Nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học

12/04/2015 09:48

(Baonghean) - Nét mới trong phát triển chăn nuôi ở Đô Lương là một số hộ dân đã áp dụng thành công công nghệ nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học, vừa giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường, vừa tăng hiệu quả kinh tế.

Đến thăm trang trại lợn của ông Hoàng Anh Tuấn ở xã Xuân Sơn, Đô Lương, ông Tuấn cho biết: Từ năm 2003 gia đình đã đầu tư nuôi trên 30 con lợn nái, đến năm 2010 xây dựng trang trại và tăng số lượng lợn. Đàn lợn tăng, nhưng lại phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường dù lợn được nuôi trên nền xi măng, hàng ngày đều được dội rửa nước, xử lý biogas... Năm 2013, được biết Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội nghiên cứu thành công ứng dụng “nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học”, giảm thiểu ô nhiễm mỗi trường, tôi ra tận trường để học hỏi quy trình. Năm 2013, gia đình tôi đầu tư làm đệm lót sinh học với diện tích 900 m2 chuồng trại, kinh phí 330.000 đồng/m2.

Nuôi lợn trên đệm lót sinh học tại hộ ông Hoàng Anh Tuấn  ở xã Xuân Sơn, Đô Lương.
Nuôi lợn trên đệm lót sinh học tại hộ ông Hoàng Anh Tuấn ở xã Xuân Sơn, Đô Lương.

Ông Tuấn đã đầu tư xây dựng nền chuồng chia làm 2 phần: Phần chứa đệm lót chiếm 2/3 diện tích ô chuồng, có chiều sâu khoảng 50 - 60 cm; phần lát gạch hoặc láng xi măng chiếm 1/3 diện tích. Cứ mỗi m2 làm đệm lót cần 1m3 mùn cưa, vỏ trấu (gồm 2/3 là mùn cưa và 1/3 vỏ trấu) đảm bảo không độc hại và được phơi nắng khô 1 tuần trước khi làm đệm lót. Ngô nghiền nhỏ: 1,8 kg/m2, men vi sinh: 0,1kg/m2. Sau khi thả lợn vào chuồng, hàng ngày khi lợn thải phân ra, phải cào phân trải đều trên nền chuồng. Nếu mặt nền đệm lót trong chuồng khô thì phun đều nước sạch cho đủ độ ẩm. Sau 4 tháng bổ sung men gốc 10 gam/m2 nền đệm lót của nền chuồng thì mới đảm bảo.

Lợn con nuôi trên đệm lót khỏe mạnh, lông da bóng mượt, sạch, thịt giảm tồn dư kháng sinh, ít bị bệnh và tăng trưởng tốt. Thay vì nuôi trên nền xi măng hoặc nền gạch, phải tắm, dọn phân mỗi ngày, thì mô hình nuôi lợn trên nền chuồng bằng đệm lót tiết kiệm được nhân công, nước, chi phí về thức ăn và thuốc thú y. Lớp đệm lót và men vi sinh tác dụng nhằm phân giải phân, nước tiểu do vật nuôi thải ra, hạn chế sinh khí hôi, thối; ức chế và tiêu diệt sự phát triển của vi sinh vật có hại; giữ ấm cho vật nuôi, phòng chống dịch bệnh tốt. Đệm lót sinh học sử dụng khoảng từ 1,2-1,5 năm sẽ thay mới, đây là nguồn phân bón chất lượng cho các loại cây trồng. Trong lần đầu thải loại, như tại chuồng trại ông Tuấn đã thu được gần 15 tấn phân bán cho các trang trại. Có thu bù chi nên người chăn nuôi sẽ đỡ phần chi phí đầu tư làm đệm lót sinh học. Hiện tại trang trại của ông Tuấn nuôi 150 con lợn nái, sản xuất trên 1.000 con lợn thịt, doanh thu mỗi năm đạt trên 1,5 tỷ đồng.

Thấy được hiệu quả từ sử dụng đệm lót sinh học, đầu năm 2014, gia đình ông Hồ Sĩ Dụ ở xóm 15, xã Thượng Sơn - Đô Lương đầu tư áp dụng và được Sở KH&CN hỗ trợ men vi sinh, hướng dẫn quy trình xây dựng đệm lót sinh học với quy mô 250 m2. Ông Dụ cho biết: Tổng đàn lợn hiện có trên 150 con lợn nái, sinh sản trên 1.500 con/năm; tuy mới đưa vào sử dụng đệm lót sinh học nuôi được khoảng trên 200 con lợn thịt, nhưng bước đầu rất hiệu quả. Ngoài việc giảm thiểu ô nhiễm mùi hôi, nuôi trên chuồng đệm lót sinh học, lợn không bị các dịch bệnh nên phát triển rất nhanh. Với trọng lượng con giống ban đầu 18 kg, sau gần 90 ngày nuôi, lợn đạt trọng lượng bình quân 85 kg/con, với giá bán 45.0000 - 47.000 đồng/kg, gia đình thu gần 4 triệu đồng/con, sau khi trừ chi phí còn lợi nhuận hơn 1 triệu đồng/con, cao hơn so với cách nuôi truyền thống từ 400.000 - 450.000đồng/con.

Ông Trần Doãn Hùng, Trưởng phòng Nông nghiệp Đô Lương cho hay: Đến thời điểm này toàn huyện Đô Lương đã có 6 trang trại áp dụng nuôi lợn trên đệm lót sinh học ở các xã Văn Sơn, Thượng Sơn, Xuân Sơn. Những mô hình này đã mở hướng phát triển chăn nuôi an toàn, đặc biệt là chăn nuôi gia trại và nông hộ với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, nằm trong khu dân cư. Tuy nhiên, kinh phí đầu tư cho nuôi lợn trên đệm sinh học vẫn còn khá cao, rất cần được sự hỗ trợ của Nhà nước về vốn vay, hỗ trợ cho công tác đào tạo, tập huấn về quy trình, kỹ thuật đối với các hộ nuôi.

TIN LIÊN QUAN

Văn Trường