Tại sao phi công máy bay dễ bị ung thư da?

20/12/2014 17:39

Các phi công lái máy bay đối mặt với nguy cơ tăng cao bị bệnh ung thư da nguy hiểm chết người, do họ tiếp xúc với bức xạ buồng lái tương đương lượng bức xạ của các giường nhuộm da nâu nhân tạo.

Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học California (Mỹ) đã tiến hành đo lượng bức xạ tử ngoại (UV) trong các buồng lái của phi công trong các chuyến bay. Họ sau đó đem so sánh chúng với các kết quả bức xạ đo được ở những chiếc giường nhuộm da nâu nhân tạo.

Nhóm nghiên cứu phát hiện, các phi công bay một tiếng đồng hồ ở độ cao hơn 9.100 mét tiếp nhận lượng bức xạ tương đương 20 phút nằm trên một chiếc giường nhuộm da nâu nhân tạo. Họ tin rằng, lượng bức xạ có thể cao hơn khi các phi công bay qua những đám mây dày đặc và các cánh đồng tuyết do chúng có thể phản xạ tới 85% bức xạ UV.

Mặc dù các tia cực tím bước sóng ngắn UVB không thể dễ dàng xuyên qua các ô cửa sổ bằng kính hoặc nhựa, nhưng các tia cực tím bước sóng dài UVA nhiều khả năng có thể làm được điều này. Cả 2 loại tia UV đều có thể khiến da lão hóa và bị ung thư.

Việc tiếp xúc nguy hiểm xảy ra do lớp kính chắn gió của máy bay, với cấu tạo từ nhựa polycarbonate hoặc thủy tinh hỗn hợp nhiều lớp, không hoàn toàn ngăn chặn được bức xạ cực tím UVA. Trong khi đó, theo một báo cáo đăng tải trên website của tạp chí JAMA Dermatology, bức xạ UVA có thể gây tổn hại cho ADN trong các tế bào và được ghi nhận góp phần dẫn đến sự hình thành các khối u hắc tố - một dạng ung thư da ác tính, nguy hiểm chết người.

Tổ lái cũng đối mặt với nguy cơ tăng cao phải tiếp xúc với các tia vũ trụ như tia X, tia gamma và các hạt hạ nguyên tử, từ không gian.

Nhóm nghiên cứu đề xuất, cần phải tăng cường khả năng chống UV tốt hơn ở lớp kính chắn gió cho máy bay để tổ lái có môi trường làm việc an toàn hơn. Họ cũng khuyến nghị các phi công và các thành viên phi hành đoàn phải sử dụng kem chống nắng và đi kiểm tra da định kỳ để phát hiện sớm bệnh.

Các chuyên gia hy vọng sẽ có thêm nghiên cứu tìm hiểu về lượng bức xạ mà các nhân viên hàng không khác phải tiếp xúc trong quá trình làm việc.

Theo Daily Mail