Chọn sách gì để đọc?
(Baonghean) - Năm 2013, số lượng sách trung bình của người Việt đọc trong một năm chính thức do Bộ Văn hóa - Thông tin và Du lịch được đưa ra là 0,8 cuốn/người/năm, đã khiến dư luận “giật mình”.
Đó cũng là khoảng thời gian mà chủ đề “Văn hóa đọc” trở nên nóng hơn bao giờ hết. Sau đó là hàng loạt các biện pháp nhằm thu hút người dân đọc sách được triển khai. Cụ thể là, tăng cường tổ chức các hoạt động triển lãm sách theo các chủ đề hàng năm cũng như tổ chức hội sách ngoài trời, giảm giá nhiều đầu sách hay. Ngoài ra, loại hình sách điện tử (ebook) ngày càng được quan tâm vì chất lượng ngang hàng nhưng giá thành rẻ hơn nhiều so với sách giấy, lại phù hợp với thời đại công nghệ phát triển, có thể đọc sách mọi lúc, mọi nơi trên các phương tiện điện tử. Những chuyển biến đó phần nào thể hiện sự “quên lãng” của văn hóa đọc đang dần được thức tỉnh. Nhưng, điều quan trọng nhất không phải chúng ta đọc được bao nhiêu sách mà là đọc gì, tích lũy được bao nhiêu thông tin bổ ích?
Sách giải trí là lựa chọn của đa số các bạn trẻ. |
Vậy, chúng ta đang đọc gì? Có thể tạm thời chia sách làm 2 loại cơ bản, một loại là sách giải trí, một loại là sách cung cấp kiến thức, thông tin chuyên sâu. Và từ đó cũng có 2 loại độc giả chính, độc giả chuyên đọc sách giải trí và độc giả chuyên đọc sách chuyên sâu. Giới trẻ hiện đại đang bị ảnh hưởng nhiều bởi phương tiện nghe nhìn và tâm lý số đông, cái gì nổi, cái gì đang “hot” họ sẽ đổ xô đi tìm hiểu, tâm lý này cũng được áp dụng với sách họ đọc, họ mua.
Trong 10 bạn trẻ được hỏi ở Thành phố Vinh bây giờ, có đến 6 bạn trẻ trả lời rằng chỉ đọc sách giải trí, kiểu sách như tiểu thuyết Trung Quốc, tiểu thuyết trẻ Việt Nam, tản văn, tản bút về tình yêu được chia sẻ nhiều, nhắc đến nhiều trên internet, truyện trinh thám hay truyện tranh…; 2 người trong số đó chỉ thích đọc những cuốn kiểu như “Bạn tài giỏi, tôi cũng thế”, dạy kỹ năng sống, còn 2 người còn lại thì có sách gì đọc sách nấy. Do đó, ở các nhà sách, sách giải trí chiếm tỷ lệ cao.
Sách giải trí là lựa chọn của đa số các bạn trẻ. |
Thứ hai, những cuốn sách chúng ta đọc mang lại điều gì? Có một sự thật là sách giải trí thường dễ đọc, dễ hiểu hơn những cuốn sách chuyên sâu. Nhưng điều đó cũng song song với việc sách giải trí mang giá trị thông tin thấp, thậm chí rất thấp. Nhìn vào sự chênh lệch của số người đọc sách giải trí với số người đọc sách cần tư duy cũng đã thể hiện được rằng, lượng thông tin mà giới trẻ thu được về từ số sách họ đã đọc hiện nay là không nhiều…
Không ai nói việc chỉ đọc sách giải trí là không tốt, nhưng nên cân bằng được việc đọc sách giải trí và sách có kiến thức, phát triển tư duy. Vậy làm thế nào để giới trẻ chú ý và đọc nhiều hơn những cuốn sách loại này?
Chia sẻ về vấn đề này, tác giả trẻ Đỗ Nhật Phi, người đạt giải nhất trong cuộc thi Văn học tuổi 20 lần thứ V (2014), cuộc thi về văn học uy tín của Việt Nam, cho rằng: “Để người trẻ đọc nhiều hơn những cuốn sách có giá trị cao thì phải bắt đầu từ việc nâng cao dân trí, bên cạnh đó, cần thắt chặt hơn đầu vào trong công tác xuất bản, không để tình trạng những đầu sách có giá trị thấp xuất bản tràn lan”.
Văn hóa của mỗi đất nước trong từng thời kỳ phần nào được thể hiện rõ qua những trang sách. Thế nên, những cuốn sách được xuất bản cần được kiểm định nội dung chặt chẽ và cần được phổ biến rộng rãi. Đồng thời đẩy mạnh quảng bá những đầu sách hay, để những cuốn sách bổ ích có thể đến gần hơn với bạn đọc thì chắc chắn văn hóa đọc không những dần được phục hồi mà tri thức văn hóa của người dân, nhất là các bạn trẻ sẽ ngày càng được nâng cao.
Bài, ảnh: Ly Lâm