Hiệu quả công nghệ tưới nhỏ giọt, phun mưa

17/04/2015 10:23

(Baonghean) - Xã Tân Phú là địa phương đầu tiên của huyện Tân Kỳ ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, phun mưa trên diện tích đất đồi vệ, bước đầu đã đem lại hiệu quả rõ nét.

Vườn bí ứng dụng công nghệ tươi nhỏ giọt
Vườn bí ứng dụng công nghệ tươi nhỏ giọt

Chúng tôi có mặt tại mô hình trồng bí xen canh trong diện tích cao su (thời kỳ kiến thiết cơ bản) của anh Trần Xuân Công ở xóm Tân Yên, xã Tân Phú (Tân Kỳ) vào dịp gia đình đang tập trung thu hoạch. So với những mùa vụ trước đây, vụ sản xuất này mặc dù ít mưa nhưng cây bí vẫn phát triển tốt, cho sai quả. Với giá bán hiện nay, mỗi ha bí đem lại thu nhập gần 100 triệu đồng, cao gấp 2 lần so với cùng kỳ. Thành quả này là nhờ thời gian qua anh Công đã lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, phun mưa vào sản xuất nên đã chủ động được nguồn nước tưới thường xuyên cho cây trồng. Anh Công cho biết: “Lắp hệ thống tưới nhỏ giọt, phun mưa này rất thuận lợi vì tiết kiệm được thời gian lao động, tưới đều khắp nên cây trồng phát triển tốt, cho năng suất cao”.

Vụ xuân năm nay, xã Tân Phú đã gieo trồng 170 ha dưa hấu và bí xanh, chủ yếu được bà con trồng xen trong diện tích cao su thời kỳ kiến thiết cơ bản nhằm “lấy ngắn nuôi dài”, nâng cao giá trị thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích. Để thuận tiện đầu tư thâm canh tăng năng suất trên diện tích đất đồi vệ, hơn 30 hộ đã tiếp cận công nghệ tưới nhỏ giọt của Hàn Quốc do Công ty Hadico đưa vào địa bàn huyện Tân Kỳ đầu năm 2014.

Chỉ cần một thao tác điều chỉnh van, nước được tưới cho cả cánh đồng.
Chỉ cần một thao tác điều chỉnh van, nước được tưới cho cả cánh đồng.

Từ hiệu quả công nghệ này, bà con đã tiến hành khoan giếng, xây bể và lắp đặt hệ thống ống dẫn nước trên khắp cánh đồng. Hệ thống tưới nhỏ giọt, phun mưa với chi phí ban đầu gần 20 triệu đồng/ha, nhưng thiết bị này có thể sử dụng lâu dài. Ngoài chủ động nguồn nước tưới thì hệ thống này còn đưa lượng phân bón được hòa tan trong nước đến từng gốc cây nên vừa tiết kiệm được nước, vừa hạn chế thất thoát lượng phân bón ra môi trường. Quá trình quản lý vận hành hệ thống này bằng cách mở van từng vùng, tiết kiệm công lao động, tăng năng suất gấp 1,5 đến 2 lần so với trước đây. Nhờ chủ động được nguồn nước tưới nên bà con có điều kiện tăng vụ sản xuất trong năm, kể cả mùa khô. Riêng năm 2014, từ mô hình trồng xen bí kết hợp tưới nhỏ giọt trong diện tích cây cao su đã đem lại cho nhân dân xã Tân Phú nguồn thu hơn 10 tỷ đồng.

Cẩm Tú - Trọng Hùng

Đài Tân Kỳ

Phương pháp và kỹ thuật tưới phun mưa đang được phát triển mạnh trên thế giới, nhiều nước áp dụng trên 90% diện tích đất trồng trọt. Ở Việt Nam những năm gần đây kỹ thuật tưới phun cũng đang được triển khai.

1. Nguồn nước: Sử dụng nguồn nước mặt (ao hồ, sông, suối), hoặc nước ngầm (Giếng khoan đào); Song chất lượng nước tưới phải đảm bảo và trữ lượng dồi dào.

2. Máy bơm để tạo áp hoặc dùng cột nước địa hình ở một số vùng núi cao (thông qua hồ đập trên các khe suối). Kinh tế nhất là dùng được đầu nước tự nhiên so với dùng bơm. Hệ thống tưới phun như vậy gọi là hệ thống tự tạo áp lực.

3. Hệ thống đường ống: Nước từ nguồn được dẫn đến khu tưới bằng đường ống chính và ống nhánh. Trên các ống nhánh người ta lắp các vòi phun mưa nhân tạo để cung cấp nước cho cây trồng.

a. Hệ thống tưới phun mưa với đường ống cố định:

Hệ thống ống dẫn được bố trí cố định dưới đất, vòi phun có thể bố trí cố định. hoặc di động. Cách bố trí này hiệu quả cao, quản lý vận hành tiện lợi, chi phí vận hành thấp, chiếm đất ít; thuận tiện cho việc tự động hoá nhưng hiệu suất sử dụng không cao vì cần nhiều đường ống. Do đó, vốn đầu tư trên một đơn vị diện tích lớn. Cho nên, hệ thống này chỉ thích hợp cho khu vực trồng rau, cây kinh tế có số lần tưới khẩn trương, khu vực có độ dốc mặt đất lớn, địa hình cục bộ phức tạp.

b. Hệ thống tưới phun mưa bán cố định:

Ở hệ thống này, trạm bơm hoặc công trình tạo nguồn có đầu nước địa hình cố định và đường ống chính cố định, còn đường ống nhánh và vòi phun di động. Trên mỗi ống nhánh có từ 2 - 10 vòi phun. Loại này sử dụng khi tưới luân phiên. Do ống nhánh và vòi phun di động, nên việc dùng tưới luân phiên thì giảm được số lượng vòi và ống nhánh, cho nên vốn đầu tư giảm.

4. Vòi phun: (có hai loại)

a. Vòi phun ly tâm: Nước từ lỗ phun ra vòi với một áp lực nhất định vào đỉnh chóp và bật trở lại thành những giọt mưa phân bố trên một diện tích hình tròn. Do tốc độ ly tâm và tốc độ quay sau khi tia nước tách khỏi miệng vòi sẽ phân tán đều theo các phía, dưới tác dụng của lực cản không khí, tia nước phân nhỏ thành những hạt mưa theo 4 phía của đầu phun. Đặc điểm loại này là khi áp lực không lớn; mức độ phân bố mưa vẫn tốt. Do vậy, loại vòi phun này có thể dùng cho áp lực thấp và tầm phun gần.

b. Vòi phun tia: Nguyên lý làm việc của loại vòi phun này là dòng nước áp lực từ miệng vòi phun bắn ra gặp sức cản của không khí phân tán thành những hạt mưa phân bố đều trên một diện tích hình tròn.

Để dòng nước phun được xa, trong ống phun lớn thường bố trí thiết bị chỉnh dòng. Ở máy phun áp lực lớn người ta thường bố trí hai loại vòi phun. Vòi lớn có tác dụng phun xa, vòi nhỏ phun gần. Như vậy đảm bảo được mật độ phun đồng đều. Loại vòi phun này thường có áp lực lớn và tầm phun xa.

T.H (Tổng hợp)