, các bậc phụ huynh liền cho con em đến lớp và hứa sẽ không bắt các em nghỉ học đi rẫy nữa.

Nhiều năm dạy học ở vùng dân tộc thiểu số, cô Nguyễn Thị Mai Hương rút ra được kinh nghiệm quý là muốn các em tiếp nhận tốt kiến thức cần tăng cường vốn tiếng Việt, tổ chức sinh hoạt nhóm, tăng cường mối giao lưu... Trên cơ sở đó, cô đã xây dựng được nhiều sáng kiến kinh nghiệm có giá trị, được đồng nghiệp đánh giá cao, trong đó có 4 sáng kiến kinh nghiệm cấp tỉnh. Trong quá trình gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, cô Hương đã bồi dưỡng được nhiều học sinh giỏi cấp tỉnh, 3 “trạng nguyên” nhỏ cấp quốc gia. Bản thân cô cũng được công nhận là Giáo viên dạy giỏi và Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh, được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có nhiều thành tích trong việc nâng cao chất lượng dạy học. Năm 2014 vừa qua, cô Hương là 1 trong 35 giáo viên trong toàn tỉnh được tuyên dương là nhà giáo tiêu biểu lần thứ nhất (giai đoạn 2008 - 2013).

Mới đây, cô giáo Ngô Thị Mai Hương được đón nhận thêm một tin vui, đó là cô được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Cô Hương chia sẻ: “Tôi thực sự rất vui mừng, vì những đóng góp của mình đã được ghi nhận. Nhưng điều đó cũng nhắc nhở bản thân không ngừng phấn đấu và nỗ lực, xứng đáng với niềm tin của đồng nghiệp, của học sinh và phụ huynh...”.

Tường Anh