Gặp gỡ tháng Năm
(Baonghean) - Trong dòng chảy rộn rã sắc màu, thanh âm của những hoạt động đón mừng Sinh nhật Bác, đoàn các nghệ sỹ điện ảnh gồm diễn viên thể hiện hình tượng Bác; đạo diễn, biên kịch các bộ phim, vở kịch về Người... đã về chung vui và gặp gỡ, giao lưu cùng người dân xứ Nghệ.
Tại hội trường lớn Trường ĐH Vinh, nơi diễn ra chương trình giao lưu đầu tiên giữa đoàn với cán bộ, giảng viên, sinh viên của trường, mặc dầu đến 20h mới diễn ra chương trình nhưng từ hơn 19h sinh viên đã ngồi kín chỗ. Bên sảnh lớn hội trường, chúng tôi gặp sinh viên Nguyễn Thị Thu Hà (K55 Ngữ văn), em tâm sự: "Về cuộc đời của Bác, tất thảy chúng em đều mong muốn được biết, được xem nhiều hơn nữa. Những bộ phim về Bác làm chúng em thêm hiểu, thêm yêu cuộc đời của Người. Từ đó, chúng em thấy mình cần cố gắng hơn nữa...". Trước lúc diễn ra chương trình, nghệ sỹ Tiến Hợi là người được "săn đón" nhiều nhất. Cũng dễ hiểu, bởi ông là người đã từng có trên 40 vai diễn khác nhau về Bác Hồ qua các tác phẩm điện ảnh, sân khấu, truyền hình và 100 buổi thể hiện trong các chương trình, tổ chức sự kiện của đất nước về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông trò chuyện: "Tôi là người gốc thành Vinh, có lẽ vậy mà "chất Nghệ" đã có trong tôi từ thủa lọt lòng. Suốt 35 năm công tác, tôi luôn hạnh phúc mình là người Nghệ, được thể hiện nhiều vai diễn về Bác kính yêu - đó là hạnh phúc lớn nhất trong đời làm nghệ thuật của tôi".
Diễn viên Minh Đức (phim "Nhìn ra biển lớn") giao lưu cùng sinh viên Trường Đại học Vinh. |
Mở đầu đêm giao lưu, trước tình cảm của cán bộ, sinh viên Trường Đại học Vinh, ông Phan Đình Thanh, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trang trọng cảm ơn tấm chân tình của thầy trò nhà trường. Trong ánh đèn rực rỡ và những bó hoa chào mừng các đại biểu, nghệ sỹ tham dự đêm giao lưu, các khán giả Trường ĐH Vinh đã vô cùng hạnh phúc khi được gặp những diễn viên mà họ yêu thích như Tiến Hợi, Minh Đức (hai diễn viên đóng vai Bác Hồ trong các phim “Hẹn gặp lại Sài Gòn”, “Hà Nội mùa Đông năm 46” và “Nhìn ra biển cả”), và một số thành phần sáng tác của phim “Thầu Chín ở Xiêm” như nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc, hoạ sỹ thiết kế Đinh Quang Hiếu, nghệ sỹ Thiên Huế (người lồng tiếng o Nho trong phim)...
Để lại dấu ấn đẹp nhất vẫn là phần giao lưu với đoàn làm phim “Thầu Chín ở Xiêm”. Đây là bộ phim nói về quãng thời gian hoạt động cách mạng rất ngắn của Nguyễn Ái Quốc tại Xiêm (Thái Lan) với bí danh Thầu Chín (từ tháng 7/1928 đến tháng 9/1929), do Đinh Thiên Phúc viết kịch bản và Bùi Tuấn Dũng đạo diễn. Lúc này nhà lãnh tụ đã trải qua 17 năm hoạt động ở nhiều quốc gia, về đến Thái Lan và có mật danh là Thầu Chín. Ở đây, Nguyễn Ái Quốc xây dựng cơ sở cách mạng, chuẩn bị hợp nhất 3 tổ chức cộng sản, tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930.
Trước câu hỏi của sinh viên Đặng Anh Hùng (K55 Toán - Tin), rằng khi thực hiện bộ phim này, đoàn đã có những trở ngại gì và cảm xúc của đoàn? Nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc đã kể lại những khó khăn của đoàn làm phim ở Nakhonphanom, Mụcđahản, Udonthani (Thái Lan). Nhưng theo ông, những khó khăn ấy chẳng là gì khi đứng ở Nakhonphanom nhìn về, đã thấy dãy Trường Sơn mờ mờ ẩn hiện phía xa. Nơi đó, Bác đã từng đứng ngóng về Tổ quốc biết bao lần. Cũng theo nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc, những tình cảm vô bờ của bà con Việt kiều ở Nakhonphanom, Udonthani... cũng chính là nguồn động lực rất lớn để đoàn hoàn thành bộ phim này. Thêm một tin rất vui khi phim truyện "Thầu Chín ở Xiêm" là 1 trong 10 tác phẩm giành giải A đợt 2 của Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” dịp kỷ niệm 125 năm Ngày sinh của Bác.
Theo dòng chảy xúc cảm đó, chúng tôi cùng đoàn nghệ sỹ về với quê chung Nam Đàn để giao lưu cùng người dân quê Bác. Nhưng, nếu như ở Trường ĐH Vinh là những trường đoạn trò chuyện vỡ òa niềm vui của sẻ chia, gặp gỡ thì dường như về miền đất này, trái tim người nghệ sỹ đã lắng lại để bồi hồi ghi nhận và tưởng nhớ.
Bà Nguyễn Thị Hòa dắt theo đứa chắt ngoại Trần Văn Phúc kể: "Tui với chắt lên đây từ hơn 6h chiều, chờ mãi cho đến giờ ni đây. Tui xem nhiều phim về Bác, đêm ni được gặp diễn viên, nghe nói xúc động lắm o chú hè?". Đi cùng các cán bộ, chiến sỹ của đơn vị mình, Trung úy Ngô Đức Din (Đại đội 7 - Tiểu đoàn 27 - Đoàn công binh Hải Vân) cho biết: Đơn vị của anh đêm qua mới tổ chức cho bộ đội xem 2 phim "Đường xuyên rừng" và "Thầu Chín ở Xiêm". Thế nên, anh em rất háo hức khi được gặp trực tiếp các diễn viên "bằng xương bằng thịt". Là người lính của Đoàn công binh Hải Vân anh hùng, chúng tôi luôn tích cực đẩy mạnh phong trào "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Được xem những bộ phim về Người, hiểu thêm về quá trình cách mạng đầy chông gai mà Bác đã trải qua, chúng tôi càng thêm quyết tâm để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, để luôn sáng mãi phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ".
Giản dị nhưng tràn ngập không khí ngày gặp gỡ, hội trường lớn trên 300 chỗ của Trung tâm Văn hóa huyện đã đầy đủ mọi gương mặt, từ các em học sinh, người dân, cán bộ huyện Nam Đàn và màu áo xanh chiến sỹ. Cảm ơn sự có mặt của các nghệ sỹ, bà Lê Thị Hằng, Phó Chủ tịch UBND huyện phát biểu: "Những bộ phim về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong dịp này thực sự có ý nghĩa. Qua đó, để thêm một lần chúng ta được cảm phục và học tập tấm gương hoạt động cách mạng của Người. Nhân dân Nam Đàn rất biết ơn những nghệ sỹ, đạo diễn, biên kịch đã dày công vất vả để tạo dựng nên thành công của các bộ phim về hình tượng Hồ Chủ tịch".
Trần Hải - Phương Chi